Thứ ba, 23/04/2024 14:32 (GMT+7)
Thứ ba, 26/05/2020 06:00 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu khiến 'tuyết xanh' bao phủ Nam Cực

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu đang làm tan chảy băng tuyết ở Nam Cực, tạo điều kiện cho các loài tảo phát triển, phủ xanh nhiều phần của lục địa băng giá này.

Biến đổi khí hậu khiến 'tuyết xanh' bao phủ Nam Cực - Ảnh 1
Tuyết chuyển màu xanh do sự phát triển của tảo ở Nam Cực. (Ảnh: Reuters)

Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, nhiệt độ ấm lên do bến đổi khí hậu đang tạo điều kiện thích hợp cho các loài tảo phát triển. Tảo lan rộng đến nỗi có thể nhìn thấy chúng từ ngoài không gian.

Một nhóm nghiên cứu đến từ đại học Cambridge và nhóm Khảo sát Nam Cực của Anh đã sử dụng các dữ liệu vệ tinh kết hợp với các quan sát trên mặt đất để tạo ra tấm bản đồ đầu tiên về loại tảo nở hoa trên Bán đảo Nam Cực.

Họ đã xác định được 1.679 đám tảo nở hoa, bao trùm tổng diện tích 1,9km2 trên băng tuyết. Họ cũng phát hiện đa số đám tảo nở hoa trong phạm vi 5km thuộc một khu vực sinh sống của chim cánh cụt. Các nhà khoa học lý giải rằng phân của loài chim cánh cụt là nguồn phân bón hữu hiệu dành cho tảo.

Biến đổi khí hậu khiến 'tuyết xanh' bao phủ Nam Cực - Ảnh 2
Phân của loài chim cánh cụt cung cấp các chất dinh dưỡng cho tảo phát triển mạnh. (Ảnh Reuters)

Dữ liệu này sẽ được sử dụng để đánh giá tốc độ thay đổi của lục địa, từ màu trắng chuyển sang màu xanh. Điều này có nghĩa là một cộng đồng sinh vật đang bắt đầu hình thành và có thể tạo ra một môi trường sống mới.

"Đây là sự bắt đầu của một hệ sinh thái mới", nhà sinh học Matt Davey đến từ Đại học Cambridge, một trong những người tham gia nhóm nghiên cứu nhận định.

Ông Davey mô tả loại tảo này là mảnh ghép còn thiếu trong chu trình carbon ở Nam Cực. Những đám tảo này có thể xử lý lượng carbon trung bình được thải ra từ 875.000 chiếc xe ô tô.

Biến đổi khí hậu khiến 'tuyết xanh' bao phủ Nam Cực - Ảnh 3
Các loại tảo đỏ và cam cũng xuất hiện tại đây. (Ảnh: Reuters)

Gần hai phần ba số tảo màu xanh lá cây được tìm thấy trên những hòn đảo nhỏ, trũng và thấp ở phía bắc bán đảo Nam Cực - khu vực vừa mới trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục, với nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trong mùa hè vừa qua. Tảo ít xuất hiện hơn ở những khu vực phía nam lạnh giá.

Các nhà khoa học trước đây đã quan sát thấy thấy sự gia tăng của các loài địa y và rêu xanh ở châu Nam Cực, nhưng chúng phát triển cực kỳ chậm nếu so sánh với tảo.

Ngoài các loại tảo xanh đang phát triển tại đây, các nhà nghiên cứu hiện đang lên kế hoạch để đo sự phát triển của các loai tảo đỏ và cam. Các nghiên cứu sẽ góp phần tính toán xem liệu sự hiện diện của những loại tảo này có ảnh hưởng đến khả năng phản xạ nhiệt của lớp tuyết ở Nam Cực hay không.

Biến đổi khí hậu khiến 'tuyết xanh' bao phủ Nam Cực - Ảnh 4

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý, sự gia tăng của tảo nở hoa cũng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng băng tan tại Nam Cực. Chúng hấp thụ ánh sáng mặt trời làm khu vực xung quanh nóng hơn, khiến các tảng băng tan nhanh hơn.

"Các bông tảo tuyết màu xanh lá sẽ phản chiếu khoảng khoảng 45% ánh sáng chiếu vào nó, trong khi tuyết phản chiếu khoảng 80% ánh sáng. Vì vậy nó sẽ làm tăng tốc độ tan chảy của tuyết trong khu vực", tiến sĩ Andrew Gray giải thích.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc, Bán đảo Nam Cực đang là một trong những vùng "nóng lên nhanh nhất" của Trái Đất. Nhiệt độ ở đây trung bình tăng 3 độ C trong 50 năm qua.

Biến đổi khí hậu khiến 'tuyết xanh' bao phủ Nam Cực - Ảnh 5

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu khiến 'tuyết xanh' bao phủ Nam Cực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới