Thứ bảy, 23/11/2024 00:22 (GMT+7)
Chủ nhật, 01/05/2022 16:00 (GMT+7)

Liên Hợp Quốc kêu gọi đẩy mạnh thích ứng biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất với nhân loại thế kỷ 21. Do vậy, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi nỗ lực hơn nữa để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời thành lập nhóm chuyên gia mới để hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0.

BĐKHngày càng trở nên khó kiểm soát

BĐKH luôn là thách thức lớn nhất đối với môi trường sống hiện nay cũng như tương lai của con người. Theo giới chuyên gia, tốc độ BĐKH đang xảy ra nhanh hơn 20 - 50 lần so với bất kỳ giai đoạn BĐKH nào trong lịch sử Trái Đất. Kể từ năm 2015, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn. Ngày càng có nhiều nước và vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương hơn và khả năng vượt qua yếu hơn trước tác động của BĐKH.

Đáng chú ý, hơn 1 tỷ người ở các vùng ven biển đối mặt với nguy cơ ngập lụt vào giữa thế kỷ, gần 50% dân số thế giới trong “vùng nguy hiểm” vì BĐKH và 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng “rất cao” nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là những con số biết nói trong báo cáo của Liên Hợp Quốc về BĐKH được công bố ngày 28/2 mới đây.

Thực tế, BĐKH ngày càng hiện hữu với sự gia tăng của các cơn bão, tình trạng ngập lụt ở đô thị hay sự đe dọa nhấn chìm đồng bằng ven biển do mực nước biển dâng. Theo đó, hệ quả là sự phân bố lại năng lượng trên toàn bộ hệ thống Trái Đất, dẫn đến làm thay đổi chế độ hoàn lưu của khí quyển và đại dương và do đó, làm thay đổi cơ chế tạo ra mưa – một hiện tượng mà tự nó đã vô cùng phức tạp nay lại được BĐKH chi phối khiến cho “thiên biến vạn hóa” theo nhiều cách như tăng giảm lượng mưa hay thay đổi địa điểm, thời điểm phân bố… trên những vùng địa lý khác nhau và không tuân theo nhịp điệu mùa.

Năm 2021, cả thế giới quay cuồng trước các thảm họa do BĐKH gây ra. Theo đó, thế giới được chứng kiến hàng loạt sự kiện nắng nóng kỷ lục và thời tiết cực đoan liên quan đến vấn đề Trái Đất ấm lên. Theo báo cáo khí hậu của Liên Hợp Quốc công bố vào tháng 10 năm ngoái cho thấy, dù cho các quốc gia ký kết Hiệp định Paris kể từ năm 2015, nhằm hạn chế mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C hoặc thấp hơn 2 độ C, để tránh những tác động tồi tệ nhất của bi BĐKH, thế nhưng thế giới chúng ta vừa trải qua 7 năm nóng nhất từ trước tới nay trong khi mực nước biển đã dâng cao lên mức mới.

Liên Hợp Quốc kêu gọi đẩy mạnh thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 1
BĐKH luôn là thách thức lớn nhất đối với môi trường sống hiện nay cũng như tương lai của con người.

Trong năm 2021, nhiệt độ đại dương cũng được ghi nhận nóng nhất lịch sử, nguyên nhân chủ yếu là do BĐKH. Theo kết quả nghiên cứu của các tổ chức về khí hậu, hiện tượng nóng lên diễn ra mạnh nhất ở Đại Tây Dương và Nam Đại Dương. Bắc Thái Bình Dương cũng có sự gia tăng nhiệt đáng kể từ năm 1990, trong khi Địa Trung Hải ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục vào năm 2021.

Sự ấm lên của Trái Đất được chứng minh bởi những đợt nắng nóng kỷ lục diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Điển hình là vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 năm ngoái, tỉnh bang British Columbia nằm ở khu vực phía Tây Canada ghi nhận nhiệt độ cao chưa từng có trong lịch sử là 49,5 độ C. Trong khi đó, vùng Tây Bắc nước Mỹ phải chịu tình cảnh tương tự với mức nhiệt nhiều nơi lên tới hơn 50 độ C. Hiện tượng ''vòm nhiệt'' bao trùm đã dẫn đến hàng loạt cuộc sơ tán, hàng loạt trường học và doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, các điểm xét nghiệm Covid-19 và tiêm chủng lưu động buộc phải ngừng hoạt động, mặt đường nứt toác ở 2 quốc gia này.

Bên cạnh hạn hán, cháy rừng, trong năm 2021, nhiều nơi trên thế giới còn phải oằn mình chống chịu với một hiện tượng thời tiết cực đoan khác là lũ lụt. Trận lũ lụt thảm khốc nhất được nhắc đến trong năm vừa qua là diễn ra vào tháng 7 tại tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Chỉ trong 3 ngày với lượng mưa lớn kỷ lục kể từ khi các số liệu được ghi nhận cách đây 60 năm, nhiều nơi tại tỉnh này đã bị chìm trong biển nước, khiến hơn 1,5 triệu người phải đi sơ tán, trên 300 người tử vong, 50 người mất tích, làm ảnh hưởng đến khoảng 215.000 ha hoa màu và gây tổn thất kinh tế trực tiếp hàng tỷ Nhân dân tệ. Các nhà khí tượng cho biết, hiện tượng mưa lớn xảy ra ở tỉnh Hà Nam là hiện tượng hiếm đến mức chỉ xảy ra một lần trong 1.000 năm.

Thúc đẩy “cuộc chiến” với BĐKH

Để góp phần vào nỗ lực chống BĐKH toàn cầu, đã có hơn 110 nước đã đệ trình kế hoạch cắt giảm khí thải mới vào năm 2050. Một số quốc gia thậm chí đã đẩy thời hạn cam kết trung hòa khí thải carbon lên năm 2030, như Mỹ sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 50% - 52% so với mức năm 2005, con số này của Liên minh châu Âu (EU) là 55% so với năm 1990, Nhật Bản cắt giảm 46% so với mức năm 2013, Hàn Quốc giảm 24,4% so với mức năm 2017,…

Bên cạnh đó, tại Hội nghị về BĐKH của Liên Hợp Quốc (COP26) ở Glasgow, Anh vào năm ngoái, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh yêu cầu rõ ràng về các tiêu chuẩn và tiêu chí mạnh mẽ hơn, đáng tin cậy hơn để đo lường, phân tích và báo cáo về cam kết phát thải ròng bằng 0 của các đối tượng phi Nhà nước. Việc thành lập Nhóm chuyên gia mới để hiện thực hóa cam kết trên là một bước quan trọng để đáp ứng nhu cầu đó.

“Chúng ta đã thực hiện một bước để đáp ứng nhu cầu trên và đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất về tính toàn vẹn và minh bạch của môi trường. Để ngăn chặn thảm họa khí hậu, chúng ta cần có những cam kết táo bạo nhưng phải được thực hiện bằng hành động cụ thể, có thể đo lường được”, ông Guterres chỉ rõ.

Liên Hợp Quốc kêu gọi đẩy mạnh thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Liên Hợp Quốc đã kêu gọi toàn cầu nỗ lực hơn nữa để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0.

Theo ông Guterres, cần tăng cường trách nhiệm giải trình xung quanh việc thực hiện các mục tiêu để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, điều đó sẽ giúp cắt giảm nhanh chóng lượng khí thải.

Các khuyến nghị của nhóm chuyên gia về tham vọng lớn hơn và sự toàn vẹn môi trường sẽ đề cập đến 4 lĩnh vực: Các tiêu chuẩn và định nghĩa hiện tại để thiết lập các mục tiêu phát thải ròng bằng 0; Tiêu chí tín nhiệm được sử dụng để đánh giá các mục tiêu, đo lường và báo cáo về các cam kết phát thải ròng bằng 0; Quy trình xác minh và tính toán tiến độ đối với các cam kết phát thải ròng bằng không và báo cáo kế hoạch loại bỏ carbon và một lộ trình chuyển đổi các tiêu chuẩn và tiêu chí thành các quy định cấp quốc gia và quốc tế.

Trước đó, tại COP26, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact), theo đó khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động xấu nhất của BĐKH. Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH, Việt Nam đã và đang tích cực tham gian thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.

Nhận thức được những tác động nghiêm trọng của BĐKH đến sự phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách quốc gia về ứng phó với BĐKH.

"Việt Nam xác định đoàn kết ứng phó BĐKH, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách. Đây cũng là 'bước đi dài' để bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân và đóng góp trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế phát triển bền vững trong thời gian tới" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong Hội nghị COP26.

Nguyễn Ánh

Bạn đang đọc bài viết Liên Hợp Quốc kêu gọi đẩy mạnh thích ứng biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới