Phát thải khí nhà kính: Mỗi năm một kỷ lục mới
Báo cáo khẳng định lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng đạt 1 kỷ lục mới đã làm biến đổi khí hậu Trái Đất, theo đó thế giới tiếp tục hứng chịu tình trạng nắng nóng dài hạn, khắp thế giới trải qua trạng thái thời tiết cực đoan.
Mỗi năm một kỷ lục mới
Lượng khí CO2 và methane phát thải trong khí quyển đã lên mức cao kỷ lục trong năm 2021 - một trong những năm nóng nhất trong lịch sử và thực tế này một lần nữa nhấn mạnh đến vấn đề cấp thiết cần có hành động để tránh tái diễn tình trạng này.
Theo báo cáo của Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU - C3S) công bố ngày 10/1, năm 2021 là năm có nhiệt độ cao kỷ lục thứ 5, với nhiệt độ trung bình cao hơn nhiệt độ giai đoạn những năm 1850 đến 1900, khoảng 1,1 đến 1,2 độ C.
Báo cáo cũng khẳng định rằng 7 năm gần đây nhất là những năm nóng kỷ lục. Mức độ khí thải CO2 trong năm 2021 đã tăng lên mức kỷ lục 414,3 ppm, tăng khoảng 2,4 ppm so với năm trước đó. Trong khi đó lượng khí thải methane cũng liên tục tăng cao trong 2 năm qua.
Lượng khí methane thường phát thải trong quá trình khai thác dầu mỏ, sản xuất khí đốt và canh tác từ các nguồn tự nhiên như đất ngập nước.
Báo cáo khẳng định lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng đã làm biến đổi khí hậu Trái Đất, theo đó thế giới tiếp tục hứng chịu tình trạng nắng nóng dài hạn, khắp thế giới trải qua trạng thái thời tiết cực đoan, từ lũ lụt tại châu Âu, Trung Quốc, Nam Sudan đến cháy rừng tại Siberia và Mỹ.
Giám đốc của C3S Carlo Buontempo nhấn mạnh, thực tế này chính là lời nhắc nhở sâu sắc cần có sự thay đổi lớn trong cách thức ngăn chặn biến đổi khí hậu, từ việc đưa ra quyết định cho đến hành động hiệu quả nhằm hướng tới một xã hội vững mạnh và giảm lượng khí phát thải ròng.
Theo báo cáo trên, châu Âu đã trải qua một mùa Hè nóng nhất vào năm 2021. Cụ thể, trong đợt nắng nóng hồi tháng 7 và tháng 8 năm ngoái, khu vực Địa Trung Hải chứng kiến thảm họa cháy rừng tại nhiều nước, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Vùng Sicily ghi nhận nhiệt độ lên tới 48,8 độ C. Cũng trong tháng 7, có hơn 200 người chết trong đợt lũ quét tại miền Tây châu Âu. Theo kết luận của các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng ít nhất 20% tần suất xuất hiện của các đợt lũ.
Tháng 7/2021, mưa lũ tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 người. Tại California, đợt nắng nóng kỷ lục, tiếp sau thảm họa cháy rừng lớn thứ 2 trong lịch sử bang này, đã thiêu hủy nhiều vùng đất và khiến không khí ô nhiễm trầm trọng.
Các nước cam kết nâng mục tiêu cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính
Từ Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết, vào năm 2030 sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nền kinh tế đầu tàu thế giới này từ 50 - 52% so với mức của năm 2005, tăng gấp đôi so với cam kết mà chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra khi ký Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Mỹ không thể làm điều đó một mình. Và hội nghị thượng đỉnh toàn cầu, cuộc họp quốc tế lớn đầu tiên của Tổng thống Mỹ Biden, nhằm mục đích đưa Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo sau 4 năm không hành động và phủ nhận những tác động của biến đổi khí hậu dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu tuyên bố, châu Âu sẽ áp dụng việc mua bán hạn ngạch khí thải, qua đó tạo tiền đề cho kế hoạch cải cách thị trường mua bán khí thải carbon.
Trong ngày 22/4, giá phát thải khí carbon của EU đã tăng lên mức cao kỷ lục 47 Euro/tấn sau khi EU đặt mục tiêu tham vọng hơn nhằm cắt giảm lượng khí thải trong thập kỷ này.
Hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu diễn ra vào Ngày Trái Đất được xem là một thách thức lớn đối với Tổng thống Mỹ Biden trong việc thuyết phục cộng đồng toàn cầu ủng hộ. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã công bố gói phát triển cơ sở hạ tầng và khí hậu trị giá 2.250 tỷ USD, trong đó kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào xe chạy điện, hiện đại hóa lưới điện và nhiều mục tiêu quan trọng khác.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh lần cuối cùng Trái Đất chứng kiến nồng độ CO2 tương đương như mức hiện này là cách đây từ 3-5 triệu năm.
Vào thời điểm đó, nhiệt độ ấm hơn 2-3 độ C và mực nước biển cao hơn 10-20 m so với bây giờ, song chưa có 7,8 tỷ người sinh sống trên Trái Đất.
WMO cảnh báo với việc khí phát thải tiếp tục tăng cùng với việc nhiệt độ tăng cao, con người có thể hứng chịu thêm nhiều thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, mưa lớn, băng tan hay mực nước biển tăng và tất cả điều này sẽ gây ra những tác động kinh tế-xã hội nghiêm trọng.
Ông Taalas nhấn mạnh con người cần biến cam kết thành hành động, để từ đó cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Theo người đứng đầu WMO, con người không có thời gian để mất và cần có những thay đổi cần thiết để ngăn chặn tình trạng này, ngay cả khi những thay đổi này được trả bằng tiền hoặc được thực hiện bằng công nghệ.
Nguyễn Linh (T/h)