Thứ bảy, 23/11/2024 05:16 (GMT+7)
Thứ tư, 16/10/2019 07:45 (GMT+7)

Người dân có quyền kiện bồi thường đơn vị cung cấp nước?

Theo dõi KTMT trên

Theo luật sư, nước bẩn có thể nguy hại đến sức khỏe con người, người dân Hà Nội có quyền kiện bồi thường đơn vị cung cấp nước để bồi thường thiệt hại.

Nước sinh hoạt “bốc mùi” ở Hà Nội, trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày 14/10, Bộ TN&MT và Công ty CP Đầu tư Nước sạch Sông Đà đã thừa nhận nước sạch tại Hà Nội trong những ngày vừa qua bốc mùi khó chịu là do nhiễm dầu.

Người dân có quyền kiện bồi thường đơn vị cung cấp nước? - Ảnh 1
Quy trình sản xuất nước sạch lỏng lẻo, nguồn nước dễ dàng bị "xâm hại” khiến người dân lo lắng: Sau dầu thải sẽ là gì?.

Về vấn đề này, trả lời Phóng viên Báo điện tử VOV, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo (đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, đảo).

Quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ công về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Sở tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước liên quốc gia theo thẩm quyền; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bảo đảm nguồn nước phục vụ cung cấp nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hoặc xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước.

Người dân có quyền kiện bồi thường đơn vị cung cấp nước? - Ảnh 2
Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh).

“Thế nhưng, trong trường hợp này Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình đã không làm tốt nhiệm vụ theo dõi, phát hiện ra sự cố này. Cho dù, hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức nhưng không thể nói Sở TN& MT tỉnh Hòa Bình không có trách nhiệm”, luật sư Bình nhấn mạnh.

Trong văn bản trả lời Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Nước sạch Sông Đà thừa nhận đã phát hiện nguồn nước để làm nước bị nhiễm dầu, tức ô nhiễm nhưng vẫn tiến hành sản xuất và cấp nước về Thủ đô, luật sư Bình cho rằng, khi phát hiện ra sự việc thì việc cần thiết là ngưng cấp nước để cho dòng chảy trở về với hiện trạng ban đầu bởi vấn đề ô nhiễm môi trường nước đang lan rộng và gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

“Hàng năm, nước bẩn giết nhiều người hơn cả chiến tranh và các hình thức bạo lực khác cộng lại. Nói một cách thẳng thắn, ô nhiễm nước ảnh hưởng đến tính mạng con người thế nhưng tôi không hiểu vì sao Công ty CP Đầu tư Nước sạch Sông Đà vẫn tiến hành sản xuất và cấp nước về Thủ Đô trong khi đã biết trước nước bị ô nhiễm. Theo tôi đó là một sự vô cảm, là thiếu trách nhiệm trầm trọng, coi thường tính mạng sức khỏe người dân”, luật sư Bình cho hay.

Người dân có thể khởi kiện đòi quyền lợi?

Theo luật sư Bình, nếu xác định chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn cấp nước thì hành vi này là hết sức đáng lên án và cần phải xử lý theo quy định pháp luật. Việc xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra, có thể bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người dân có quyền kiện bồi thường đơn vị cung cấp nước? - Ảnh 3
Không thể mang sức khỏe người dân ra để làm trò đùa với "may rủi".

Bên cạnh những thiệt hại về tinh thần trước sự hoang mang, lo lắng của hàng trăm nghìn người dân Thủ đô, những thiệt hại về kinh tế cũng không nhỏ khi người dân phải tự đi mua nước đóng bình về để phục vụ sinh hoạt, phải thay bộ lõi lọc cho các máy lọc nước trong gia đình. Do đó đủ cơ sở để yêu cầu đơn vị cung cấp nước phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ những thiệt hại của người dân.

“Tuy nhiên, do người dân không ký trực tiếp với Công ty CP Đầu tư Nước sạch Sông Đà nên phải xem lại hợp đồng là đơn vị nào đã bán trực tiếp nước cho người dân và người dân kiện đơn vị đó. Hiện nay, chất lượng nước sinh hoạt phải đảm bảo theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT (Thông tư 41) ban hành Quy chuẩn về chất lượng nước sạch sinh hoạt”, luật sư Bình thông tin.

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 41 quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, kết quả thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 5 của Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư này phải được đơn vị cấp nước công khai trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày có kết quả trên trang thông tin điện tử của đơn vị cấp nước các nội dung sau: Tổng số mẫu nước thử nghiệm và các vị trí lấy mẫu; Các thông số và kết quả thử nghiệm cụ thể của từng mẫu nước; Biện pháp và thời gian khắc phục các thông số không đạt Quy chuẩn.

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 41, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp; Lưu trữ và quản lý hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch; Báo cáo biện pháp khắc phục các sự cố liên quan đến chất lượng nước sạch; Công khai thông tin về chất lượng nước sạch;…

Xử lý ra sao những đối tượng đổ trộm dầu?

Luật sư Bình cho biết, hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân mà còn là hành vi bất hợp pháp và tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.

Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội gây ô nhiễm môi trường đã nâng mức phạt tiền lên đến 1 tỉ đồng và nâng mức phạt tù từ 1 - 5 năm.

Người dân có quyền kiện bồi thường đơn vị cung cấp nước? - Ảnh 4
Con suối Khại dẫn nước cho nhà máy nước sạch Sông Đà (xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hòa Bình) bị nhiễm bẩn do dầu thải đổ vào đầu nguồn. Ảnh: VTCNews.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm. Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này bị phạt tiền từ 1 - 10 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức; Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bạn đang đọc bài viết Người dân có quyền kiện bồi thường đơn vị cung cấp nước?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới