Hà Nội: Còn nhiều bất cập trong vấn đề rác thải F0 cách ly tại nhà
Cách ly và điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà là giải pháp giúp giảm áp lực cho ngành Y tế và giúp người dân an tâm hơn trong quá trình phục hồi sức khỏe, nhưng vấn đề xử lý rác thải F0 lại khiến xã hội và nhiều người lo ngại.
Nhiều thời điểm quá tải...
Tại Hà Nội, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cùng với các công ty môi trường trên địa bàn cũng đã có sự chỉ đạo và chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác thu gom, xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà.
Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc những người mắc Covid-19 điều trị tại nhà cần phân loại rác thải y tế, xử lý đồ dùng để tránh lây nhiễm. Tuy nhiên, khi F0 tự điều trị tại nhà ở Hà Nội tăng cao, công tác này phát sinh nhiều bất cập.
Do đó, UBND TP đã vừa ban hành thêm phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn.
Theo phương án của thành phố, rác thải của F0 điều trị tại nhà sẽ được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.
Việc phân loại như vậy rất quan trọng bởi chất thải lây nhiễm thu gom phải được xử lý riêng so với các loại chất thải khác, thông thường sẽ được xử lý bằng phương pháp thiêu huỷ để xử lý triệt để chất thải lây nhiễm.
Sau khi thu gom, rác thải từ nhà F0 được đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn phối hợp với Tổ Covid-19 cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn vận chuyển đến các điểm lưu giữ chất thải lây nhiễm tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn hoặc các Trạm Y tế lưu động, hoặc các khu lưu giữ tạm thời chất thải lây nhiễm do địa phương bố trí trên địa bàn.
Từ tháng 4/2021 đến nay, số ca F0, F1 cách ly tại nhà ngày càng tăng và phân bố rải rác trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của ngành chức năng, chỉ riêng Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 (Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội), mỗi ngày phải thu gom, vận chuyển và xử lý tại các khu cách ly khoảng 2-3 tấn rác thải.
Do khối lượng rác thải phát sinh lớn nên đã gặp một số khó khăn như: Không đủ nhân lực đáp ứng việc thu gom rác thải nhỏ lẻ tại từng hộ gia đình có F0 điều trị tại nhà; công tác phân loại rác thải chưa được triệt để dẫn đến khối lượng rác phát sinh nhiều.
Còn nhiều bất cập
Dù đã có quy định chung nhưng công tác thực hiện ở mỗi địa phương lại không đồng đều; nơi thực hiện tốt, nơi lơ là. Chia sẻ với phóng viên Báo PLVN, chị V.T.L (phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội), một F0 vừa hoàn thành thời gian điều trị tại nhà, cho biết chị không được hướng dẫn cách phân loại rác thải cũng như xử lý đồ dùng cá nhân của F0 như thế nào trong suốt thời gian qua.
Chị L nói thêm: “Dù đã báo với y tế phường kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-199, nhưng mình đã không được hướng dẫn gì thêm về cách xử lý rác thải sinh hoạt. Do cách ly một mình nên bản thân phải tự tìm hiểu là chính. Có một người bạn đã hướng dẫn mình phải buộc chặt, khử khuẩn các túi rác xong bỏ vào thùng rác thôi”.
Điều đáng lo ngại là rất nhiều gia đình có F0 điều trị tại nhà cũng không biết đến các quy định về xử lý rác thải. Cũng là F0 điều trị tại nhà, anh N.T.T (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, sau khi phát hiện dương tính với Covid-19, anh được Trạm Y tế thông báo tự cách ly ở nhà 10 ngày. Ngoài ra, gia đình anh không hề được hướng dẫn về việc xử lý rác thải hằng ngày. Anh T. chia sẻ việc đổ rác vẫn diễn ra như bình thường, không có gì thay đổi so với trước đây.
Theo các chuyên gia đánh giá, công tác quản lý, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt của người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà hiện gặp nhiều khó khăn. Trong đó, có thể nói tới các trường hợp F0 điều trị tại nhà nằm rải rác trên từng địa bàn, khiến thời gian thu gom có thể kéo dài, chi phí vận chuyển tăng cao, chưa kể nhiều hộ gia đình còn nằm trong ngõ nhỏ, không thuận lợi cho các xe thu gom di chuyển. Bên cạnh đó, không chỉ lực lượng thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết vẫn còn thiếu mà số lượng các thiết bị bảo hộ, thiết bị khử khuẩn trang bị cho nhân viên thu gom cũng rất hạn chế.
Thiết nghĩ, những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn và lực lượng phụ trách về vệ sinh môi trường vẫn là chưa đủ mà còn cần cả sự chung tay, góp sức của mỗi người dân, mỗi gia đình. Đặc biệt là những người bệnh và gia đình có F0 điều trị tại nhà, dù được nhắc nhở hay không, cũng có thể tự tìm hiểu và thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm, nhằm tránh những rủi ro lây lan trong cộng đồng qua con đường rác thải.
Nguyễn Linh (T/h)