Bộ trưởng Bộ NN&MT: Cần coi việc Mỹ áp thuế 46% vừa là khó khăn thách thức cũng là cơ hội
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Đỗ Đức Duy đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần coi việc Mỹ áp thuế 46% vừa là khó khăn thách thức cũng là cơ hội để tái cơ cấu sản xuất…
Ngày 7/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đã tổ chức cuộc họp với các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản để thảo luận về việc Mỹ dự kiến áp mức thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam.
Hiện nay, thị trường Mỹ chiếm khoảng 22% tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Nếu mức thuế này chính thức có hiệu lực vào ngày 9/4, ngành xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, dù khó khăn là không thể tránh khỏi, các doanh nghiệp cần giữ vững sự bình tĩnh, linh hoạt và tuân theo chỉ đạo của Chính phủ. Ông cũng khẳng định Việt Nam đang nỗ lực đàm phán với Mỹ để tìm giải pháp giảm thuế, nhưng đồng thời phải chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó nếu chính sách này vẫn được thực thi.

Ngoài các biện pháp chung của Chính phủ, Bộ trưởng đề nghị hiệp hội và doanh nghiệp chủ động đàm phán với đối tác Mỹ nhằm đạt được tiếng nói chung với chính quyền nước này. Người đứng đầu Bộ TN&MT đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần coi việc Mỹ áp thuế 46% vừa là khó khăn thách thức cũng là cơ hội để tái cơ cấu sản xuất, ngành hàng, cơ cấu lại thị trường, trong đó tăng cường chế biến sâu, tìm kiếm các thị trường mới.
Bộ NN&MT cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp và hiệp hội trong việc tìm kiếm thị trường thay thế, đồng thời sẽ kiến nghị Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ tài chính, giãn nợ, khoanh nợ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực nếu Mỹ không điều chỉnh chính sách thuế.
Theo ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Mỹ trong những năm qua luôn vượt mức 13 tỷ USD, với xuất siêu trên 10 tỷ USD mỗi năm. Riêng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 14,31 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2023, trong khi nhập khẩu từ Mỹ đạt 3,44 tỷ USD.
Trong quý I năm 2025, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 3,21 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, còn nhập khẩu từ Mỹ đạt 914 triệu USD, tăng 7,1%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn gồm gỗ, tiêu, điều, thủy sản, cà phê và rau quả.
Ông Phong nhận định, việc Mỹ áp thuế 10% lên tất cả mặt hàng nhập khẩu sẽ tác động mạnh đến cán cân thương mại hai nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu nông lâm thủy sản và tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2025.
Về giải pháp ứng phó, ông đề xuất đẩy nhanh tiến độ giao hàng trước ngày 9/4, đồng thời trong 1-3 tháng tới, các doanh nghiệp cần điều chỉnh linh hoạt để giảm thiểu ảnh hưởng. Các đơn vị cũng cần xem xét các nội dung phía Mỹ quan ngại, đặc biệt là kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ, tránh tình trạng bị nghi gian lận xuất xứ từ Trung Quốc.
Về dài hạn, Việt Nam cần chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam như Trung Quốc và châu Âu. Theo đề xuất, gỗ và sản phẩm gỗ sẽ hướng đến Nhật Bản, Trung Quốc, EU; thủy sản đến Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc; hạt điều xuất sang EU, Trung Quốc, UAE, Anh; hạt tiêu hướng đến EU, UAE, Ấn Độ, Trung Quốc; rau quả đến Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, ASEAN; cà phê xuất khẩu sang Đức, Ý và Nhật Bản.
Về thứ tự ưu tiên chuyển hướng mà Cục đưa ra với từng sản phẩm là: gỗ và sản phẩm gỗ hướng đến Nhật Bản, Trung Quốc, EU; thủy sản hướng đến Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc; hạt điều hướng đến EU, Trung Quốc, UAE, Anh; hạt tiêu hướng đến EU, UAE, Ấn Độ, Trung Quốc; rau quả hướng đến Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, ASEAN; cà phê hướng đến Đức, Italia và Nhật Bản.
H.A