Thứ bảy, 23/11/2024 03:21 (GMT+7)
Thứ năm, 17/02/2022 14:00 (GMT+7)

Lạng Sơn: Đường dây nóng xử lý thông tin môi trường chính thức kích hoạt

Theo dõi KTMT trên

Đường dây nóng là kênh thông tin hữu ích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phản ánh các hành vi gây ô nhiễm môi trường, giúp cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nắm bắt, phát hiện kịp thời các điểm nóng về môi trường.

Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản số 482/VP-KT, thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Trọng Quỳnh về việc thực hiện nội dung Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường.

Theo đó, tỉnh Lạng Sơn giao Sở TN&MT chỉ đạo thực hiện thiết lập, cập nhật số điện thoại và thư điện tử đường dây nóng cấp tỉnh (không sử dụng điện thoại và thư điện tử cá nhân cho đường dây nóng) đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 174/QĐ-BTNMT ngày 24/01/2022 của Bộ TN&MT; phối hợp với cơ quan liên quan tiếp nhận, vận hành và hướng dẫn sử dụng hiệu quả Hệ thống thông tin nhằm quản lý thống nhất thông tin, dữ liệu liên quan đến đường dây nóng.

Lạng Sơn: Đường dây nóng xử lý thông tin môi trường chính thức kích hoạt - Ảnh 1
Phát hiện ô nhiễm môi trường, hãy gọi ngay vào đường dây nóng. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, bố trí cán bộ tổ chức vận hành hệ thống đường dây nóng cấp tỉnh, phối hợp thực hiện các nội dung của Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường; hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thiết lập, vận hành, quản lý đường dây nóng cấp huyện, xã, đồng thời tổ chức tuyên truyền và công khai kết quả hoạt động của đường dây nóng trên địa bàn.

Ông Quỳnh cũng giao UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế chỉ đạo thiết lập, cập nhật số điện thoại và thư điện tử đường dây nóng tối thiểu (không sử dụng điện thoại và thư điện tử cá nhân cho đường dây nóng), bố trí cán bộ, phân công lãnh đạo UBND huyện chịu trách nhiệm tổ chức vận hành hệ thống đường dây nóng; phối hợp với Sở TN&MT tổ chức thực hiện các nội dung của Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường.
Tại các địa phương khác áp dụng đường dây nóng trong vấn đề môi trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 
 Việc tổ chức thiết lập, vận hành đường dây nóng từ Trung ương đến địa phương cơ bản đã đáp ứng mục đích, yêu cầu đặt ra tại Chỉ thị số 03/CT-BTNMT. Hệ thống đường dây nóng đã được thiết lập, vận hành từ Trung ương đến toàn bộ 63 Sở TN&MT ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, dần được mở rộng đến cấp huyện, cấp xã ở một số địa phương. Hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin được phản ánh qua đường dây nóng về ô nhiễm môi trường ngày càng được nâng cao, thể hiện ở tỷ lệ các vụ việc được xác minh, xử lý tăng dần theo thời gian, năm sau đạt kết quả cao hơn năm trước.

Qua một thời gian hoạt động, hệ thống đường dây nóng đã được sự quan tâm, vào cuộc của các tổ chức, cá nhân; tạo bước chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT các cấp, từ trung ương đến cấp huyện, xã; phát huy hơn nữa vai trò người dân đối với công tác bảo vệ môi trường, nhất là các vấn đề môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân như rác thải, nước thải, khí thải, tiếng ồn.

Bên cạnh đó, hoạt động của đường dây nóng cũng đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là các cơ sở, hộ gia đình sản xuất được phản ánh qua đường dây nóng (tỷ lệ các vụ việc được phản ánh và phản ánh nhiều lần qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường giảm dần theo các năm). Thông qua công tác theo dõi đường dây nóng cho thấy: các vấn đề nóng về ô nhiễm môi trường có chiều hướng giảm dần; ý thức, trách nhiệm và xử lý vấn đề môi trường từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân được tăng lên đáng kể; đặc biệt lòng tin của người dân đối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trong việc giải quyết các bức xúc, ô nhiễm môi trường sống được tăng lên đáng kể trong những năm qua.

Lạng Sơn: Đường dây nóng xử lý thông tin môi trường chính thức kích hoạt - Ảnh 2
Việc triển khai thực hiện đường dây nóng vẫn còn một số hạn chế. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đường dây nóng vẫn còn một số hạn chế như: hệ thống đường dây nóng được thiết lập tại các địa phương chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất đầu mối. Nhiều Sở TN&MT thiết lập nhiều số điện thoại, email khác nhau, gồm cả điện thoại, email của cá nhân và cơ quan để tiếp nhận, xử lý thông tin mà chưa có đường dây nóng ổn định, thống nhất để tiếp nhận thông tin phản ánh riêng cho lĩnh vực môi trường; sự phân công đầu mối chịu trách nhiệm vận hành đường dây nóng còn khác nhau giữa các Sở TN&MT (Văn phòng Sở hoặc Thanh tra Sở hoặc Chi cục Bảo vệ môi trường).

Đa số các vụ việc sau khi tiếp nhận được thông tin, Sở TN&MT thực hiện chuyển thông tin đến các đơn vị chuyên môn xác minh hoặc chuyển thông tin bằng văn bản đến UBND cấp huyện xác minh; một số trường hợp UBND cấp huyện tiếp tục giao UBND cấp xã xác minh bằng văn bản (do chưa có hệ thống đường dây nóng cấp huyện và cấp xã) dẫn đến việc xác minh, xử lý thông tin, vụ việc còn mất nhiều thời gian hoặc khi đến hiện trường để xác minh, xử lý vụ việc thì không còn dấu vết, chứng cứ hoặc hành vi gây ô nhiễm môi trường đã gây ra hậu quả tiêu cực đối với môi trường.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Lạng Sơn: Đường dây nóng xử lý thông tin môi trường chính thức kích hoạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới