Thứ bảy, 27/04/2024 10:17 (GMT+7)
Thứ hai, 05/07/2021 12:05 (GMT+7)

Nam Cực ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục

Theo dõi KTMT trên

Ngày 1/7, Liên hợp quốc đã công nhận nhiệt độ cao kỷ lục mới ở lục địa Nam Cực, đó là mức nhiệt 18,3 °C xảy ra vào năm ngoái.

Mức nhiệt kỷ lục này được ghi nhận tại trạm nghiên cứu Esperanza của Argentina trên bán đảo Nam Cực vào ngày 6/2/2020. Tổng thư ký Liên hợp quốc WMO Petteri Taalas phát biểu: “Việc xác minh kỷ lục nhiệt độ này rất quan trọng vì nó vẽ nên bức tranh về thời tiết và khí hậu ở một trong những ranh giới cuối cùng của Trái Đất”.

"Bán đảo Nam Cực là một trong những khu vực ấm lên nhanh nhất hành tinh - gần 3 độ C trong vòng 50 năm qua. Kỷ lục nhiệt độ mới này tương thích với sự thay đổi khí hậu mà chúng ta đang thấy", ông nói.

Kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận trước đó tại lục địa Nam Cực - phần đất liền và các đảo xung quanh - là 17,5 độ C vào ngày 24/3/2015.

Nam Cực ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục - Ảnh 1
Nam Cực ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục 18,3 °C. (Ảnh: VTV.vn)

Nhiệt độ trung bình hàng năm của Nam Cực dao động từ khoảng âm 10 độ C trên bờ biển đến âm 60 độ C ở những khu vực cao nhất của nội địa.

Ông Taalas cho biết: “Nam Cực ít được quan sát và dự báo về những thay đổi của thời tiết và khí hậu hơn cả Bắc Cực, mặc dù cả 2 lục địa này đều đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mô hình khí hậu, đại dương và mực nước biển dâng”.

Nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái Đất đã tăng thêm 1 độ C kể từ thế kỷ 19, đủ để làm tăng cường độ của hạn hán, sóng nhiệt và bão nhiệt đới. Nhưng không khí trên Nam Cực đã ấm lên gấp đôi.

Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng sự nóng lên ở mức 2 độ C có thể đẩy nhanh sự tan chảy của các tảng băng trên đỉnh Greenland và Tây Nam Cực - với lượng nước đóng băng đủ để nâng các đại dương lên 13 m (43 feet) - một mốc không thể quay trở lại.

Phó Chủ tịch đầu tiên của WMO, ông Celeste Saulo, người đứng đầu cơ quan thời tiết quốc gia Argentina, cho biết: “Kỷ lục mới này một lần nữa cho thấy biến đổi khí hậu đòi hỏi các biện pháp khẩn cấp. Điều cần thiết là phải tiếp tục tăng cường các hệ thống quan sát, dự báo và cảnh báo sớm để ứng phó với các hiện tượng cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên do hiện tượng ấm lên toàn cầu".

Trước đó, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cũng đã cho thấy, tốc độ nóng lên toàn cầu hiện nay có nguy cơ khiến mực nước biển dâng “nhanh và mất kiểm soát” do sự tan của các tảng băng lớn ở Nam Cực trên diện rộng.

Nghiên cứu cảnh báo rằng nếu không giảm nhanh chóng lượng khí thải làm nóng hành tinh, thế giới sẽ phải đối mặt với tốc độ tan băng ở Nam Cực tăng đột ngột vào năm 2060. Điều này sẽ làm mực nước biển dâng cao và đe dọa các thành phố ở ven biển.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các chính sách hiện tại của một số quốc gia không phù hợp với tình hình thực tế. Theo dự báo, vào năm 2100, điểm giới hạn ở Nam Cực có thể được kích hoạt nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên 3 °C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, nếu thế giới có thể đáp ứng các cam kết trong Thỏa thuận Paris, số lượng băng tan ở Nam Cực sẽ chỉ khiến mực nước biển dâng từ 6 cm đến 11 cm vào cuối thế kỷ 21, ngang bằng với tốc độ tan băng hiện nay.

Các nhà khoa học cũng đưa ra nhiều cảnh báo về lượng băng khổng lồ ở Nam Cực. Cụ thể, nếu tất cả các khối băng tan chảy, nó sẽ làm mực nước biển toàn cầu tăng 57 m và nhấn chìm hoàn toàn các bờ biển trên thế giới.

Mặc dù những dự đoán trên không thể xác định được khoảng thời gian chính xác, nhưng những lo ngại đối với các dải băng ở phía Tây Nam Cực đang rất thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu về khu vực này. Được biết, trong trường hợp xấu nhất, việc sông băng Thwaites biến mất có thể sẽ khiến mực nước biển dâng lên 65 cm. Sông băng Thwaites, còn được gọi là Sông băng Ngày tận thế, có kích thước bằng cả nước Anh và sâu 1 km.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Nam Cực ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới