Thứ sáu, 04/10/2024 02:30 (GMT+7)
Thứ tư, 19/01/2022 18:00 (GMT+7)

Người dân tự cách ly, tự theo dõi sức khỏe tại nhà như thế nào?

Theo dõi KTMT trên

Hiện nay, ở một số địa phương đang áp dụng biện pháp theo dõi sức khỏe tại nhà đối với một số trường hợp về từ vùng dịch. Vậy người dân tự cách ly, tự theo dõi sức khoẻ tại nhà như thế nào?

Thực hiện Nghị quyết 128 về "thích ứng an toàn", Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân; chỉ xét nghiệm với người từ địa bàn dịch cấp độ 4 (vùng đỏ, nguy cơ rất cao), hoặc vùng phong tỏa, trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ từ địa bàn có dịch cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao). Người dân từ tỉnh này đến tỉnh khác không phải cách ly tập trung mà được cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.

Càng gần đến Tết Nguyên đán, câu chuyện người dân về quê ăn Tết lại càng trở nên "nóng" khi tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, những ngày gần đây, Việt Nam tiếp tục ghi nhận ca mắc Covid-19 mới ở mức cao. Vậy người dân sẽ phải cách ly, tự theo dõi sức khoẻ tại nhà như thế nào?

Đối tượng nào cần tự theo dõi sức khỏe tại nhà?

Theo Công văn 9472/BYT-MT, người đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (trong Sổ sức khoẻ hiện thẻ xanh hoặc có giấy xác nhận tiêm vaccine); người đã khỏi Covid-19 trong thời gian 6 tháng (thông qua giấy ra viện hoặc giấy xác nhận khỏi bệnh) là đối tượng chỉ cần tự theo dõi sức khoẻ tại nhà khi về địa phương ăn Tết.

Do đó, tự theo dõi sức khoẻ tại nhà cũng là một trong những biện pháp để phòng, chống Covid-19 nhưng chỉ mang tính chất khuyến khích và dựa phần lớn vào ý thức phòng, chống dịch của người dân.

Tự theo dõi sức khoẻ tại nhà là việc người được yêu cầu, khuyến khích, vận động áp dụng biện pháp này tự theo dõi, kiểm tra các chỉ số của sức khoẻ bản thân tại gia đình như:

- Tự đo nhiệt độ, huyết áp hằng ngày của mình và các thành viên khác trong gia đình.

- Theo dõi bản thân có xuất hiện các triệu chứng của người nhiễm Covid-19 như: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc, mất vị giác, tiêu chảy, ho ra máu, thở dốc, khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, đau họng, nhức đầu, chóng mặt...

Người dân tự cách ly, tự theo dõi sức khỏe tại nhà như thế nào? - Ảnh 1
Tự theo dõi sức khoẻ tại nhà là việc người dân được yêu cầu, khuyến khích, vận động áp dụng biện pháp này tự theo dõi, kiểm tra các chỉ số của sức khoẻ bản thân tại gia đình. (Ảnh minh họa)

Khi có một trong các dấu hiệu nêu trên thì phải báo ngay cho cơ quan y tế có thẩm quyền tại địa phương. Đồng thời, có thể kể một số đặc điểm của việc tự theo dõi sức khoẻ tại nhà như sau:

- Không phải yêu cầu bắt buộc mà chỉ mang tính chất khuyến khích, vận động nên người được yêu cầu tự theo dõi sức khoẻ tại nhà sẽ không nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Người tự theo dõi sức khoẻ tại nhà nên hạn chế ra khỏi nhà; hạn chế tụ tập và đến các nơi đông người; luôn thực hiện thông điệp 5K; hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình; khi tiếp xúc cần phải áp dụng các biện pháp bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh...

Điều kiện tự cách ly tại nhà?

Bên cạnh hai đối tượng được tự theo dõi sức khoẻ tại nhà nêu trên, cũng tại Công văn 9472 của Bộ Y tế, người chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (hiện thẻ vàng trên Sổ sức khoẻ điện tử hoặc căn cứ vào giấy chứng nhận tiêm chủng) sẽ cách ly tại nhà 7 ngày; người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ phải cách ly tại nhà 14 ngày và tự theo dõi sức khoẻ 14 ngày sau đó.

Tuy nhiên, hiện nay các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế mới chỉ quy định về cách ly tại nhà với người tiếp xúc gần (F1) tại Công văn 5599 ngày 14/7/2021 mà chưa có hướng dẫn khác liên quan đến người di chuyển từ vùng có dịch về các tỉnh, thành phố.

Do đó, theo Hướng dẫn tại Công văn số 5599/BYT-MT ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị với người cách ly tại nhà bao gồm:

- Nơi cách ly là nhà ở riêng lẻ; căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư.

Người dân tự cách ly, tự theo dõi sức khỏe tại nhà như thế nào? - Ảnh 2
Điều kiện cơ sở cách ly phải là nhà ở riêng lẻ; căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư. (Ảnh minh họa)

- Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19”; có thùng màu vàng có biểu tượng chất thải lây nhiễm có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2” để đựng trang phục phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế thải bỏ.

- Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình.

- Khuyến khích lắp camera để giám sát người cách ly.

- Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn (sau đây gọi tắt là dung dịch sát khuẩn tay). Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng.

+ Trong phòng cách ly có thùng đựng chất thải, có màu vàng, có nắp đậy, mở bằng đạp chân, có lót túi màu vàng để đựng chất thải gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2; thùng đựng chất thải sinh hoạt, có nắp đậy, mở bằng đạp chân và có lót túi màu xanh để đựng chất thải sinh hoạt.

+ Không được dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng; Đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ.

+ Có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt.

+ Có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 2 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng. Phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn hằng ngày.

- Phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm (khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo) để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly.

- Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.

Đặc biệt, khác với người tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, người cách ly tại nhà sẽ nhận được quyết định cách ly của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, cách ly tại nhà là biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc, mọi người đều phải tuân theo.

Đây cũng là sự khác nhau cơ bản giữa cách ly tại nhà và tự theo dõi sức khoẻ tại nhà hiện nay.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Người dân tự cách ly, tự theo dõi sức khỏe tại nhà như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.