Báo cáo SDGs quốc gia 2020: Việt Nam biến thách thức thành cơ hội để phát triển bền vững
Phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Việt Nam liên tục tăng hạng về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và có xu hướng đến năm 2030.
Biến thách thức thành hành động và cơ hội
Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Viện Hanns Seidel của CHLB Đức tại Việt Nam (đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho quá trình xây dựng Báo cáo SDGs quốc gia 2020) cho biết, Báo cáo SDGs quốc gia 2020 được soạn thảo trong bối cảnh có nhiều thách thức trong quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia. Đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của dân số toàn cầu, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện của chương trình phát triển bền vững.
Hy vọng Báo cáo là cơ sở cho các thảo luận về cách thức phục hồi sau đại dịch, ông Michael Siegner tin tưởng Việt Nam đã và đang thu hẹp khoảng cách, hướng tới các mục tiêu năm 2030 và sẽ tiến bộ đều đặn trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển bền vững.
Để duy trì thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, Việt Nam cần biến thách thức thành hành động và cơ hội, tiếp tục huy động sự tham gia của các bên liên quan một cách tích cực và hiệu quả hơn để quyết tâm đạt được SDG vào năm 2030.
Liên quan đến những định hướng chính sách giai đoạn 5 năm tới, một số khuyến nghị đã được đưa ra tại Báo cáo.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách. Thứ 2, tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện SDG. Thứ 3, huy động và sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả. Thứ 4, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Thứ 5, tăng cường khả năng chống chịu trước các rủi ro bất định từ biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh. Và cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao vai trò, vị thế quốc gia.
Định hướng mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030
Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều khó khăn, biến động với những lo âu về căng thẳng chính trị, chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, suy thoái kinh tế, thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu nặng nề,... Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.
Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình tăng từ 5-6% hàng năm (2020-2030), GDP bình quân đầu người duy trì mức 4-4,45% hàng năm; Tốc độ tăng năng suất lao động duy trì mức tăng 5% hàng năm. Mục tiêu đến năm 2030, tăng gấp 1,5 lần năng suất lao động trong nông nghiệp và thu nhập của lao động nông nghiệp với lộ trình đặt ra là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 43 triệu (2020), 60 triệu (2025) và 90 triệu (2030).
Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP. Yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 25 - 30%. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%.
Về xã hội: Tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 35 - 40% (2020). Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 26%. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Mục tiêu có 10 bác sĩ và trên 26 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,3 - 1,5%/năm. Đến năm 2020 sẽ không còn hộ nghèo với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày. Năm 2025 sẽ không còn tình trạng đói nghèo, chấm dứt nghèo đói ở mọi nơi.
Về môi trường: Xây dựng một nền kinh tế phi phát thải. Giảm phát thải khí nhà kính: 5% năm 2020; 25% năm 2030 và 45% năm 2050. Năm 2030 có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chống sa mạc hóa, phục hồi các vùng đất và đất bị thoái hóa, kể cả đất bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa, hạn hán và lũ lụt, và phấn đấu để đạt được một thế giới không thoái hóa đất. Phấn đấu đạt 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh (2020) và 80 - 85% chất thải nguy hại, 95 - 100% chất thải y tế được xử lý. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 44 - 45%. Hầu hết các hộ dân có điện.
Điểm mới trong cách tiếp cận về phát triển bền vững giai đoạn 2020-2030 là phát triển nhanh để duy trì ổn định, nhằm tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh dựa trên sự thúc đẩy mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thành quả của phát triển là dành cho tất cả mọi người và không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số.
Để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Việt Nam còn nhiều việc phải làm, trong đó cần thúc đẩy hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP-Public Private Partnership), cụ thể: Ban hành Luật PPP, thay đổi mô hình PPP hiện nay, thu hút các nhà đầu tư mới để hướng tới phát triển bền vững. Các dự án giao thông, cơ sở hạ tầng trong nhiều lĩnh vực, thậm chí các dịch vụ công... đều cần có sự hợp tác PPP để phát triển bền vững. Nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam cần ít nhất 20 tỉ USD mỗi năm trong những năm tới.
Trong điều kiện nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, trợ giúp phát triển chính thức (ODA) hạn chế, thì hình thức đầu tư đối tác công tư và huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng. Đối tác công tư không chỉ là sự chung tay giữa nhà nước và tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng mà cần được mở rộng ra các lĩnh vực cung ứng dịch vụ công và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp quan trọng có vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Hình thức đầu tư đối tác công tư được xem là một trong những phương thức hiệu quả nhất để triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững, là mục tiêu của phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam.
Tóm lại, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Trong hơn 30 năm đổi mới (1986-2019), Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên.
Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa, cả về thể lực và trí lực nhằm đạt mục tiêu thiên niên kỷ như đã cam kết về phát triển con người. PPP vì con người” (people-first PPP), ưu tiên phục vụ con người, phát huy cao nhất yếu tố con người trong mỗi chiến lược phát triển. Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Nguyễn Linh (T/h)