Thứ sáu, 26/04/2024 09:24 (GMT+7)
Thứ sáu, 17/12/2021 10:00 (GMT+7)

Ngành dịch vụ môi trường Việt Nam – Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Theo dõi KTMT trên

Hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra những cơ hội và thách thức lớn cho ngành DVMT. Trong bối cảnh phát triển kinh tế toàn cầu tạo ra áp lực lớn cho môi trường, ngành DVMT tất yếu phải phát triển mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Tóm tắt: Ngành công nghiệp môi trường đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh phát triển kinh tế toàn cầu nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Doanh nghiệp dịch vụ môi trường có lợi thế về sức cạnh tranh về cung cấp dịch vụ môi trường với mức giá thấp, nhân lực trẻ và sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, tuy nhiên còn yếu kém về nhân lực, năng lực và chất lượng dịch vụ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các rào cản tiếp cận thị trường dần được xóa bỏ và nhu cầu phát triển xanh ngày càng cấp thiết là cơ hội lớn cho ngành. Bài báo trình bày thực trạng ngành dịch vụ môi trường của Việt Nam hiện nay trước các sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trước các cam kết mở cửa thị trường trong nước và loại bỏ các loại trợ cấp. Cũng như yêu cầu xác định quyền sở hữu đối với những người cung cấp dịch vụ môi trường về việc hưởng lợi và chịu trách nhiệm thực thi các cam kết. Đồng thời cung cấp các giấy phép kinh doanh, quyền kinh doanh và chứng chỉ hành nghề đối với việc cung ứng một số dịch vụ chiến lược hay dịch vụ phát triển kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý là cấp thiết

Đặt vấn đề

Hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra những cơ hội và thách thức lớn cho ngành dịch vụ môi trường (DVMT). Trong bối cảnh phát triển kinh tế toàn cầu tạo ra áp lực lớn cho môi trường, ngành DVMT tất yếu phải phát triển mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Ngành DVMT Việt Nam còn những điểm yếu về tính cạnh tranh của chất lượng dịch vụ, giá cả tương ứng, nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp DVMT cũng đang có những mạnh nội tại về giá cả cạnh tranh, tính linh hoạt, dễ ứng dụng, nguồn nhân lực dồi dào và sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ. Ngành DVMT Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới.

Hiện trạng vấn đề

Dịch vụ môi trường (DVMT) hiện đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt trong bối cảnh tự do hóa thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh mẽ trong những thập kỷ vừa qua. Bên cạnh đó, cùng với sự gia tăng dân số thế giới, xu huớng đô thị hóa và thay đổi trong mẫu hình tiêu thụ đã khiến môi trường phải chịu sức ép ngày càng tăng và phát triển DVMT đang là một nhu cầu hết sức bức xúc ở các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam để giải quyết các áp lực về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Ngành công nghiệp môi trường có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm ở mức trên 15% do nhu cầu xử lý ô nhiễm và các thiết bị môi trường luôn cao trong điều kiện kinh tế tăng trưởng liên tục. Tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải là 107.616 người. Theo Tổng cục Thống kê  (năm 2015 - 2019), DVMT tại Việt Nam phân loại thành 4 nhóm ngành bao gồm: (1) Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; (2) Thoát nước và xử lý nước thải; (3) Hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu; (4) Xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác, trong đó số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường trên cả nước tăng từ 2547 năm 2015 lên 4938 doanh nghiệp vào năm 2019 (Bảng 1). 

Bảng 1. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường 

Ngành dịch vụ môi trường Việt Nam – Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế - Ảnh 1
(Số liệu Tổng cục Thống kê, năm 2015 - 2019)

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng được mở rộng thì việc mở cửa thị trường ngành DMVT trở thành một trong những nội dung quan trọng trong các đàm phán thương mại song phương và đa phương, cũng như các khuôn khổ hợp tác quốc tế. Đây được xem là một ngành kinh tế mới không chỉ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, mà quan trọng hơn là việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên. Trong khi các doanh nghiệp đang gặp phải những thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu về môi trường trong xuất khẩu sang thị trường của các nước phát triển thì việc mở cửa thị trường DVMT sẽ tạo điều kiện cho các đối tác nước ngoài đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này tại Việt Nam và đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nướcáp dụng các tiến bộ trong khoa học công nghệ để bảo vệ môi trường với chi phí thấp hơn. 

Hiện nay, Việt Nam đã chính thức tham gia, ký kết thực hiện 14 FTA có hiệu lực và 01 FTA đã chính thức ký kết, sắp có hiệu lực, hiện đang đàm phán 02 FTA. Trong đó, vấn đề DVMT luôn được các nước đặt ra trong các cam kết. Do đó sẽ tạo ra những cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp DVMT của Việt Nam khi tham gia sân chơi bình đẳng này.

Phần lớn các DN đều xem giá cả thấp là nhân tố quan trọng nhất trong chiến lược cạnh tranh và kinh doanh. Đặc biệt, các công ty tư nhân trong nước đang nổi lên được đánh giá là có sức cạnh tranh mạnh nhất do có khả năng đáp ứng được các yêu cầu về dịch vụ với mức giá rất tốt, trong khi đó với mức giá này các DNNN hoặc các công ty nước ngoài khó có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, hầu hết các công ty dịch vụ của Việt Nam, đặc biệt trong khu vực tư nhân đều mới được thành lập với quy mô khá nhỏ. Những công ty này chủ yếu tuyển dụng những người trẻ tuổi và được đào tạo tốt do đó có khả năng học hỏi và thích ứng khá nhanh. Sự cam kết của Chính phủ được coi là ưu thế lớn nhất của ngành DVMT Việt Nam, Chính phủ hiện nay đã cam kết về hỗ trợ cho tăng trưởng của khu vực DVMT và hội nhập kinh tế. Theo Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 192/QĐ-TTg, ngày 13/2/2017, của Thủ tướng Chính phủ, xác định mục tiêu của ngành công nghiệp môi trường Việt Nam không chỉ nỗ lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp môi trường đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”, “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050”, “Kế hoạch hành động tăng trưởng Xanh quốc gia giai đoạn 2014-2020” cũng đưa ra các định hướng nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa môi trường và cung ứng dịch vụ môi trường. Hiện nay nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ DN DVMT đã được ban hành và đang được triển khai đi vào cuộc sống nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp môi trường ở nước ta. Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 17/11/2020 cũng có các quy định về việc nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt (Điều 78), xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải (Điều 86). Luật đầu tư số 61/2020/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 17/06/2020 có quy định ngành, nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải được ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư (Điều 16); Nghị định số 59/2007/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn do Chính phủ ban hành ngày 9/4/2007 có quy định nguồn vốn đầu tư và ưu đãi đầu tư trong xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, các công trình phụ trợ. Với những thế mạnh nội tại về giá cả cạnh tranh, tính linh hoạt, dễ ứng dụng, nguồn nhân lực dồi dào và sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, các doanh nghiệp DVMT của Việt Nam có nhiều cơ hội mới. 

Tuy nhiên, những điểm yếu nội tại của ngành DVMT Việt Nam hiện nay cũng là trở ngại lớn. Khi sân chơi mở rộng quy mô quốc tế thì việc quản lý chất lượng trở thành vấn đề hàng đầu trong các yếu tố cạnh tranh của các công ty dịch vụ Việt Nam, gồm có chất lượng, thời gian và sự chuyển giao sản phẩm dịch vụ. Ngành DVMT chỉ được đánh giá ở mức trung bình và kém. Mặc dù có sự gia tăng về số lượng, nhưng năng lực ngành DVMT của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được từ 2% đến 3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị; 15% nhu cầu xử lý CTR; khoảng 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại; nhiều lĩnh vực tái chế như dầu thải, nhựa phế thải, chất thải điện, điện tử… hầu như chưa phát triển [1]. Do vậy cần phát triển mạnh hơn các hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học. Bên cạnh đó, sự sẵn có của các nhà cung cấp dịch vụ có đủ năng lực quyết định thị phần của ngành DVMT chỉ chiếm một phần rất nhỏ do chất lượng thấp hoặc không có nhà cung cấp đủ khả năng trong khi nhu cầu trên thị trường vẫn rất lớn. 

Trên thực tế giá cả dịch vụ còn quá cao so với chất lượng dịch vụ nhận được và sự hiểu biết về nhu cầu dịch vụ của khách hàng cũng như làm thế nào đáp ứng các nhu cầu đó còn hạn chế. Hơn thế, khuôn khổ luật pháp của Việt Nam còn nhiều yếu kém và điều này sẽ làm cho khu vực dễ bị tổn thương bởi sự tiếp cận thị trường của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ tăng lên trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong nhiều trường hợp, chưa có sự độc lập giữa các chức năng hoạt động và chức năng giám sát luật pháp và việc thực thi các quy định luật pháp hiện còn chưa nhất quán. Các văn bản pháp luật được soạn thảo ít có sự tham gia ý kiến của các bên có liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp do vậy không đáp ứng được yêu cầu của khu vực tư nhân. Các quy định và luật lệ hiện có có thể đã lỗi thời và không phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực là điểm yếu khác của công ty dịch vụ Việt Nam đặc biệt là các công ty nhỏ. Trong đó, cơ cấu doanh nghiệp môi trường không đồng đều trong các lĩnh vực môi trường, có tới 48,6 % (năm 2015) và 50,6 % (năm 2019) số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý và tiêu hủy chất thải, tái chế phế liệu và 33,8 % (năm 2015) và 28,3% (năm 2019)  trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước. Chỉ có 15 % (năm 2015) và 17,5 % (năm 2019) số doanh nghiệp đăng ký trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải và có 2,4 % (năm 2015), 3,5 % (năm 2019) đăng ký hoạt động xử lý ô nhiễm và các hoạt động quản lý chất thải khác. Với hạn chế nội tại đối với khâu tuyển dụng và đào tạo tại chỗ, người lao động chưa được trang bị tốt về quản lý thời gian, quản lý chất lượng, đánh giá nhu cầu khách hàng hoặc kỹ năng giám sát.

Cơ hội và thách thức

Xuất phát từ những điểm mạnh và điểm yếu của ngành DVMT Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho ngành DVMT nước ta:

Cơ hội

Nhu cầu về DVMT có chất lượng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên cả khách hàng dịch vụ lẫn nhà cung cấp đều cho rằng nhu cầu mạnh mẽ về dịch vụ có chất lượng là một cơ hội lớn đồng thời cũng là thách thức cho các công ty dịch vụ của nước ta. Bên cạnh đó, số lượng các hiệp định quốc tế với các cam kết tự do hóa tiếp cận thị trường về dịch vụ nói chung và DVMT nói riêng ngày càng tăng. Xu hướng này đang diễn ra ở tất cả các cấp độ song phương, khu vực và quốc tế. Các rào cản tiếp cận thị trường mà các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam hiện đang vấp phải sẽ dần được xóa bỏ và điều này sẽ tạo điều kiện tiếp cận các thị trường mới. Hơn thế, quá trình hội nhập của Việt Nam tạo ra những cơ hội mới cho các công ty dịch vụ hoạt động trong một môi trường cạnh tranh và cởi mở hơn. Đồng thời, các cải tổ về thể chế và hành chính phù hợp với những cam kết quốc tế tạo triển vọng dỡ bỏ rào cản đối với hầu hết các dịch vụ và hoạt động kinh doanh sẽ có một sân chơi bình đẳng. Hơn thế các công ty dịch vụ của Việt Nam có thể mở rộng hoạt động xuất khẩu của mình ra nước ngoài nhờ tự do hóa thương mại ở những nước đối tác và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ.

Thách thức

Bên cạnh những cơ hội, ngành DVMT cũng đứng trước những thách thức lớn:

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Việc mở cửa thị trường dịch vụ môi trường sẽ làm gia tăng các cơ hội đầu tư kinh doanh của nước ngoài vào Việt Nam. Các doanh nghiệp/nhà cung cấp các dịch vụ này với đặc điểm là mạnh về nguồn tài chính, công nghệ và kinh nghiệm. Do đó, nếu Việt Nam không chuẩn bị sẵng sàng về năng lực thì khả năng bị mất thị trường tại chính trong phạm vi lãnh thổ là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, trình độ quản lý và tập quán kinh doanh chưa phù hợp và chưa theo kịp được những yêu cầu cũng như đặc điểm của một thị trường cạnh tranh cao. Xuất phát từ lối quản lý mang nặng tính hành chính, ít chịu áp lực của lợi nhuận... nên cách thức quản lý và tổ chức hoạt động kinh doanh của ngành DVMT ở Việt Nam nhìn chung còn rất hạn chế, khó có thể đáp ứng được những yêu cầu trong môi trường cạnh tranh mới. 

Thứ hai, các cam kết về mở cửa thị trường sẽ kéo theo các yêu cầu về minh bạch hóa và loại bỏ các loại trợ cấp, hỗ trợ bóp méo thị trường. Đây sẽ là một khó khăn tiếp theo cho ngành dịch vụ môi trường do hầu hết các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hiện vẫn là các tổ chức nhà nước, hoạt động ít theo cơ chế thị trường và vẫn dựa vào nguồn ngân sách. Việc loại bỏ các trợ cấp hay ưu đãi sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp này và làm suy yếu về năng lực cạnh tranh. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách cho phép khu vực phi chính thức tham gia cung cấp các DVMT song vẫn còn ít cơ chế khuyến khích để thực sự thu hút sự  tham gia của họ. Bên cạnh nhiều lý do khác dẫn đến tình trạng này thì có thể kể đến một số nguyên nhân như chưa có một hành lang pháp lý độc lập về mức độ hoạt động và cơ cấu thuế chưa phù hợp với thực tế, chậm cấp phép, thiếu tính minh bạch và trách nhiệm giải trình không rõ ràng. 

Thứ ba, Việt Nam phải xác định rõ ràng về vấn đề quyền sở hữu đối với những người cung cấp dịch vụ môi trường để xác định được các đối tượng hưởng lợi và chịu trách nhiệm thực thi các cam kết. Chẳng hạn, chúng ta hãy xem xét tới quyền sở hữu tài nguyên. Hiện nay quyền sở hữu đối với tài nguyên và DVMT chưa được phân định rõ ràng. Tại nước ta, nhiều loại tài nguyên và các DVMT được coi như tài sản công cộng, ai cũng có quyền sử dụng không phải trả phí. Bên cạnh đó, việc khai thác các tài nguyên và DVMT này do một người hoặc một nhóm người không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác chúng đối với những người khác, do vậy dẫn đến hiện tượng suy thoái tài nguyên môi trường hoặc không ai chịu trả cho các hoạt động làm sạch môi trường.

Thứ tư, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng về việc cung cấp các giấy phép kinh doanh và chứng chỉ hành nghề đối với việc cung ứng một số dịch vụ chiến lược hay dịch vụ phát triển kinh doanh. Để cung cấp những dịch vụ chuyên nghiệp như DVMT đòi hỏi phải có những chứng chỉ chuyên nghiệp do pháp luật quy định. Tuy nhiên, một số văn bản pháp luật cần thiết cho đến nay vẫn chưa được ban hành, dẫn đến sự lẫn lộn và không rõ ràng về các điều kiện và tiêu chí cho việc cung cấp loại hình dịch vụ này. Các thủ tục về cấp phép đối với DVMT là không rõ ràng và không minh bạch. 

Thứ năm, Việt Nam phải xác định lại vấn đề về quyền kinh doanh đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ môi trường: thời gian trước đây DVMT được xem là một loại dịch vụ công nên chỉ có doanh nghiệp Nhà nước độc quyền thực hiện. Các công ty môi trường đô thị được cấp vốn từ nhà nước và không có quyền tự hạch toán, tự kinh doanh. Ngay cả đối với các mức phí DVMT, doanh nghiệp cũng không được thu trên cơ sở tính toán phù hợp với chi phí mà phải theo mức ấn định của Nhà nước. Tuy nhiên gần đây, do thực hiện chủ trương XHH công tác BVMT cũng như thực hiện các cam kết đưa ra trong WTO, quyền kinh doanh bắt đầu được khuyến khích mở rộng cho các thành phần khác tham gia kinh doanh.

Thứ sáu, Việt Nam phải xây dựng khung pháp lý để tạo điều kiện thị trường hoá các loại hình DVMT: hiện nay chúng ta chưa có cơ chế thị trường cho hàng hoá và DVMT phát triển. Việc xây dựng cơ chế thị trường cho DVMT sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, tăng hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của ngành.

Giải pháp 

Phát triển DVMT và tự do hóa thương mại là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển kinh tế và quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu do những đóng góp cho các hoạt động bảo vệ môi trường trước áp lực ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Để nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết về dịch vụ môi trường, thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ môi trường Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp như (1) Tạo lập môi trường pháp lý cho ngành DVMT, đặc biệt là các chính sách thu hút đầu tư mở rộng cho các doanh nghiệp DVMT nước ngoài vào hoạt động; (2) Xã hội hóa hoạt động cung ứng DVMT; (3) Tăng cường nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường và phát triển DVMT; (4) Tăng cường quản lý chất lượng DVMT; (5) Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp DVMT trong nước; (6) Các doanh nghiệp DVMT cần có những chuyển biến kịp thời để phát huy điểm mạnh, vượt qua những thách thức, tận dụng cơ hội phát triển thị trường DVMT đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Thị Thiên Phương, Phạm Thị Kiều Oanh, La Trần Bắc, Trần Quốc Trọng, Phí Quyết Tiến. “Vai trò, hiện trạng phát triển ngành công nghiệp sinh học trong bảo vệ môi trường tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp”. Tạp chí Môi trường, số 7/2021.

[2] Vụ Môi trường (2005), Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng chính sách phát triển dịch vụ môi trường phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế ở nước ta”. 

[3] Viện Nghiên cứu Thương mại (2008). Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Điều tra đánh giá thực trạng phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam. Đề xuất chính sách phát triển dịch vụ môi trường phù hợp với các cam kết quốc tế trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế” năm 2008.

[4] Bộ Công Thương (2015). Báo cáo "Tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường: Động lực cho tăng trưởng Xanh".  

[5] Bộ Công Thương (2015). Quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam và nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình đàm phán và triển khai các cam kết FTA.

[6] David J. Brooks. (2011). Quy định về môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do. Tài liệu Hội thảo "Vấn đề môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), một số quy định liên quan và công tác thực thi".

[7] David Luff (2011). Báo cáo “Hỗ trợ Việt Nam đam phán các Hiệp định thương mại tự do”.

[8] Hoàng Xuân Huy (2012). “Đánh giá và phân tích các nội dung liên quan đến môi trường trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU). 

Nguyễn Thị Quỳnh Hương*, Nguyễn Hải Yến

Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Ngành dịch vụ môi trường Việt Nam – Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới