Thứ năm, 12/12/2024 08:52 (GMT+7)
Thứ bảy, 22/01/2022 09:00 (GMT+7)

Sau khi hết hạn, pin năng lượng mặt trời có gây ô nhiễm môi trường?

Theo dõi KTMT trên

Pin năng lượng mặt trời thải bỏ nếu chôn lấp không đúng quy định thì có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng hoặc phát sinh khí thải độc hại có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người trong trường hợp xảy ra cháy.

Pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng có gây ô nhiễm môi trường không và xử lý như thế nào? Theo đó, các ngành chức năng nên có báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với sản phẩm này?

Trả lời:

Theo Pháp luật hiện hành quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng pin năng lượng mặt trời phải thực hiện quy định về trách nhiệm của chủ nguồn thải quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

Sau khi hết hạn, pin năng lượng mặt trời có gây ô nhiễm môi trường? - Ảnh 1
Pin mặt trời thuộc sản phẩm phải thực hiện thu hồi, tái chế đối với các nhà sản xuất, nhập khẩu. (Ảnh minh họa)

Tại Điều 7, Điều 16 và Điều 30 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP có quy định rõ trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt và trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường. Riêng đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng chất thải nguy hại phải báo cáo và quản lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, các chủ nguồn thải có trách nhiệm thực hiện phân định và phân loại tấm pin năng lượng mặt trời quy định tại Mục 3 của QCVN 07:2009/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại để quản lý cho phù hợp như tái sử dụng, tái chế, xử lý hoặc chuyển giao cho các cơ sở có chức năng phù hợp để tái chế, xử lý theo đúng quy định.

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khẳng định, nếu sau khi những tấm pin quang điện thải loại ra, mang đi chôn lấp không đúng quy định, các thành phần hóa học có trong những tấm pin này sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng hoặc phát sinh khí thải độc hại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Trong khi đó, việc thu hồi và xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn, hư hỏng lại chưa được quan tâm.

Thời gian gần đây, do nhu cầu sử dụng điện năng lớn nên đã có nhiều dự án điện năng lượng mặt trời được triển khai tại khu vực miền Trung và miền Nam nước ta.

Được biết, tấm pin năng lượng mặt trời thực chất là sản phẩm có chức năng hấp thu năng lượng từ ánh sáng mặt trời (quang năng) và chuyển hóa thành điện năng, khác về tính chất với các loại pin, ắc quy khác là có chức năng tích điện. Do vậy, tấm pin năng lượng mặt trời thải không thuộc các loại pin, ắc quy thải có mã số CTNH 19 06 01, 19 06 02, 19 06 04 và 19 06 05 được quy định tại Thông tư số 36/2015/TT- 58 BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại và không thuộc danh mục sản phẩm thải bỏ quy định tại Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Để có cơ sở pháp lý đảm bảo việc xử lý pin mặt trời thải bỏ, Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, đưa sản phẩm tấm pin mặt trời vào danh mục các sản phẩm mà các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện thu hồi, tái chế tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vừa mới được ban hành.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khẳng định tấm thu năng lượng mặt trời có tỉ lệ tái chế rất cao. Trong đó, vật liệu thu hồi có giá trị lớn nhất là Bạc (Ag), tuy trọng lượng không nhiều nhưng tỉ lệ trong giá thành là trên 50%. Vì vậy, cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế tấm thu năng lượng mặt trời ở Việt Nam. 

Đối với chất thải năng lượng mặt trời, nếu các vật liệu này có thể được thu hồi một cách hiệu quả sẽ có giá trị ước tính lên đến 15 tỉ USD (11,2 tỉ bảng Anh) và có thể tạo ra 2 tỉ tấm pin mặt trời mới. Không chỉ có lợi ích tài chính, 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính có liên quan đến việc khai thác, sản xuất và sử dụng hàng hóa. Nếu thế giới không hành động bằng cách giảm thiểu khai thác vật liệu từ Trái Đất, con người sẽ không thể đối phó với biến đổi khí hậu.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Sau khi hết hạn, pin năng lượng mặt trời có gây ô nhiễm môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới