Nam Định: Nhiều mô hình phát triển nông nghiệp xanh và bền vững ở xã Yên Lương, huyện Ý Yên
Xã Yên Lương, huyện Ý Yên (Nam Định) đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch.
Hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái và tạo ra những sản phẩm an toàn, xã Yên Lương đã tăng cường khuyến khích, hỗ trợ người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng tới sản phẩm hữu cơ, phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
Theo đó, xã này đã chỉ đạo triển khai tuyên truyền sâu rộng về những kế hoạch, biện pháp thực hiện để nhân dân nắm bắt và chủ động thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Yên Lương tích cực phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức hướng dẫn, tập huấn người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất lúa theo định hướng hữu cơ. Đồng thời phối hợp Hội Nông dân huyện tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng chuyên sâu về chế phẩm sinh học ET, ứng dụng biện pháp kỹ thuật canh tác lúa và kỹ thuật sản xuất lúa an toàn.
UBND xã xác định rõ tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương để chỉ đạo, định hướng phát triển phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm nông sản. Sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt cùng với các chính sách hỗ trợ đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của xã, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Đến nay, xã đã xây dựng được 2 cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu, quy mô mỗi cánh đồng hơn 50ha.
Ngoài ra, xã còn xây dựng được 1 mô hình liên kết sản xuất dưa lê quy mô 18,5ha; 1 vùng nguyên liệu tập trung được cấp mã vùng trồng quy mô 31,2ha tại thôn Từ Vinh; 1 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ gạo chất lượng cao (các giống lúa ST24, lúa Đài thơm 8, Khang dân 18) với Công ty TNHH Toản Xuân. Công ty TNHH Toản Xuân có trụ sở tại xã Yên Lương, là một trong những điểm sáng về sản xuất nông nghiệp của huyện Ý Yên nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung.
Năm 2016, vụ liên kết sản xuất lúa gạo đầu tiên của công ty này có quy mô chỉ khoảng 200ha. Đến nay công ty đã mở rộng vùng nguyên liệu trong chuỗi liên kết lên đến gần 1.500ha tại nhiều huyện trong tỉnh Nam Định và một số tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hải Dương. Công ty đã xây dựng được thương hiệu gạo "Toản Xuân 888", "Toản Xuân dẻo thơm - Ngon đậm đà" đạt OCOP 4 sao. Thương hiệu gạo sạch Toản Xuân đã khẳng định được chất lượng trên thị trường, đủ sức cạnh tranh với một số sản phẩm gạo nhập khẩu đến từ Thái Lan, Campuchia và có mặt trên 35 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hàng năm, công ty cung ứng ra thị trường khoảng 4.000 tấn gạo sạch.
Để có những sản phẩm tốt nhất phục vụ thị trường, công ty đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chế biến gạo khép kín từ khâu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đến khâu bảo quản không sử dụng hóa chất theo tiêu chuẩn HACCP và chứng nhận ISO. Bên cạnh đó, công ty còn tạo mối quan hệ lợi ích hữu cơ trong liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông.
Ngoài dây chuyền sản xuất lúa, công ty còn thực hiện mô hình sản xuất rau hữu cơ tại xã Yên Lương, quy mô khoảng 2ha theo TCVN 11041-2:2017 về nông nghiệp hữu cơ. Hàng tháng, công ty cung ứng cho các cửa hàng, siêu thị hàng chục tấn rau sạch, an toàn; tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Ngoài những đóng góp về phát triển kinh tế, công ty còn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Phụ phẩm sau khi xay xát, chế biến được công ty này tận dụng để làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi.
Ngoài Công ty TNHH Toản Xuân, trên địa bàn xã Yên Lương cũng xuất hiện nhiều hộ sản xuất, kinh doanh cho hiệu quả cao. Trong đó có chị Phạm Thị Tuyến ở thôn An Ngọc đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chế biến sản phẩm đông trùng hạ thảo. Năm 2023, sản phẩm đông trùng hạ thảo mang thương hiệu "Nấm đông trùng hạ thảo Thành Nam" của nhà chị Tuyến đã đạt OCOP 3 sao. Gia đình chị cũng tạo việc làm, cải thiện cuộc sống cho nhiều lao động tại địa phương.
Ở thôn Nhân Nghĩa, xã Yên Lương có mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm của ông Đỗ Văn Bổng, quy mô từ 700-800 con thỏ thịt/lứa. Thỏ thương phẩm được công ty NIPPON ZOKI Việt Nam thu mua toàn bộ khi xuất chuồng giúp mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
Hiện tại, nhiều sản phẩm chủ lực của xã Yên Lương đã được áp dụng công nghệ chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hoá. Các sản phẩm cũng được quảng bá, giới thiệu, kinh doanh rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo giúp mở rộng thị trường, tăng sản lượng tiêu thụ.
Sông Hồng