Thứ bảy, 20/04/2024 19:22 (GMT+7)
Thứ ba, 11/01/2022 21:41 (GMT+7)

Molnupiravir gây tác dụng phụ: Bộ Y tế nói gì?

Theo dõi KTMT trên

Molnupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2. Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ.

Chiều 11/1, Bộ Y tế thông tin phản hồi liên quan vấn đề cấp phép Molnupiravir tại Ấn Độ và tác dụng phụ, khuyến cáo quan trọng đối với việc sử dụng thuốc kháng virus này.

Theo Bộ Y tế, vừa qua, một số báo có đăng tải thông tin về việc Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) loại thuốc Molnupiravir khỏi danh mục thuốc điều trị Covid-19 do lo ngại tác dụng phụ.

Cụ thể, theo trang tin india.com đăng tải ngày 5/1 trích dẫn ý kiến của TS Bhargava, Tổng Giám đốc của ICMR, Cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng phác đồ điều trị Covid-19 tại Ấn Độ, cho hay cơ quan này chưa cập nhật Molnupiravir vào danh sách các thuốc điều trị Covid-19 theo phác đồ của ICMR do quan ngại về một số phản ứng phụ như đột biến gene, tổn hại cơ và xương có thể dẫn tới các nguy cơ cho việc mang thai và cho trẻ em.

Điều này có nghĩa là không phải cơ quan này loại Molnupiravir ra khỏi danh sách các thuốc điều trị Covid-19.

Tại Ấn Độ, tháng 12/2021, Cơ quan Quản lý Dược Ấn Độ (CDSCO) đã cấp phép sản xuất và lưu hành cho thuốc Molnupiravir cho một số nhà sản xuất của quốc gia này. Các thông tin về phản ứng phụ nêu trên đã được ghi rõ trong giấy phép lưu hành.

"Cho đến nay, chưa có thông tin về một quyết định chính thức được ban hành từ ICMR hoặc Cơ quan quản lý Dược Ấn Độ về nội dung trên", thông tin từ Bộ Y tế nêu rõ.

Molnupiravir gây tác dụng phụ: Bộ Y tế nói gì? - Ảnh 1
Molnupiravir đã được cấp phép lưu hành có điều kiện tại Anh. (Ảnh: Báo Người Lao động)

Tại cuộc họp ngày 8/1, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế cũng nêu một số ý kiến về tác dụng phụ và các khuyến cáo quan trọng đối với việc sử dụng thuốc Molnupiravir.

Cụ thể, Molnupiravir đã được cấp phép lưu hành có điều kiện tại Anh (ngày 4/11/2021), phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại Mỹ (ngày 23/12/2021), tại Nhật Bản (ngày 25/12/2021) và phê duyệt sử dụng tại một số quốc gia khác để điều trị Covid-19.

Căn cứ các chỉ định, các khuyến cáo của Molnupiravir được phê duyệt bởi Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Quản lý Dược và Sản phẩm Y tế của Anh (MHRA), Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn sử dụng loại thuốc này.
một số tác dụng phụ phổ biến của Molnupiravir đã được ghi nhận, bao gồm buồn nôn; tiêu chảy; đau đầu; phát ban; các triệu chứng giống cúm; mất ngủ; những thay đổi đối với xét nghiệm gan trong máu.

Loại thuốc này chống chỉ định với trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, cho con bú. Molnupiravir cũng có thể tương tác với các loại thuốc mà người bệnh đang dùng để điều trị tình trạng y tế khác đang mắc phải.

FDA cũng khuyến cáo người dân không được dùng Molnupiravir để phòng ngừa trước hoặc sau phơi nhiễm với SARS-CoV-2.

Nhóm có thể dùng thuốc bao gồm người cao tuổi, có bệnh lý nền như tim mạch, ung thư, tiểu đường, béo phì hoặc tổn thương hệ miễn dịch, có nhiều khả năng mắc bệnh nặng phải nhập viện.

Molnupiravir có sẵn theo đơn và nên được bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán Covid-19 và trong vòng 5 ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. Liều dùng: Uống 4 viên (200 mg/viên) mỗi lần, 2 lần một ngày (cách nhau 12 giờ). Thuốc được khuyến cáo sử dụng trong 5 ngày.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của các cơ sở bán lẻ thuốc, tập trung kiểm tra việc bán thuốc kháng virus (Molnupiravir, Favipiravir...) tại các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp bán thuốc chưa có giấy phép lưu hành, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nếu có dấu hiệu hình sự thì chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Molnupiravir gây tác dụng phụ: Bộ Y tế nói gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới