Thứ bảy, 23/11/2024 01:13 (GMT+7)
Chủ nhật, 05/12/2021 10:36 (GMT+7)

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đang từng bước coi việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió là chìa khóa để giải quyết bài toán về an ninh năng lượng, qua đó góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển xanh của nước ta.

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 1

Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045 và ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện.

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 2

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã duyệt thông qua nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào ngày 24/7/2020, đặc biệt Việt Nam đã chủ động nâng cao mức đóng góp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong nỗ lực chung để đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước Việt Nam sẽ cắt giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường quốc gia và có thể được tăng lên tới 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế, mà chính năng lượng sẽ là lĩnh vực đi đầu với mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là 5,5% trong giai đoạn 2021-2030.

Chính vì thế, các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng với ưu điểm nổi bật là các nguồn điện xanh và sạch đang được đẩy mạnh phát triển tăng tốc, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh với biến đổi khí hậu.

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 3

Một trong những nhu cầu thiết yếu của con người là năng lượng và là một yếu tố đầu vào không thể thiếu được của hoạt động kinh tế. Khi mức sống của người dân càng cao, trình độ sản xuất của nền kinh tế ngày càng hiện đại thì nhu cầu về năng lượng cũng ngày càng lớn và việc thỏa mãn nhu cầu này thực sự là một thách thức đối với hầu hết mọi quốc gia.

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 4

Các trang trại gió trên bờ thường nằm ở những khu vực có giá trị bảo tồn hoặc môi trường sống thấp, khu vực ít dân cư.

Tốc độ chạy đua khai thác nhiên liệu hoá thạch của con người đang tiến đến giới hạn chịu đựng của môi trường tự nhiên, khiến môi trường sống bị ô nhiễm, khí hậu biến đổi, gây nên những bất ổn đối với an sinh xã hội và trở thành một trong những vấn đề nan giải trong công cuộc đảm bảo an ninh năng lượng mang tính toàn cầu, đe dọa sự tồn vong của nhân loại.

Nhiều quốc gia trên thế giới để thay đổi đã và đang chuyển đổi cơ cấu sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng gió và mặt trời để hướng đến phát triển bền vững. Ở nhiều khu vực, nguồn điện năng từ các dự án năng lượng tái tạo đã tương đương lượng điện năng từ các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phá vỡ ngưỡng giới hạn mà chúng ta từng tin là bất khả thi.

Tốc độ tăng trưởng điện sản xuất bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 là 10,7%/năm và dự báo giai đoạn 2021-2025 là 8,6%/năm. Để đáp ứng nhu cầu điện trong nước ngày càng tăng đồng thời giảm thiểu tác động của khí thải từ các nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch, những năm gần đây Việt Nam đang triển khai các chính sách mới nhằm khuyến khích đầu tư các dự án điện gió, Bộ Công Thương cho hay.

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 5

Tốc độ gió ngoài khơi có xu hướng nhanh và tạo ra nhiều năng lượng

Các chính sách mới của Chính phủ đã làm gia tăng nhanh chóng số dự án đầu tư điện gió tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2018-2021, việc gia tăng số dự án điện gió là tín hiệu tích cực cho ngành điện đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong giai đoạn tiếp theo cần quan tâm để có thể phát triển điện gió thành nguồn năng lượng xanh bền vững.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII cho thấy, dự kiến tới năm 2030, tổng công suất lắp đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW và đến năm 2045 đạt gần 276,7 GW. Cơ cấu nguồn điện dự thảo cho thấy quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thuỷ điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phát triển phù hợp với cơ cấu chuyển dịch năng lượng tái tạo toàn cầu.

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 6

Chiếc tua-bin gió lần đầu tiên được biết đến vào năm 1888, trải qua hơn 130 năm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng vào đời sống, ngày nay điện gió không còn là một khái niệm xa lạ, thậm chí dạng năng lượng tái tạo này còn đang được đẩy mạnh đầu tư và hòa vào xu hướng phát triển tiên tiến tại nhiều nước trên thế giới. Một số cột mốc phát triển điện gió như sau:

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 7
Lịch sử năng lượng gió
Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 8
Tua bin 12 kW do Charles Brush chế tạo năm 1887.

- 1888: Tua-bin gió đầu tiên trên thế giới do Charles F. Brush Tool phát minh tại Cleveland, Ohio (Mỹ), có công suất 12 kW;

- 1900: Tua-bin điện gió xuất hiện trên khắp châu Âu và Mỹ.

- 1920: Nhà phát minh người Pháp GJM Darrieus phát triển một động cơ tua-bin trục thẳng đứng, bao gồm các cánh quạt mảnh mai, lưỡi cong gắn vào đầu trục một ống thẳng đứng quay. Thiết kế này thường được gọi là một “eggbeater” hình dạng tua-bin.

- 1941: Tua-bin gió lớn công suất 1.250 kW được xây dựng ở Vermont (Mỹ) để đáp ứng với tình trạng thiếu nhiên liệu trong Thế chiến II.

- 1971: Trang trại gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới bắt đầu hoạt động ngoài khơi bờ biển của Đan Mạch.

- 1990: Các vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí và sự nóng lên toàn cầu được quan tâm hơn và khuyến khích năng lượng tái tạo.

- Từ 2001: Ngành công nghiệp điện gió trên thế giới phát triển mạnh mẽ, hình thành các chính sách hỗ trợ phát triển ở các quốc gia, qui mô các dự án năng lượng gió lớn, công nghệ cải tiến, công suất sản xuất năng lượng gió tăng theo cấp số nhân.

Hơn một thế kỷ phát triển, từ những chiếc cối xay gió có công suất 1-12 kW đến nay thế giới đã có những tua-bin khổng lồ cao trên 200 m với công suất 13-15 MW.

Đến nay, các dự án điện gió đã có mặt trên 127 quốc gia khắp 5 châu. Theo thống kê của The Wind Power, tổng sản lượng điện gió tính trong năm 2020 của thế giới đạt trên 1.011,5 GW, đứng đầu là Trung Quốc với 281.993 MW, theo sau là Mỹ với 122.328 MW và Đức 62.784 MW, trong khi đó Việt Nam ở mức 600 MW.

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 9

Công suất phát điện từ năng lượng gió của Việt Nam giai đoạn 2010-2020.

Ngành năng lượng gió Việt Nam năm 2021, chứng kiến một sự tăng trưởng vượt bậc. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến cuối tháng 8/2021, có 24 nhà máy điện gió tổng công suất 963 MW đã đưa vào vận hành thương mại tại Việt Nam, dự kiến sẽ có 106 nhà máy điện gió tổng công suất 5.655 MW đưa vào vận hành thương mại trong năm 2021. Từ đó cho thấy xu hướng phát triển ngành năng lượng cacbon thấp tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Cùng với đó, Liên minh châu Âu ngày càng tập trung vào các chính sách có thể dẫn đến việc đánh thuế hàng hoá nhập khẩu dựa trên mức độ phát thải cacbon trong quá trình sản xuất. Các nhà đầu tư hiện đang ráo riết chuẩn bị để thích nghi với các chính sách này. Việt Nam cần phải có bước đi táo bạo hơn nữa để chiếm được niềm tin của những nhà đầu tư nước ngoài chất lượng đang cố gắng đáp ứng yêu cầu của các khách hàng của họ trên khắp thế giới.

Thời điểm này rất phù hợp để Việt Nam nên gửi đi thông điệp rõ ràng tới các nhà đầu tư nước ngoài rằng nhu cầu sử dụng năng lượng xanh của họ có thể được đáp ứng tại Việt Nam, và các nguồn điện sạch mới sẽ ngày càng chiếm ưu thế trong một thị trường tiến dần lên mô hình đấu giá cạnh tranh với chi phí ngày càng thấp. Thị trường đã sẵn sàng đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo Việt Nam. Giờ là lúc cần triển khai các chính sách giúp cải thiện chi phí mua bán điện cho ngày càng cạnh tranh hơn (IEEFA, 2021).

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 10

Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính - IEEFA (2021) đánh giá: Cả hai nguồn điện hóa thạch từ nhiệt điện than và khí nhiên liệu mặc dù là những công nghệ trưởng thành nhưng đều không có tiềm năng cải thiện về chi phí trong tương lai, trong khi lại chịu tác động trực tiếp từ rủi ro giá nhiên liệu biến động và nguy cơ thiếu nguồn cung từ thị trường nhập khẩu khí.

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 11

Tốc độ gió ngoài khơi có xu hướng nhanh và tạo ra nhiều năng lượng hơn.

Song song với đó, phát thải cacbon và các chi phí về môi trường khác cũng cần được xét đến ngay từ giai đoạn đầu tư ban đầu đối với các loại hình nhiệt điện truyền thống này. Trong khi đó, năng lượng tái tạo tiếp tục cho thấy những cải thiện vượt bậc về chi phí sản xuất nhờ vào những tiến bộ khoa học kỹ thuật và Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi từ việc này.

Với một hạ tầng lưới điện hiện đại và các cơ chế khuyến khích đặc thù cho pin tích trữ, các nhà quy hoạch hoàn toàn có khả năng kéo chi phí mua điện xuống thấp và đạt được mục tiêu cấp điện ổn định.

Triển vọng phát triển của năng lượng tái tạo vượt xa các nguồn điện hóa thạch:

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 12
Hạ tầng đi kèm bao gồm cảng nhập khẩu, tái hoá khí, bồn chứa, và đường ống dẫn khí; Hoặc các giải pháp tích trữ (đối với điện mặt trời, điện gió). Nguồn: IEEFA, 2021

Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lượng gió cả trên đất liền và trên biển với lợi thế địa lý ở gần xích đạo và sở hữu những vùng lãnh thổ có khí hậu khô nắng nhiều và hướng gió tương đối ổn định, nổi trội là các khu vực Nam Trung bộ. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, Việt Nam có công suất ước tính lên tới hàng nghìn MW, năng lực để sản xuất đến 513.360 MW điện gió hàng năm. Tiềm năng gió của Việt Nam trên độ cao 65 m rất tốt, lớn hơn 210 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất điện cho toàn quốc vào năm 2020.

Các đặc điểm khác biệt giữa điện gió ngoài khơi và điện gió trên bờ:

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 13
Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 14
Đặc điểm khác biệt giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi.
Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 15

Các dự án điện gió khác với các loại hình dự án điện sử dụng các nguồn nguyên liệu hóa thạch khác như than, dầu, khí,… ở chỗ, điện gió sử dụng năng lượng tái tạo có ý nghĩa to lớn trong việc mang lại nhiều tác động tích cực đối với mục tiêu phát triển bền vững, giảm biến đổi khí hậu và BVMT hơn là các tác động tiêu cực.

Các lợi ích gắn với mục tiêu phát triển bền vững của nhóm dự án này bao gồm:

- Các dự án năng lượng tái tạo phục vụ mục tiêu ổn định an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội đi đôi với BVMT và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

- Các dự án này góp phần tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Theo công văn số 116/BĐKH-TTBVTOD ngày 26/2/2021 của Cục Biến đổi khí hậu – Bộ TN&MT công bố, hệ số phát thải lưới điện Việt Nam năm 2019 là 0,8458 tấn CO2/MWh. Dựa vào đó có thể thấy rằng với tổng sản lượng điện gió của Việt Nam vào khoảng 0,97 TWh trong năm 2020 có thể giảm được khoảng 820.426 tấn CO2. Đồng thời, lượng CO2 có thể cắt giảm nhờ chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo cho phát điện sẽ không ngừng tăng cao qua các năm tiếp theo, dự kiến cắt giảm 157,3 triệu tấn CO2 tương ứng với sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo đạt khoảng 186 tỉ kWh vào năm 2030. Chính các nguồn điện sạch này sẽ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 5,5% vào năm 2030 theo cam kết trong nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2020 của Việt Nam.

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 16

- Giảm đáng kể các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí: Vì đây là các nguồn năng lượng sạch, quá trình sản xuất điện của các dự án năng lượng tái tạo này không làm phát sinh các nguồn khói bụi, không phát thải khí độc hay khí nhà kính. Việc vận hành các tua-bin gió không cần sử dụng nước đầu vào và nhờ đó không phát sinh nước thải đầu ra gây ô nhiễm môi trường chẳng hạn nước thải công nghiệp, nước làm mát như các loại hình sản xuất điện truyền thống khác. Đồng thời, hoạt động điện gió cũng không phát thải chất thải rắn so với các nhà máy điện than đang phải đối mặt với việc lưu trữ và xử lý khối lượng lớn tro xỉ than và trở thành vấn nạn gây tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước… Đây rõ ràng là những ưu điểm nổi bật so với các nguồn năng lượng chúng ta sử dụng trước kia. Năng lượng nhiệt điện xả khí thải ô nhiễm môi trường. Năng lượng thủy điện đã tận dụng hết tài nguyên, thay đổi chế độ thủy văn và ảnh hưởng chia cắt hệ sinh thái. Năng lượng hạt nhân với chi phí đầu tư tốn kém và rủi ro nổ lò phản ứng. Các dự án năng lượng tái tạo điện gió hoàn toàn tránh được các tác động tiêu cực trên.

- Giảm tiêu thụ các tài nguyên thiên nhiên hữu hạn như nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và càng khó khai thác, chi phí khai thác ngày càng cao. Trong khi đó năng lượng gió có thể coi là nguồn vô tận, ổn định và không phải trả tiền, nhất là điện gió ngoài khơi. Các tua-bin gió có thể được vận hành trong các diễn biến thời tiết khí hậu khác nhau và không bị gián đoạn giống như điện mặt trời, năng lượng gió được cung cấp suốt ngày đêm. Sự phát triển sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo này sẽ đồng nghĩa với việc giảm được đáng kể lượng khai thác tài nguyên và tiết kiệm một chi phí khổng lồ cho các nguồn nguyên liệu sản xuất điện như hiện nay.

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 17

- Giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân: do giảm được lượng ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường phát ra khi đốt lượng nhiên liệu hóa thạch như đã nêu trên; Góp phần giảm tốc độ biến đổi khí hậu toàn cầu (có được do giảm lượng khí nhà kính phát thải gây nguy hại tầng ô zôn). Từ đó, giảm được nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của cộng đồng.

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 18

Ngoài việc đáp ứng hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững, đóng góp cho quốc gia cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu nêu trên, các dự án năng lượng gió ngoài khơi và trên bờ cũng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng phần nào đến môi trường và xã hội khó tránh khỏi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng điện gió vẫn là một trong số ít các nguồn năng lượng mà khi khai thác sử dụng ít gây tác động tiêu cực đến môi trường nhất.

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 19

Các dự án điện gió ngoài khơi được đánh giá ít gây ra những ảnh hưởng đến cuộc sống con người và mang lại hiệu suất phát điện cao hơn.

Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 20

Tua-bin gió trên bờ có thể triển khai rất nhanh với chi phí ít tốn kém hơn các trang trại gió ngoài khơi.

Theo đó, một số xung đột giữa lợi ích tăng trưởng bền vững với môi trường và xã hội khu vực triển khai dự án ngoài khơi và trên bờ là khác nhau nên cần được nhận diện cũng như thực hiện các biện pháp giảm thiểu các ảnh hưởng có thể xảy ra như sau:

Dựa vào các đánh giá trên cho thấy đối với các dự án điện gió ngoài khơi ít gây các xung đột với cảnh quan môi trường và cộng đồng xã hội hơn so với điện gió trên bờ, nhất là trong thời gian vận hành dự án, do hạn chế được các tác động đến dân cư xung quanh, được xem là các ảnh hưởng đáng kể nhất từ các dự án điện gió mà có thể gây khó chịu cho cuộc sống người dân địa phương, như hiện tượng quét bóng nhấp nháy, tiếng ồn vận hành, nhiễu sóng điện từ, nguy cơ rơi ngã tua-bin.

Song song với các thuận lợi về mặt ổn định năng lượng gió và cảnh quan môi trường, các dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi đầu tư cao hơn điện gió trên bờ do những khó khăn để tiếp cận xây dựng/lắp đặt, kết nối và bảo dưỡng với chi phí cao hơn.

Tuy có một số sự khác biệt khi xem xét khía cạnh đầu tư và các xung đột tiềm ẩn, nhưng nhìn chung các dự án điện gió đóng góp rất lớn vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.Trong đó, các dự án ngoài khơi được đánh giá ít gây ra những ảnh hưởng đến cuộc sống con người và mang lại hiệu suất phát điện cao hơn. Một tín hiệu vui là nhờ vào các cơ chế khuyến khích phát triển, các nguồn điện gió đã phát triển vượt xa mong đợi của Chính phủ trong năm vừa qua và đạt mốc kỷ lục trong năm 2021.

Tốc độ phát triển của các dự án điện gió nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung sẽ đồng hành cùng với lộ trình cắt giảm khí nhà kính của Việt Nam và các quy hoạch phát triển năng lượng trong thời gian tới.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điện gió - mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới