Thứ ba, 26/11/2024 00:07 (GMT+7)
Thứ sáu, 29/04/2022 08:27 (GMT+7)

Nan giải bài toán phá rừng nhiệt đới trên thế giới

Theo dõi KTMT trên

Báo cáo mới đây của Dự án giám sát rừng toàn cầu (Global Forest Watch - GFW) công bố ngày 28/4 cho thấy, các khu rừng nguyên vẹn còn lại trên thế giới tiếp tục bị phá hủy vào năm 2021 với tốc độ hầu như không thay đổi so với những năm gần đây.

Bất chấp cam kết tại COP26, nạn phá rừng vẫn tiếp diễn

Bất chấp việc hơn 100 quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng trong thập kỷ này, trong năm 2021, có 3,75 triệu ha rừng đã bị phá hủy trên thế giới. Theo đó, mỗi phút có diện tích tương đương 10 sân bóng đá đã biến mất trong các khu rừng nhiệt đới nguyên sinh.

Báo cáo được thực hiện với sự hỗ trợ của Viện Tài nguyên thế giới (WRI), dựa trên dữ liệu rừng do Đại học Maryland thu thập. Theo đó, có khoảng 253.000 km2 rừng đã bị mất vào năm 2021. Ước tính sự mất mát này đã giải phóng 2,5 tỷ tấn khí thải carbon - ngang bằng với lượng khí thải hàng năm của Ấn Độ.

Theo phân tích của các nhà khoa học WRI, rừng là vùng đệm chống lại biến đổi khí hậu vì chúng hấp thụ một lượng lớn khí carbon và sự tàn phá rừng nhanh chóng đang ảnh hưởng đến các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Trong đó, mức độ mất rừng cao của năm 2021, gần tương đương so với năm 2020, không phù hợp với cam kết của hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới tại COP26 nhằm ngăn chặn nạn phá rừng vào năm 2030.

Nan giải bài toán phá rừng nhiệt đới trên thế giới - Ảnh 1
Mỗi phút có diện tích tương đương 10 sân bóng đá đã biến mất trong các khu rừng nhiệt đới nguyên sinh. (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, các nguyên nhân làm giảm độ che phủ của rừng là do con người và tự nhiên, cũng như nạn phá rừng, cháy rừng và các sự tàn phá khác. Do đó, việc mất 37.500 km2 diện tích rừng già mưa nhiệt đới là đặc biệt đáng lo ngại vì thảm thực vật dày đặc của rừng chứa đựng hàm lượng carbon cao.

Thống kê từ báo cáo cho thấy, quốc gia có nhiều diện tích rừng bị phá nhất là Brazil, với hơn 40% diện tích rừng nhiệt đới bị hủy hoại trong năm 2021, tương đương 1,5 triệu ha rừng bị chặt hạ hoặc đốt phá. Theo WRI, năm 2021, tỷ lệ rừng bị phá hủy không liên quan đến cháy rừng mà do các nguyên nhân như phát quang làm nông nghiệp đã tăng 9% so với năm 2020.

Xếp sau Brazil là CHDC Congo với gần 500.000 ha rừng biến mất. Nghèo đói được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra nạn phá rừng, có diện tích rừng nhiệt đới bị chặt phá cao thứ hai, với 0,5 triệu ha. Bolivia có tỷ lệ mất rừng kỷ lục cao nhất trong 19 năm qua, ở mức 0,3 triệu ha. 

Một điểm sáng là Indonesia có tỷ lệ mất rừng nhiệt đới nguyên sinh giảm 1/4 so với năm 2020, đánh dấu năm thứ năm liên tiếp tỷ lệ này giảm. 

Không chỉ riêng rừng nhiệt đới, năm 2021 cũng chứng kiến ​​số lượng cây bị mất kỷ lục trong các khu rừng sâu trải dài trên các vĩ độ phía bắc của địa cầu trong hai thập kỷ. Mùa cháy rừng năm ngoái đã khiến Nga mất 6,5 triệu ha rừng, mức cao nhất từ trước đến nay. Các nhà nghiên cứu đang lo ngại về nguy cơ xảy ra vòng lặp khi cháy rừng sẽ tạo ra nhiều khí thải CO2, khiến nhiệt độ tăng lên kéo theo mối đe dọa cháy rừng.

Những khu rừng lạnh giá ở vùng xa phía bắc như Canada, Nga và Alaska đã mất hơn 80.000 km2 diện tích vào năm ngoái, mức cao nhất kể từ khi ghi nhận kỷ lục vào năm 2001.

