Thứ sáu, 29/03/2024 00:24 (GMT+7)
Thứ bảy, 09/04/2022 15:00 (GMT+7)

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: ‘Bây giờ hoặc không bao giờ’

Theo dõi KTMT trên

Việc hạn chế sự nóng lên ở mức khoảng 1,5 độ C đòi hỏi lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phải đạt mức đỉnh điểm muộn nhất là trước năm 2025. “Nếu chúng ta muốn hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C thì thời điểm là bây giờ hoặc không bao giờ".

Phần thứ 3 của báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) được công bố ngày 4/4, hoàn tất 10.000 trang báo cáo báo động đỏ của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Hai báo cáo trước đó công bố tháng 8/2021, tháng 2/2022.

Báo cáo tuyên bố việc đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2030 là điều kiện tiên quyết để có thể đảo ngược tiến trình biến đổi khí hậu và ô nhiễm carbon toàn cầu. Được biết, báo cáo này được chuẩn bị trong vòng 8 năm, bởi 268 nhà khoa học, chuyên gia đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trước đó, từ ngày 21/3 - 3/4, IPCC đã tổ chức kỳ họp trực tuyến nhằm xem xét báo cáo của Nhóm công tác III. Tại kỳ họp, các bên tham gia gồm đại diện của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã xem xét đánh giá báo cáo dài gần 300 trang của IPCC. Nội dung xem xét gồm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thu gom, xử lý các khí thải này trong không khí. 

 Lượng khí thải có xu hướng gia tăng

Bất chấp những cảnh báo về biến đổi khí hậu do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đưa ra từ năm 1990, lượng khí thải toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trong thập kỷ qua, đạt mức cao nhất trong lịch sử. Kết quả là lượng khí thải toàn cầu đang trên đà vượt qua giới hạn nóng lên 1,5 độ C được đưa ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015 và đạt khoảng 3,2 độ C vào cuối thế kỷ này.

Báo cáo của IPCC cho biết, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu cần đạt đỉnh trước năm 2025 để hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu nguy hiểm. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các giải pháp đang ở trong tầm tay, các quốc gia đang hành động và một số chi phí công nghệ xanh quan trọng đã giảm trong những năm gần đây. 

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: ‘Bây giờ hoặc không bao giờ’ - Ảnh 1
Lượng khí thải toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trong thập kỷ qua, đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Giai đoạn 2010-2019, có mức tăng phát thải trung bình cao nhất trong lịch sử loài người, với 56 Gt CO2 tương đương/năm. Lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra đạt 59 Gt CO2 tương đương vào năm 2019, mức cao nhất kể từ năm 1990.

Lượng phát thải đã tăng trên tất cả các lĩnh vực nhưng chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp. Khoảng 34% lượng phát thải của con người đến từ lĩnh vực cung cấp năng lượng, 24% từ công nghiệp, 22% từ nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, 15% từ giao thông và 6% từ các tòa nhà.

Cường độ phát thải CO2 của nền kinh tế toàn cầu đã giảm nhẹ; nhưng thay vào đó, lượng khí thải có xu hướng gia tăng từ các ngành công nghiệp, cung cấp năng lượng, giao thông, nông nghiệp và các tòa nhà.

Hướng tới các nguồn năng lượng phát thải thấp

Báo cáo mới nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giảm mạnh mẽ việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và có liên quan đến nhiều lĩnh vực (năng lượng, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp), kể cả lối sống của con người, các phương thức tiêu dùng và sản xuất, với các đường hướng, nhịp độ triển khai các biện pháp…

Nhà kinh tế học, đồng tác giả báo cáo Celine Guivarch nhấn mạnh, đây là sự chuyển đổi quy mô lớn của toàn bộ các hệ thống. Điểm nhấn chính là loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong nền kinh tế toàn cầu và hướng tới các nguồn năng lượng phát thải thấp hoặc không phát thải, như năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân và hydro. 

Việc năng lượng tái tạo giờ đây còn rẻ hơn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch tại một số thị trường sẽ hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi này. Ngoài ra, IPCC cũng chỉ ra một số biện pháp giúp giảm nhu cầu dầu mỏ, khí đốt và than đá như xây dựng các tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Trong hơn 10 năm qua, ít nhất 18 quốc gia đã duy trì việc giảm phát thải CO2 dựa trên sản xuất và tiêu thụ. Đến năm 2020, hơn 20% lượng phát thải KNK toàn cầu đã được chi trả thông qua thuế carbon hoặc hệ thống mua bán khí thải. Mặc dù vậy, mức độ bao phủ và giá cả không đủ để thúc đẩy mức giảm sâu hơn.

Năng lượng gió và năng lượng mặt trời rẻ, sạch, an toàn và có thể mở rộng và sẽ là xương sống của hệ thống điện trong tương lai. Nhưng hiện tại, các chính phủ đang không hành động với mức độ khẩn cấp cần thiết. Sự phát triển kỷ lục của điện gió và điện mặt trời cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng. Giờ đây, thế giới cần tiếp tục phá vỡ các kỷ lục để đạt được 100% điện sạch càng nhanh càng tốt.

Tăng trưởng kinh tế chậm để bảo vệ Trái Đất 

Theo báo cáo, nếu tình trạng ấm lên ở mức 2 độ C sẽ đòi hỏi các hành động hạn chế tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 1,3% đến 2,7% vào năm 2050.

IPCC khuyến nghị một số biện pháp có thể giúp giảm 40-70% lượng phát thải carbon vào năm 2050, như cắt giảm các chuyến bay đường dài, thúc đẩy chế độ ăn dựa trên thực vật, xây dựng các tòa nhà có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, cắt giảm nhu cầu năng lượng…

Báo cáo cho biết những nỗ lực “giảm thiểu từ phía cầu” như vậy có thể làm giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu trong một số lĩnh vực lên tới 70% vào năm 2050.

Trung bình một đơn vị năng lượng mặt trời hiện có giá thấp hơn 85% so với năm 2010, trong khi năng lượng gió hiện rẻ hơn 55%. Giá thành của pin lithium-ion, được sử dụng trong xe điện, cũng giảm mạnh.

Ở một số quốc gia, các chính sách đã dẫn đến việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và xe điện, hoặc làm chậm tốc độ phá rừng.

Báo cáo cũng xem xét cách thức các công cụ quản lý và thị trường có thể giúp kích thích sự đổi mới và cạnh tranh công nghệ, đây là hai chiến lược để thúc đẩy các biện pháp khuyến khích nhằm cắt giảm lượng khí thải. Thí dụ, loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và áp dụng định giá carbon sẽ hướng đầu tư nhiều hơn vào các giải pháp tái tạo.

Trao đổi về vấn đề này, ông Laurence Tubiana, Giám đốc điều hành, Tổ chức Khí hậu Châu Âu, cho rằng, “Báo cáo mới nhất của IPCC nêu rõ rằng cách nhanh nhất mà các chính phủ có thể đảm bảo an ninh năng lượng và cắt giảm chi phí là đầu tư vào năng lượng sạch và dịch chuyển khỏi các tài sản nhiên liệu hóa thạch. Cơ sở hạ tầng khí đốt, dầu mỏ và than mới sẽ không chỉ làm tăng thêm thiệt hại khắc nghiệt về khí hậu mà chúng ta đã phải đối mặt mà còn tạo ra vòng xoáy địa chính trị đáng sợ của nhiên liệu hóa thạch, vốn thường có liên quan đến căng thẳng, xung đột và biến động kinh tế vĩ mô”.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: ‘Bây giờ hoặc không bao giờ’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững
Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, bảo vệ môi trường chính là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế xã hội bền vững. Khi kinh tế xã hội phát triển giúp chúng ta có đủ điều kiện để đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.