Băng tan ở Nam Cực làm lộ ra xác chim cánh cụt có niên đại hàng nghìn năm
Sự nóng lên toàn cầu làm lộ xác ướp của chim cánh cụt Adélie, nằm ẩn dưới lớp băng ở Nam Cực suốt hơn 5.000 năm.
Nhà nghiên cứu Steven Emslie tìm thấy cả xác chết cổ đại và xác trông còn mới của chim cánh cụt Adelie ở Irizar, mỏm đá nằm phía Nam sông băng Drygalski Ice Tongue thuộc vùng ven biển của đảo Scott trên biển Ross.
Phần lớn xác chết là chim non, chết thường xuyên và tích tụ dần ở các đàn. Tuy nhiên, những xác chết còn mới khiến Emslie bối rối bởi không có ghi chép nào về đàn chim cánh cụt sinh sống ở khu vực này từ khi những nhà thám hiểm đầu tiên (Robert Falcon Scott) tới biển Ross vào năm 1901 - 1903.
Emslie nhận thấy lượng lớn xương chim non nằm rải rác trên mặt đất cùng với vết phân chim, chứng tỏ khu vực này gần đây từng có sự sống, nhưng điều đó không thể xảy ra. Một số xương đến từ xác chim non hoàn chỉnh còn lông bị phân hủy bênh cạnh những xác ướp hoàn chỉnh. Emslie và đồng nghiệp thu thập một số xác chim trên mặt đất để phân tích kỹ hơn và xác định niên đại bằng đồng vị carbon. Họ công bố kết quả nghiên cứu hôm 18/9 trên tạp chí Ecology.
Nhóm nghiên cứu tìm thấy nhiều ụ sỏi cũ nằm rải rác quanh mỏm đá. Những ụ đất này là các địa điểm làm tổ trước đây của chim cánh cụt Adelie bởi chúng sử dụng sỏi để xây tổ. Khi khu vực bị bỏ hoang, các hòn sỏi sẽ phân tán và rất dễ nhận biết do có cùng kích thước.
"Chúng tôi khai quật 3 trong số các ụ đất, sử dụng phương pháp tương tự những nhà khảo cổ, nhằm thu thập phần mô của chim cánh cụt, xương, lông và vỏ trứng, cũng như phần cứng của con mồi trong phân (xương cá)", Emslie cho biết.
"Đất rất khô và nhiều bụi, giống như tôi đã tìm thấy ở các địa điểm trước đây tôi đến làm việc ở biển Ross, và có rất nhiều xác chim cánh cụt trong đó. Nhìn chung, quá trình lấy mẫu của chúng tôi đã khôi phục sự pha trộn giữa cái cũ và những gì có vẻ là gần đây chim cánh cụt sống ở địa điểm này, cho thấy có nhiều thời kỳ chiếm đóng và rời bỏ mũi đất này trong hàng nghìn năm", Emslie nói.
Ông suy đoán lần cư ngụ cuối cùng của chim cánh cụt để lại những di tích bị bao phủ bởi băng tuyết và được bảo quản nguyên vẹn cho đến khi tuyết tan gần đây. Hiện tượng ấm lên toàn cầu đã làm tăng nhiệt độ hàng năm ở biển Ross từ 1,1 - 2,5 độ C kể từ những năm 1980 và hình ảnh vệ tinh trong thập kỷ qua cho thấy mũi đất dần dần lộ ra dưới lớp tuyết.
Nhật Hạ