Trước tình hình này, các nhà phân tích đã hối thúc chính phủ các nước nhanh chóng hành động để đáp ứng mục tiêu chấm dứt nạn phá rừng trong thập kỷ này. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào tháng 11/2021, 141 nhà lãnh đạo toàn cầu cam kết sẽ chấm dứt và đảo ngược vấn nạn phá rừng vào năm 2030. Do phần lớn diện tích rừng bị mất trong năm 2021 xảy ra trước khi các nước đạt nhất trí về mục tiêu này, WRI cho rằng các số liệu mới nhất có thể được xem là con số tham chiếu để đánh giá hiệu quả của các biện pháp.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng tỷ lệ rừng nguyên sinh hằng năm sẽ tiếp tục giảm đáng kể trong thời gian còn lại của thập kỷ này và biến đổi khí hậu đang gây trở ngại cho việc bảo vệ các khu rừng hiện nay.

Nạn phá rừng gây ra lượng khí thải cao gấp đôi trong hai thập kỷ

Dữ liệu công bố hôm 11/3 cảnh báo tình trạng mất rừng ở Amazon trong tháng 2 tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu vệ tinh cho thấy khoảng 199 km2 độ che phủ rừng - một diện tích bằng một nửa thủ đô Washington của Mỹ - đã bị mất trong vùng rừng Amazon của Brazil vào tháng trước, theo chương trình giám sát của Cơ quan Vũ trụ Brazil INPE. Đây là con số cao nhất trong tháng 2 kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 2015.

"Hai tháng đầu năm nay đều thiết lập kỷ lục về nạn phá rừng. Kể từ đầu năm đến nay, diện tích rừng bị mất đã lên tới 629 km2, nhiều gấp ba lần so với năm ngoái", chuyên gia Romulo Batista từ tổ chức môi trường Greenpeace cho hay.

Thực trạng này làm dấy lên lo ngại rằng năm 2022 có thể chứng kiến sự tàn phá thậm chí còn tồi tệ hơn ở Amazon của Brazil so với năm ngoái, năm mà nạn phá rừng đạt mức cao nhất trong 15 năm qua với 13.235 km2 rừng bị mất từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2021.

"Sự gia tăng bất thường này cho thấy chúng ta đang thiếu các chính sách chống phá rừng và tội phạm môi trường ở Amazon dưới thời tổng thống Jair Bolsonaro. Sự tàn phá vẫn chưa dừng lại", Batista nói thêm.

Rừng Amazon được xem là lá phổi xanh của thế giới, nhưng một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature Climate Change vào năm 2021 lại cho thấy nó đang thải nhiều carbon hơn lượng hấp thụ. Cụ thể, trong một thập kỷ qua, lưu vực sông Amazon của Brazil đã thải vào khí quyển 16,6 tỷ tấn CO2, cao hơn gần 20% so với lượng hấp thụ là 13,9 tỷ tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do mất rừng gây ra bởi hỏa hoạn và chặt phá trái phép.

Ngoài ra, các khu rừng trên thế giới tạo thành một kho lưu trữ carbon khổng lồ, chứa khoảng 861 gigatons carbon. Khi cây bị chặt, chúng sẽ giải phóng carbon tích trữ vào bầu khí quyển. Tuy nhiên, kể từ năm 2000, thế giới đã mất khoảng 10% độ che phủ của cây cối, điều này trở thành nguyên nhân chính gây ra sự nóng lên toàn cầu.

Theo đó, lượng carbon do nạn phá rừng nhiệt đới trong 2 thập kỷ qua đã tăng gấp đôi và tiếp tục tăng, phần lớn là do mở rộng biên giới nông nghiệp. Các nghiên cứu trái ngược với các đánh giá trước đây, chẳng hạn như Ngân sách Carbon toàn cầu năm 2021, vốn đã cho thấy sự giảm nhẹ lượng carbon từ nạn phá rừng.

Hơn 100 quốc gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng

Ngày 2/11, các nhà lãnh đạo của hơn 100 quốc gia đã đạt được thỏa thuận ngăn chặn và đảo ngược nạn phá rừng vào năm 2030 trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc  về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh). Các quốc gia này đại diện cho hơn 85% rừng toàn cầu.

Cam kết của các quốc gia được đánh giá là một trong những kết quả nổi bật tại Hội nghị COP26. Theo Viện Tài nguyên thế giới, những khu rừng hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải CO2. Các khu rừng lấy khí thải ra khỏi bầu khí quyển và ngăn khí thải khiến nhiệt độ Trái Đất ấm lên.

Tuy nhiên, vùng đệm khí hậu tự nhiên này đang biến mất nhanh chóng. Theo chương trình theo dõi nạn phá rừng Global Forest Watch, thế giới đã mất 258.000 km2 rừng trong năm 2020. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết một số khu vực của rừng nhiệt đới Amazon đã biến đổi từ một "bồn rửa carbon" thành nguồn thải CO2 nghiêm trọng do nạn phá rừng và suy giảm độ ẩm trong khu vực.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Nan giải bài toán phá rừng nhiệt đới trên thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới