Thứ tư, 24/04/2024 09:41 (GMT+7)
Thứ sáu, 19/05/2023 07:50 (GMT+7)

Ngày Môi trường Thế giới năm 2007 với chủ đề "Băng tan - Một vấn đề nóng bỏng”

Theo dõi KTMT trên

Với chủ đề "Băng tan - Một vấn đề nóng bỏng”, Ngày Môi trường Thế giới năm 2007 kêu gọi mọi người hãy hành động vì một môi trường an toàn, hữu ích, bảo vệ sự sống và phát triển nhân loại.

Chưa bao giờ vấn đề biến đổi khí hậu lại được đề cập nhiều như trong thời điểm này. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, hàm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển đang cao hơn bất cứ thời kỳ nào trong suốt hơn 600 năm qua. Khí CO2 phát sinh trong quá trình đốt cháy nhiên liệu than, dầu mỏ, khí thải.... làm gia tăng nhiệt độ Trái Đất.

Nồng độ khí CO2 trong khí quyển đã cao hơn rất nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trong vòng 600.000 năm qua và đang tăng lên một cách nhanh chóng có ảnh hưởng bất lợi lớn đến môi trường sống của con người. Đây là vấn đề quan trọng được đặt vào vị trí hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững của mỗi quốc gia. 

Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã chọn Na Uy, một nước Bắc Âu đi tiên phong trong cuộc chiến chống thay đổi khí hậu, là nơi tổ chức lễ kỷ niệm ngày Môi trường Thế giới năm 2007 với chủ đề: "Băng tan - Một vấn đề nóng bỏng”.

Để kỷ niệm ngày Môi trường Thế giới 2007 cũng như Năm Địa cực quốc tế, một loạt các sự kiện phản ánh những mối đe dọa từ hiểm hoạ biến đổi khí hậu toàn cầu đến con người và các loài động thực vật trên thế giới sẽ được tiến hành ở nhiều thành phố của Na Uy, trong đó có thành phố Tromsø và thủ đô Oslo.

Ngày Môi trường Thế giới năm 2007 với chủ đề "Băng tan - Một vấn đề nóng bỏng” - Ảnh 1
Ngày Môi trường Thế giới năm 2007 được phát động với chủ đề: "Băng tan - Một vấn đề nóng bỏng”.

Thành phố Tromsø giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch sinh thái của Na Uy. Đây cũng là nơi có hiện tượng mặt trời chiếu sáng lúc nửa đêm vào mùa hè. Thành phố nằm ở vị trí trung tâm của nền văn hóa Sami bản địa và có lịch sử liên quan chặt chẽ tới các vùng biển của phương Bắc lạnh giá.

Bộ trưởng Bộ Môi trường của Na Uy, Bà Helen Bjørnøy cho rằng đây là cơ hội để nhìn nhận về những mối đe dọa nghiêm trọng của môi trường ở vùng cực. Đó không chỉ là sự biến đổi khí hậu ở Bắc cực mà còn ảnh hưởng tới hệ thống khí hậu toàn cầu. Cùng với UNEP, chính phủ Na Uy sẽ xây dựng một chương trình năng động, kích thích sự quan tâm và hưởng ứng ở Tromsø cũng như các thành phố khác của Na Uy trong suốt ngày 5/6.

Băng tan nguy hiểm đến mức nào?

Báo cáo năm 2007 của Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu, trong năm 2005 cho thấy, độ dày của khoảng 30 núi băng trên toàn thế giới đã giảm 0,5 m là hậu quả của hiện tượng nhiệt độ Trái Đất tăng 0,6 độ C so với thế kỷ 20.

Theo các nhà khoa học, tốc độ tan chảy của các núi băng phản ánh rõ nét tình trạng ấm lên của toàn cầu. Các lớp băng trên sông băng, núi băng, đại dương trên các châu lục đang dần tan rã với tốc độ đáng lo ngại. Lớp băng trên đỉnh dãy núi Trắng của Peru, được coi là dải băng lớn nhất vùng nhiệt đới, đã bị mất tới 22% diện tích băng...

Trong vòng 13 năm kể từ 1991 -2004, số băng tan chảy ở châu  u gấp đôi so với 30 năm trước đó (1961 -1990). Có khoảng 160.000 sông băng trên thế giới từ dãy Rocky Mountains tới dãy Himalayas đang co dần. Điển hình các sông băng tại tỉnh Tyrol thuộc dãy Alps, phía Tây Australia, đang co lại khoảng 3% mỗi năm. Dải băng Larsen B nặng 500 tỷ tấn ở Nam Cực vỡ thành hàng nghìn khối vào năm 2002.

Phần lớn các nhà khoa học đồng ý rằng nguyên nhân của hiện tượng này là do các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Những tác động xấu của hiện tượng băng tan hiện đang làm gia tăng một số hiện tượng. Ví dụ như, khi lớp đất đóng băng tan sẽ phát sinh khí metan – một loại khí gây hiệu ứng nhà kính lâu dài. 

Mối quan tâm của các nhà bảo vệ môi trường hiện nay nằm ở Nam cực bởi nơi đây chứa tới 90% lượng nước ngọt của Trái Đất. Băng tan nơi đây sẽ biến đổi hoàn toàn hệ sinh thái nước ngọt trên thế giới. Nước biển bị hòa lẫn với nước ngọt do các tảng băng tan ra và lượng mưa tăng lên cho tới những vùng biển đang diễn ra hiện tượng mực nước biển dâng cao và thay đổi độ mặn và nhiệt độ đại dương.

Băng tan cũng làm gia tăng lũ lụt, lở đá ở các sườn núi và tác động đến nguồn nước trong hai đến ba thế kỷ tới. Đất đai xói mòn và các vùng dân cư bị ngập có thể làm cho hàng triệu người mất nơi cư trú. Sự tăng lên của nhiệt độ và tình trạng tan sớm của tuyết cũng làm cho các khu rừng khô hanh nhiều làm tăng nạn cháy rừng.

Theo ông Shafqat Kakakhel, Phó Giám đốc điều hành của UNEP, vùng cực là một trong những địa điểm đẹp, được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Đó cũng là hệ thống cảnh báo sớm, nơi ghi nhận đầu tiên về những biến đổi khí hậu do con người gây ra và sự mỏng đi của tầng Ôzôn do tác động của các hoá chất gây ô nhiễm khó phân huỷ.

Bắc cực đang ngày càng trở thành một nơi có tiềm năng cho việc khai thác và vận chuyển các loại khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt – một phần do ảnh hưởng của thay đổi khí hậu làm tan băng. Các ngành du lịch và khai thác hải sản cũng chú ý tới nguồn hải sản phong phú, dồi dào ở hai vùng cực. Tất cả những nguồn lợi hiện tại và những mối đe dọa tiềm ẩn đối với cuộc sống của người dân bản địa nơi đây cũng như trên toàn thế giới sẽ được phản ánh trong các chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới sắp tới.

Theo ước tính của UNDP, nếu mực nước biển dâng 1 m (do ấm nóng toàn cầu làm băng ở hai cực Trái Đất tan), Việt Nam sẽ chịu tổn thất ở mức khủng khiếp, 17 tỷ USD/năm. Đây là vấn đề mà Việt Nam cần đặc biệt quan tâm để giảm thiểu tác hại từ biến động của thời tiết...

Từ tác hại của thời tiết, khoảng một phần năm dân số sẽ mất nhà ở, 12,2% diện tích đất canh tác màu mỡ nhất sẽ bị chìm và khoảng 40.000 km2 đồng bằng cùng 17 km2 vùng ven biển của đồng bằng Cửu Long, khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, sẽ bị ngập lụt nặng nề. 

Năm 2007, Đà Nẵng được chọn làm nơi tổ chức sự kiện Ngày Môi trường Thế giới. Lễ mít tinh diễn ra từ 6 giờ 30 ngày 5/6 trước tiền sảnh Nhà hát Trưng Vương, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại diện UNDP, lãnh đạo T.Ư Đoàn, lãnh đạo TP.Đà Nẵng.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Ngày Môi trường Thế giới năm 2007 với chủ đề "Băng tan - Một vấn đề nóng bỏng”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.