Thứ sáu, 22/11/2024 12:19 (GMT+7)
Thứ năm, 27/06/2024 11:11 (GMT+7)

Loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa dùng một lần và túi nilon tại các địa điểm du lịch

Theo dõi KTMT trên

Đây là một trong những nội dung được đề cập trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 do Phó Thủ tướng chính phủ Trần Hồng Hà phê duyệt vào ngày 13/06/2024.

Loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa dùng một lần và túi nilon tại các địa điểm du lịch - Ảnh 1

Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu trở thành điểm đến có năng lực phát triển cao trên thế giới. Cụ thể, năm 2025 nước ta sẽ phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa đạt từ 8-9%/năm, đóng góp trực tiếp 8-9% trong GDP.

Đến năm 2030, Việt Nam nỗ lực đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13-15%/năm, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4-5%/năm, đóng góp trực tiếp từ 13-14% trong GDP. Năm 2045, du lịch khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế, phấn đấu đón 70 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.300 nghìn tỷ đồng, đóng góp 17-18% trong GDP. 

Nhận thấy được tiềm năng to lớn, Quy hoạch nhấn mạnh vào việc khai thác nhân tố biển đảo nhằm phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam là quốc gia có chỉ số biển cao gấp 6 lần mức trung bình toàn cầu. Nước ta có đường bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam; hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện nay, cả nước có 28 tỉnh và thành phố ven biển, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% dân số toàn quốc. Với những lợi thế to lớn về tài nguyên, việc khai thác tiềm năng du lịch biển đảo càng trở nên cần thiết và cấp bách. 

Loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa dùng một lần và túi nilon tại các địa điểm du lịch - Ảnh 2

Đến năm 2030, 100% các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Để đảm bảo việc phát triển du lịch một cách bền vững, cần gắn chặt mối liên hệ giữa du lịch và môi trường. Đồng thời, nước ta cần có những biện pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Quy hoạch cũng đề cập đến các vấn đề liên quan đến việc phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. 

Quy hoạch chỉ rõ định hướng phát triển các sản phẩm du lịch. Cụ thể như sau: Phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế; Phát huy giá trị văn hóa vùng, miền làm nền tảng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu lối sống, ẩm thực; Phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái dựa trên lợi thế về tài nguyên tự nhiên; Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các đô thị trung tâm; chú trọng kết hợp du lịch với công nghiệp văn hóa; Đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo xu hướng mới của thị trường; Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, nổi trội theo vùng.

Loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa dùng một lần và túi nilon tại các địa điểm du lịch - Ảnh 3

Hình thành 6 khu vực động lực chính

Không gian du lịch Việt Nam gồm: 06 vùng, 03 cực tăng trưởng, 08 khu vực động lực, 05 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các Khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển triển thành khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, nước ta tập trung hình thành 06 khu vực động lực chính, cụ thể: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình; Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; Quảng Bình - Quảng Trị; Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận; Thành phố Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu; Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau. Từ giai đoạn sau năm 2030, hình thành thêm 02 khu vực động lực chính là: Lào Cai - Hà Giang; Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên.  

Loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa dùng một lần và túi nilon tại các địa điểm du lịch - Ảnh 4

Nhà Nước ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động nghiên cứu, tập trung vào những nơi trọng điểm và các thị trường mới; duy trì hoạt động xúc tiến đối với các điểm du lịch quốc tế truyền thống. Thêm vào đó, nước ta cần đa dạng hóa chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch mang đặc trưng của địa phương. 

Quy hoạch cũng nhắc đến việc sẽ xây dựng tiêu chuẩn, thực hiện công tác chuẩn hóa nhân lực. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác và liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cần cho việc phát triển nguồn nhân lực du lịch. 

Thanh Trúc

Bạn đang đọc bài viết Loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa dùng một lần và túi nilon tại các địa điểm du lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới