Thứ ba, 31/12/2024 00:57 (GMT+7)
Thứ năm, 27/01/2022 07:43 (GMT+7)

Năm 2022, Trung Quốc giảm lãi suất để giữ đà tăng trưởng

Theo dõi KTMT trên

Trung Quốc gần đây liên tục nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua hạ lãi suất bất chấp rủi ro tiềm tàng về lạm phát và gánh nặng nợ phình to. Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nhận định đây là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm duy trì đà tăng trưởng trong năm nay.

Hôm 24/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố hạ 0,1% lãi suất nghiệp vụ mua kỳ hạn (nghiệp vụ thị trường mở - reverse repo) 14 ngày từ 2,35% xuống 2,25%. Đây là lần đầu tiên PBOC hạ lãi suất repo ngược 14 ngày kể từ tháng 6/2020 đến nay, qua đó bơm 150 tỷ NDT (23,7 tỷ USD) vào nền kinh tế.

Một tuần trước đó, PBOC hạ 0,1% với lãi suất cho vay trung hạn (MLF) và lãi suất nghiệp vụ mua kỳ hạn 7 ngày. Đồng thời, hạ lãi suất cơ bản kỳ hạn 1 năm 0,1% xuống 3,7% và lãi suất cơ bản kỳ hạn 5 năm 0,05% xuống còn 4,6%.

Năm 2022, Trung Quốc giảm lãi suất để giữ đà tăng trưởng - Ảnh 1

Hàng loạt động thái hạ lãi suất của PBOC trong những ngày qua phản ánh không gì khác ngoài nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu giảm tốc và thị trường bất động sản (BĐS) đối diện nhiều rủi ro.

Để giữ đà tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc hạ lãi suất

Hiện Trung Quốc còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ do các hỗ trợ thận trọng của quốc gia này trong thời kỳ đại dịch và lạm phát giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 chỉ ở mức 0,9% so với năm 2020.

Câu hỏi đặt ra lúc này là động thái nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng liệu có đi kèm rủi ro cho nền kinh tế? Rủi ro rõ ràng là có.

Năm 2022, Trung Quốc giảm lãi suất để giữ đà tăng trưởng - Ảnh 2
Biểu đồ: CPI Trung Quốc năm 2021.

Giám đốc điều hành công ty phân tích New View Economics ông David Brown nhận định: “Việc cắt giảm 0,1% lãi suất cho vay cơ bản 1 năm mới đây sau lần cắt giảm 0,05% vào tháng 12/2021 có thể là quá nhỏ để tạo ra bất kỳ tác động đáng kể nào với các điểm nghẽn trong nền kinh tế, hay kích thích nhu cầu vay từ người tiêu dùng và doanh nghiệp”.

Nhìn thực tế, mức cắt giảm lãi suất càng mỏng thì càng kém hiệu quả. Thêm vào đó, sau nhiều lần giảm liên tục, mặt bằng lãi suất của Trung Quốc đã rất thấp. Điều này khiến việc giảm lãi suất đang bắt đầu mất dần sức hút.

Chưa kể tác động trễ tiềm tàng mà nó có thể gây ra với lạm phát, như những gì đang xảy ra ở Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang dự báo lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay để kiềm chế lạm phát lên cao kỷ lục sau thời gian dài mở rộng cung tiền quá mức và duy trì lãi suất cơ bản tiệm cận 0.

Tháng 12/2021, mặc dù CPI của Trung Quốc chỉ ở mức 1,5% và CPI cả năm 2021 chỉ 0,9%, nên nhớ rằng gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn đang đe dọa gây áp lực lên lạm phát. Tháng trước, chỉ số giá sản xuất (PPI) của quốc gia này đã lên tới 10,3%.

Cũng cần cảnh giác nguy cơ bong bóng nợ trong nước phình to và hiện tượng đầu cơ thị trường BĐS trở nên trầm trọng hơn sau những đợt hạ lãi suất liên tiếp như vậy. Ngoài ra, khi FED trên đà thắt chặt chính sách tiền tệ, chênh lệch lãi suất giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể gây áp lực lên tỷ giá hối đoái đồng NDT so với USD.

PBOC liên tục giảm lãi suất bất chấp những rủi ro đã lường trước như vậy, nguyên nhân không gì khác ngoài việc ưu tiên bảo vệ đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Mặc dù tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt 8,1% trong năm 2021, mức tăng chủ yếu được dẫn dắt bởi GDP quý I tăng vọt 18,3%. Trong nửa cuối năm, kết quả không lạc quan như vậy. Tăng trưởng GDP quý III/2021 của Trung Quốc chỉ đạt 4,9% và quý IV/2021 thậm chí giảm xuống 4,0% do sự bùng phát trở lại của một số ổ dịch Covid-19 cũng như sự suy thoái trong lĩnh vực BĐS.

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến bất định và Bắc Kinh kiên trì với chính sách Zero-Covid, nền kinh tế Trung Quốc cần được tiếp sức. Và động thái của PBOC trong những ngày qua chính là nỗ lực “tiếp sức” đó.

Năm 2022, Trung Quốc giảm lãi suất để giữ đà tăng trưởng - Ảnh 3
Biểu đồ: GDP Trung Quốc giai đoạn 2020-2021

TS Lê Xuân Nghĩa (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia) nhận định, nguyên nhân chính khiến Trung Quốc tiếp tục giảm lãi suất như vậy là để duy trì đà tăng trưởng năm 2022.

Năm 2022, Trung Quốc giảm lãi suất để giữ đà tăng trưởng - Ảnh 4
TS Lê Xuân Nghĩa.

"Một số dự báo cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 có thể chỉ khoảng 5%. Và như vậy là Trung Quốc đang dùng tất cả các biện pháp, từ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp, tăng cung tiền ngân hàng thương mại lớn, giảm lãi suất… để giữ cho được đà tăng trưởng không giảm tốc quá nhiều, tránh gây biến động mạnh, ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu nói chung".

Ngay cả khi Trung Quốc giảm lãi suất liên tục như vậy cũng rất khó để giữ đà tăng trưởng ở mức bằng năm 2021, tuy nhiên mức tăng trưởng khoảng 6-7% đã là rất tích cực, TS Lê Xuân Nghĩa cũng nhận định.

Theo ông Nghĩa, một nguyên nhân khác khiến Trung Quốc giảm lãi suất là do điểm tựa lạm phát thấp tạo cơ sở cho chính sách tiền tệ nới lỏng. "Việc giảm lãi suất như vậy tạo ra lợi ích kép cho Trung Quốc: Giảm lãi suất thì đồng NDT chắc chắn yếu đi, trong khi bên kia bán cầu đồng USD tăng giá làm cho chênh lệch tỷ giá đồng NDT và USD doãng ra theo hướng có lợi cho Trung Quốc, đặc biệt là hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ".

Chính sách tài khóa được kết hợp

Cựu cố vấn Ủy ban Chính sách tiền tệ (PBOC) ông Yu Yongding,  nhận định tình hình kinh tế hiện tại với nhu cầu tín dụng tương đối yếu có thể hạn chế vai trò của PBOC, và chính sách tiền tệ nới lỏng thông qua giảm lãi suất nhiều khả năng là không đủ để ổn định nền kinh tế.

Theo vị này, Bộ Tài chính, cơ quan kiểm soát chi tiêu Chính phủ, có thể hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua nới lỏng chính sách tài khóa; bởi chính sách tiền tệ nới lỏng không những tỏ ra ít hiệu quả mà còn có nguy cơ gây nhiều hệ lụy khác như tín dụng dư thừa chảy vào các lĩnh vực ít tạo ra giá trị thặng dư - cụ thể như đầu cơ BĐS.

Quan điểm này được đồng tình bởi nhiều nhà kinh tế học Trung Quốc khác như Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ANZ. Vị này lập luận rằng các vấn đề của kinh tế Trung Quốc lúc này là mất cân bằng cung - cầu, do đó không thể được giải quyết chỉ với chính sách tiền tệ nới lỏng.

Liên quan đến chính sách tài khóa, vào tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh đã kêu gọi các chính quyền địa phương tăng chi đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ như nguồn tăng chi từ đâu. Hiện tượng suy thoái thị trường bất động sản trong thời gian qua đã làm giảm đáng kể nguồn thu của các chính quyền địa phương từ đất đai, BĐS.

Một thông điệp gần đây từ Chính phủ Trung Quốc cho biết, 1,46 nghìn tỷ NDT trái phiếu đặc biệt (230 tỷ USD) có thể được phát hành trong thời gian tới để tài trợ cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, khoản chi này có thể phải đợi tới tháng 3/2022, khi Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc họp và phê duyệt ngân sách quốc gia năm nay.

Có thể nói, việc nới lỏng tài khóa có thể bị trì hoãn tới ít nhất là sau khi kết thúc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào tháng 3 tới đây.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Năm 2022, Trung Quốc giảm lãi suất để giữ đà tăng trưởng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới