Kế hoạch tăng lãi suất của FED có thể 'dội gáo nước lạnh' vào kinh tế toàn cầu
Bà Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất có thể "dội một gáo nước lạnh" vào sự phục hồi kinh tế vốn đã yếu kém ở một số quốc gia.
Mới đây, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, bà Georgieva nói rằng việc tăng lãi suất của Mỹ tác động đáng kể đến các quốc gia có các khoản nợ tính bằng USD.
Cùng với đó, điều "cực kỳ quan trọng" là FED phải truyền đạt rõ ràng các kế hoạch của mình để ngăn chặn những bất ngờ khi mà lãi suất Mỹ cao hơn có thể khiến các quốc gia trả nợ bằng đồng USD chịu một khoản nợ lớn hơn.
Trong một hội thảo do Geoff Cutmore tổ chức trước đó, bà Georgieva đã đưa ra thông điệp của IMF đối với các quốc gia có mức nợ bằng USD cao: “Hãy hành động ngay bây giờ. Nếu có thể kéo dài thời gian đáo hạn, hãy làm điều đó. Nếu tỷ giá hối đoái đang chịu sức ép, đây là thời gian để các Chính phủ khắc phục nó".
Với mối quan tâm lớn nhất hiện nay của IMF là đối với các quốc gia có thu nhập thấp trong khi mức nợ lại quá cao. Khoảng 70% các quốc gia có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh "túng quẫn" hoặc có nguy cơ rơi vào cảnh nợ nần, con số này cao gấp đôi so với mức của năm 2015.
Có thể thấy, lạm phát là vấn đề đặc thù của từng quốc gia khi giá cả đang tăng với tốc độ đáng kinh ngạc: Lạm phát khu vực đồng Euro đạt mức cao kỷ lục 5% vào tháng 12, tỷ lệ lạm phát tháng 12 ở Anh đạt mức cao nhất 30 năm trong và chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 của Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/1982.
IMF hồi năm 2020, thực hiện những chính sách tương tự ở mọi nơi vì cả thế giới phải chiến đấu với cùng một vấn đề. Sang năm 2022, điều kiện ở các quốc gia rất khác nhau, vì vậy không thể áp dụng một chính sách cho tất cả các quốc gia.
Bà Georgieva cho biết: “Tính đặc trưng của quốc gia đó là điều khiến năm 2022, theo một cách nào đó, thậm chí còn khó hơn năm 2020”.
Người đứng đầu IMF gợi ý rằng một giải pháp trong năm nay cho các nhà hoạch định là sự linh hoạt về chính sách.
Hiện các Ngân hàng Trung ương phải dựa vào dữ liệu trong việc ứng phó với lạm phát và thông báo rõ ràng về bất kỳ chính sách thắt chặt tiền tệ nào, nhưng quan trọng hơn là các nhà hoạch định chính sách khác phải có những phản ứng kịp thời, đặc biệt là bằng cách tăng cường nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng trên khắp thế giới.
Về sự kiện FED dự định tăng lãi suất, trước đó, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của FED, ngày 15/12 cho biết sẽ giảm lượng mua trái phiếu kho bạc hàng tháng và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp với tốc độ nhanh hơn so với mức đưa ra vào tháng 11/2021.
Các quan chức FED cũng dự kiến ba lần tăng lãi suất vào năm 2022, đẩy nhanh thời gian dự kiến để tăng chi phí đi vay. Quyết định này được đưa ra sau khi lạm phát tháng 11 đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong gần 40 năm qua, với giá cả một loạt các mặt hàng gia tăng gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và giới doanh nghiệp Mỹ.
Bùi Hằng (T/h)