Khai mở đường lớn nền kinh tế nông nghiệp xanh
Những năm qua, nhiều đề án hướng tới nông nghiệp xanh được phê duyệt; thay đổi từ trong tư duy việc sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học.
Những đề án xanh
Năm 2023 đánh dấu cột mốc quan trọng trong lĩnh vực lâm nghiệp khi chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), với đơn giá 5 USD/tấn CO2 và thu về 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD, đồng thời giải ngân cho các tỉnh thuộc vùng dự án (khu vực Bắc Trung bộ) để tiếp tục triển khai.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều đề án hướng tới nông nghiệp xanh như 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL; tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học.
Thông tư số 15/2023/TT-BNNPTNT được phê duyệt vào cuối năm, cũng góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện và động lực tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.
Ngày 27/11/2023, Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp được Chính phủ phê duyệt tạo đà để Việt Nam tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đề án đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ thay đổi trong canh tác bền vững, các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng; sắp xếp tổ chức sản xuất vùng chuyên canh lúa có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh.
Đầu năm 2024, Bộ NN&PTNT với vai trò chủ trì thực hiện Đề án đã tổ chức họp Ban chỉ đạo của Bộ để bắt tay triển khai các nội dung cụ thể. Người đứng đầu ngành nông nghiệp – Bộ trưởng Lê Minh Hoan chi biết, trong các phần việc cần triển khai thời gian tới sẽ nhấn mạnh yêu cầu xây dựng các tài liệu phục vụ Đề án và tổ chức các lớp đào tạo với tinh thần: “Đào tạo cho những người đi đào tạo. Huấn luyện cho những người đi huấn luyện”. Bước tiếp theo là xây dựng hệ thống bản đồ số về các khu vực tham gia dự án VnSAT để các bên liên quan có thể truy cập, phối hợp một cách thuận lợi.
Rộng cửa thị trường tín chỉ carbon nông nghiệp
Trước xu thế phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Việt Nam hướng đến mục tiêu kép, vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa nắm bắt cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon.
Từ năm 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một báo cáo chi tiết liên quan tới tín chỉ cacbon trong lĩnh vực nông nghiệp. VCCI nhận định, Việt Nam nếu không sớm có lộ trình sẽ bỏ lỡ khoảng 57 triệu tín chỉ carbon với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.
Với mục đích hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, tham gia vào hệ thống chứng nhận mô hình sản xuất carbon thấp và thị trường tín chỉ carbon đầy tiềm năng, VCCI đã tổ chức một hội thảo với nội dung “Hợp tác nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị nông sản bền vững toàn cầu thông qua hệ thống chứng nhận và thị trường tín chỉ carbon”.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu với sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của quốc gia và cộng đồng dân cư. Hiện nay, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực tìm kiếm các giải pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide tương đương (CO2e). Nói cách khác, tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e). Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ.
Việt Nam đã cùng gần 180 quốc gia đã tham gia vào Công ước khí hậu (ký vào tháng 4/2016 tại Trụ sở của Liên hợp quốc); ngày 3/11/2016, Thông báo Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt và chính thức gửi lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc, trong đó cam kết cắt giảm 8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, với mục tiêu cắt giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, thông qua Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Tăng trưởng xanh.
Trong khuôn khổ các cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010, 141 quốc gia tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.
Chính phủ đã xây dựng lộ trình triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với xu thế chung của thế giới về áp dụng các tiêu chuẩn trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, từ đó giúp nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu và quảng bá thương hiệu Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định thị trường tín chỉ carbon Việt Nam là một trong những công cụ kinh tế cần được quan tâm phát triển.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất và thương mại tín chỉ carbon trên các sàn giao dịch quốc tế, song những giao dịch này chưa được chú ý nhiều, dẫn tới nguy cơ bỏ lỡ khoảng 57 triệu tín chỉ carbon với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.
Đứng trước xu hướng phát triển một nền kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững, ngành nông nghiệp Việt Nam là một trong những mắt xích quan trọng khi phải hướng đến mục tiêu kép. Đó là vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa nắm bắt những cơ hội, tiềm năng lớn đến từ thị trường tín chỉ carbon.
Xây dựng lộ trình gia nhập sàn giao dịch tín chỉ carbon thế giới
Ngành nông nghiệp sẵn sàng các điều kiện từ chuyển đổi sản xuất đến xây dựng khung pháp lý, hệ thống đo lường để đón xu hướng phát triển thị trường tín chỉ carbon.
Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất được đánh giá có vị trí quan trọng trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo lộ trình đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại Hội nghị COP26.
Thep kết quả rà soát đóng góp giảm phát thải của Việt Nam đến năm 2030 do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra, ngành nông nghiệp có tiềm năng đóng góp không điều kiện về giảm phát thải 12,4 triệu tấn CO2e (đơn vị đo lượng phát thải khí nhà kính). Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nước ta có tiềm năng giảm thêm 38,5 triệu tấn CO2e và đóng góp có điều kiện về giảm phát thải là 50,9 triệu tấn CO2e.
Lĩnh vực lâm nghiệp lần đầu tiên thực hiện chi trả tín chỉ carbon rừng thông qua Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (Chương trình ERPA). Triển khai từ năm 2014 đến nay, chương trình đã được Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ về năng lực, chính sách, kỹ thuật liên quan đến hoạt động đo đạc, tính toán, thẩm định. Tổng khối lượng giao dịch từ Chương trình ERPA là 51 triệu tấn CO2e, thực hiện ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Mới đây, tại hội thảo về thị trường carbon ngành nông nghiệp do các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) đồng tổ chức tại TP Cần Thơ, cụm từ “tín chỉ carbon” đã trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của đông đảo cơ quan quản lý trong nước cũng như các bên tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo.
Tuy nhiên, hiện khung pháp lý về thị trường carbon trong lĩnh vực lúa gạo vẫn đang được xây dựng để có một chính sách vận hành hoàn chỉnh, kể cả việc xây dựng một quy trình, xác định các tiêu chuẩn, công cụ báo cáo, đo lường và xác định các ưu tiên tiếp cận thị trường carbon trong lĩnh vực lúa gạo.
So sánh giữa các lĩnh vực trong nông nghiệp, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính của lúa gạo (36%) cao hơn nhiều so với chăn nuôi (9%) và trồng trọt (3%). Hơn nữa, việc đầu tư vào giảm phát thải trong canh tác lúa thấp hơn so với tiềm năng nhận được. Điều này sẽ mang đến những cơ hội lớn cho người trồng lúa thu hút các nguồn tài trợ, đón xu hướng tín chỉ carbon cho sản xuất lúa gạo.
Tại vùng ĐBSCL, các dự án, chương trình thúc đẩy sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính đã và đang được triển khai. Thế nhưng vẫn chưa có nhiều biện pháp tối ưu để đo đạc lượng phát thải khí nhà kính trong thực tế sản xuất lúa gạo.
Từ năm 2016, Tổ chức Phát triển Hà Lan tại Việt Nam (SNV Việt Nam) đã triển khai các dự án huy động sự tham gia của tư nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo, thúc đẩy thực hiện giải pháp canh tác bền vững, giảm phát thải tại tỉnh Thái Bình. Trong giai đoạn 2023 – 2027, SNV Việt Nam tiếp tục mở rộng triển khai ở 3 địa phương vùng ĐBSCL là An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang thông qua Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”.
Mục tiêu của Dự án là cải thiện sinh kế, hỗ trợ nông dân trồng lúa chuyển đổi sang sản xuất lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và carbon thấp, hướng tới cải thiện khung chính sách thúc đẩy sản xuất và phát triển thương hiệu gạo carbon thấp.
Đề xuất lập sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia
Ngày 8/1/2024, chủ trì cuộc họp về Đề án thành lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng thị trường tín chỉ carbon cần "đi trước".
Ông nhấn mạnh, việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) trên thực tế, bằng công cụ kinh tế để quản lý phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp. Mục tiêu là tạo ra thị trường tín chỉ carbon công khai, minh bạch, trên cơ sở xác định tổng lượng phát thải, phân bổ hạn ngạch phát thải cho các địa phương, lĩnh vực, thậm chí đến từng chủ thể phát thải; sử dụng các công cụ kinh tế để thay đổi nhận thức, hành vi trong phát thải khí nhà kính.
Theo Phó Thủ tướng, thị trường tín chỉ carbon chỉ có hiệu quả, lợi ích thực sự nếu được áp dụng đồng bộ, rộng khắp và công bằng trên quy mô toàn cầu, nhưng đến nay mới chỉ có một số quốc gia, khu vực bắt đầu áp dụng những công cụ kinh tế để quản lý lượng phát thải khí carbon đối với một số sản phẩm hàng hóa.
"Chúng ta phải chủ động xây dựng thị trường tín chỉ carbon ngay từ bây giờ để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng công cụ kinh tế, tài chính để quản lý lượng phát thải khí carbon, tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia", Phó Thủ tướng chỉ đạo và đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành tập trung thảo luận về mục đích, mục tiêu của chính sách giảm phát thải khí carbon ở Việt Nam trong mối liên hệ với khu vực, toàn cầu; mô hình thị trường (doanh nghiệp tự nguyện tham gia hay Chính phủ dẫn dắt, bước đầu vận hành trong nước hay tham gia ngay vào thị trường quốc tế); lộ trình thực hiện, trong đó có những việc cần làm ngay: Cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy, xác định/phân bổ hạn ngạch phát thải đến từng chủ thể phát thải.
Thủ tướng Chính phủ: ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2023 của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận: “Trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Ngành nông nghiệp Việt Nam từ bị động, lúng túng đã chuyển trạng thái sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế. Về sản xuất, chế biến, người dân và doanh nghiệp cũng chuyển trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang đột phá trong nông nghiệp”.
Theo đó: ngành hàng rau quả xuất khẩu đạt con số kỷ lục 5,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với kỷ lục được thiết lập trước đó vào năm 2018 là 3,81 tỷ USD. Bên cạnh đó, sầu riêng vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1, với kim ngạch hơn 2 tỷ USD trong năm 2023.
Thủ tướng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, theo đánh giá của các ngân hàng phát triển đa phương. Trong đó, thương mại nông, lâm, thủy sản góp phần ổn định đời sống người dân.
“Chúng ta có nhiều chủ trương đúng đắn trong bối cảnh an ninh lương thực đứng trước nhiều rủi ro. Với những sáng kiến của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam dần trở thành đất nước có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Vòng đời cây lúa ngày càng ngắn lại, 1 năm có thể sản xuất 3 vụ – đây là thành tựu của khoa học công nghệ về chọn tạo, nghiên cứu giống”, Thủ tướng bàn về vai trò đảm bảo an ninh lương thực của ngành.
Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã chỉ ra 3 đối tượng có thể tham gia thị trường carbon trong nước. Một là các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Hai là tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ba là tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên thị trường carbon.
Thái Bình