Loay hoay bài toán xử lý tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện
Trung bình để sản xuất ra 1kWh điện sử dụng nhiên liệu than cám sẽ thải ra từ 0,9-1,5 kg tro, xỉ. Thế nhưng việc xử lý, tái sử dụng tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Để xử lý tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện, thời gian qua Chính phủ và các Bộ, ngành đã có chủ trương sử dụng tro, xỉ để sản xuất xi măng, vật liệu không nung và phối liệu với các nguyên liệu khác sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng lượng tro, xỉ ngày càng tăng nhanh vì quá trình sản xuất còn nhiều vướng mắc và sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ.
Theo thống kê của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), đến năm 2019, cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện chạy than đang hoạt động, với lượng tro, xỉ thải ra khoảng 14,4 triệu tấn/năm.
Dự kiến, đến năm 2022, sẽ có khoảng 43 nhà máy nhiệt điện chạy than, với lượng tro, xỉ thải ra khoảng 29 triệu tấn/năm. Lượng tro, xỉ ngày càng tăng đã gây lo ngại về việc không đủ bãi chứa tro, xỉ và ô nhiễm môi trường.
Tính riêng tại tỉnh Bình Thuận, hiện có 4 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất gần 4.300MW đang hoạt động. Đến nay, lượng tro, xỉ than phát sinh từ quá trình hoạt động của các nhà máy năng lượng này đã lên đến hàng triệu tấn.
Ông Trần Đình Sính, chuyên gia năng lượng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cho biết, hiện nay các nhà máy điện than đang hoạt động với tổng công suất 18.000MW, thải ra khoảng 16, 17 triệu tấn tro và xỉ mỗi năm.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu không có biện pháp xử lý phù hợp thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ tồn dư khoảng 422 triệu tấn và cứ mỗi năm lại thêm khoảng 32 triệu tấn nữa. Để dễ hình dung, nếu bình quân bãi tro, xỉ đắp cao khoảng 5m thì Việt Nam sẽ mất khoảng 65km² để chứa tro xỉ (gần bằng diện tích thành phố Huế là 70km²) và mỗi năm thêm 5km², bằng diện tích của 1 xã đồng bằng Bắc Bộ.
Đã có giải pháp
Trên thực tế, các nhà khoa học đã khẳng định tro, xỉ nhiệt điện không phải là chất thải nguy hại. Việc tái sử dụng tro bay từ các nhà máy nhiệt điện than được nhiều nước trên thế giới thực hiện như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… và luôn được khuyến khích sử dụng tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện than trong xây dựng đường sá, làm phụ gia trong sản xuất xi măng, bê tông và vật liệu xây dựng.
Tro bay nếu đạt tiêu chuẩn dùng làm phụ gia cho sản xuất xi măng sẽ làm giảm chi phí sản xuất xi măng; bê tông dùng tro bay sẽ làm giảm lượng xi măng và làm tăng tính bền chắc của công trình.
Ngoài ra, tro, xỉ còn được sử dụng để làm chất liên kết gia cố các công trình giao thông, sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ, làm tấm trần, tường thạch cao, gốm sứ rất hiệu quả. Việc tái sử dụng tro bay được quản lý tốt sẽ đem tới lợi ích về kinh tế - xã hội và môi trường.
Ở nhiều nước khác, tro bay chủ yếu được sử dụng để sản xuất gạch không nung. Sản xuất gạch từ nguyên liệu này tiết kiệm năng lượng đến hơn 85% so với việc sản xuất gạch nung truyền thống từ đất sét.
Chẳng hạn, tại Mỹ, tro bay được sử dụng như một chất phụ gia sản xuất xi-măng, hoặc dùng làm vật liệu san lấp mặt bằng hay gia cố nền đường sau khi đã xử lý.
Trong khi đó, ở Ấn Độ, hiện có đến hơn 16.000 nhà máy sản xuất gạch từ tro bay, giúp tái chế hơn 20 triệu tấn tro bay hàng năm và cung cấp hơn 1/6 nhu cầu về gạch của thị trường Ấn Độ.
Ở Việt Nam cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về tái chế tro bay làm phụ gia cho công nghệ bê tông đầm lăn, sản xuất gạch tuynel, xi măng, thạch cao, than tái chế và cũng đã được áp dụng vào sản xuất.
Điển hình như Dây chuyền sản xuất gạch không nung với công suất 3 triệu viên/năm của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn; Hay ứng dụng công nghệ bê tông đầm lăn sử dụng phụ gia tro, xỉ (RCC) trong xây dựng đập thuỷ điện, đã được áp dụng cho các công trình đập thuỷ điện, trước tiên là thuỷ điện Sơn La.
Trong công nghiệp xi măng, tro thô được dùng để thay thế đất sét, một trong những nguyên liệu chính để sản xuất xi măng, vì tro có thành phần hóa học gần như tương tự đất sét. Chính vì vậy, ở các nước tiên tiến, bên cạnh nhà máy nhiệt điện luôn có các nhà máy xi măng để sử dụng tro, xỉ than tại chỗ.
Nhật Hạ