Thứ sáu, 22/11/2024 22:50 (GMT+7)
Thứ bảy, 27/06/2020 06:00 (GMT+7)

Những áp lực đối với tài nguyên và bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Cách thức phát triển kinh tế truyền thống thường đặt ra bài toán phải đánh đổi giữa lợi ích kinh tế và môi trường.

Đó là cách thức của mô hình kinh tế tuyến tính, dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, và cuối cùng là thải bỏ ra môi trường. Đây là nguyên nhân dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng chất thải gây ô nhiễm môi trường, suy giảm kinh tế, nguy cơ bất ổn chính trị.

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là sự thay đổi cách tiếp cận phát triển mới, nhằm duy trì, phục hồi và tái tạo tài nguyên thiên nhiên, chất thải được sử dụng lại cho hoạt động sản xuất, kinh tế chẳng những không suy giảm mà còn phát triển tốt hơn.

Bài viết này bàn về những áp lực khan hiếm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trên thế giới và ở Việt Nam, để giải quyết những áp lực này cần phải dựa vào cách tiếp cận mới là thực hiện KTTH, chúng tôi cho rằng đây là cách tiếp cận phù hợp để giải quyết đồng thời cho các vấn đề suy giảm tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Những áp lực đối với tài nguyên và bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ suy giảm diện tích rừng nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

Những áp lực đối với tài nguyên và bảo vệ môi trường

Trong nhiều năm qua, những nỗ lực phát triển kinh tế đã khiến áp lực ngày càng lớn hơn đối với các vấn đề về suy giảm tài nguyên và gia tăng lượng thải. Thật vậy, về tài nguyên, so với 50 năm trước, tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của thế giới đã tăng 190%. Mạng lưới GFN ước tính nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế của con người hiện nay đã gấp 1,7 lần khả năng đáp ứng của trái đất. Vì thế, nếu không thay đổi cách thức phát triển, việc cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ngay cả với các tài nguyên có thể tái tạo, là không thể tránh khỏi.

Về rác thải, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tính từ nay đến năm 2050, tổng lượng chất thải rắn ở các đô thị trên toàn thế giới sẽ tăng thêm khoảng 70%. Đặc biệt, nếu không có các biện pháp can thiệp hiệu quả, tới năm 2050, tổng khối lượng rác thải nhựa trôi nổi trên các đại dương sẽ vượt qua tổng khối lượng cá sinh sống.

Ngoài ra, cần kể tới các vấn đề như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, suy thoái đất, mất rừng, suy giảm đa dạng sinh học, gia tăng phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu diễn ra với quy mô toàn cầu. Những vấn đề trên đã đặt ra yêu cầu cấp thiết của sự thay đổi.

Những áp lực đối với tài nguyên và bảo vệ môi trường - Ảnh 2
Hình 1: Việt Nam trở thành nước nhập khẩu ròng than kể từ năm 2015. (Nguồn: Theo nguồn số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế - IEA)

Đối với Việt Nam, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những áp lực rất lớn của suy giảm tài nguyên và gia tăng lượng thải, cụ thể có thể kể tới các vấn đề sau:

Tiêu thụ năng lượng tăng nhanh và suy giảm tài nguyên: Tiêu thụ năng lượng của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây tăng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP. Kể từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu ròng năng lượng. Nhiều tài nguyên hiện đang suy giảm nghiêm trọng, tiêu biểu là than đá (Hình 1).

Từ một nước vẫn tự hào về xuất khẩu than, Việt Nam bắt đầu phải nhập than từ năm 2001 và đến năm 2015 đã trở thành nước nhập khẩu ròng than (lượng nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu). Dự báo tới năm 2030, nước ta có thể phải nhập khẩu tới 100 triệu tấn than mỗi năm.

Những áp lực đối với tài nguyên và bảo vệ môi trường - Ảnh 3
Hình 2: Các nhóm hàng nhập khẩu có mức tăng về giá trị lớn nhất trong năm 2018. (Nguồn: Báo cáo của Tổng cục hải quan 2019)

Ngoài than đá, Việt Nam còn phải liên tục tăng nhập khẩu dầu thô, thậm chí sắt thép, các kim loại thường, chất dẻo nguyên liệu, nguyên phụ liệu cho dệt may và da giày (Hình 2). Rõ ràng, các tài nguyên của chúng ta đang suy giảm nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế trong nước.

Phát thải tăng nhanh, tái sử dụng, tái chế còn hạn chế: Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2009, chất thải rắn thông thường phát sinh khoảng 28 triệu tấn/năm. Năm 2015, chất thải rắn phát sinh là 35,7 triệu tấn. Trên phạm vi toàn quốc, chất thải rắn phát sinh ngày càng tăng với tốc độ gia tăng khoảng 10% mỗi năm và còn tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới cả về lượng và mức độ độc hại.

Riêng đối với chất thải rắn sinh hoạt đô thị, ước tính phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2017). Lượng chất thải rắn đô thị luôn tăng ở mức cao, từ 10-16% mỗi năm. Chất thải rắn đô thị của Việt Nam năm 2016 là 11,6 triệu tấn, dự đoán năm 2030 là 15,9 triệu tấn, tăng 38% so với năm 2016 (World Bank, 2018). Đặc biệt, mặc dù chỉ là một quốc gia nhỏ xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines.

Đặc biệt cho đến nay, vấn đề phân loại rác tại nguồn vẫn chưa được triển khai mở rộng. Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp lộ thiên hoặc lò đốt chất thải. Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được giảm thiểu hoặc tái chế tại các cơ sở xử lý đạt khoảng 42%. Chất thải rắn thông thường từ hoạt động công nghiệp, y tế hầu hết được thu gom, tự xử lý tại cơ sở hoặc thông qua công ty môi trường đô thị. Đối với chất thải nguy hại, công tác quản lý đã được quan tâm đầu tư với khối lượng chất thải nguy hại được thu gom, xử lý tăng qua từng năm, tuy nhiên tỉ lệ vẫn còn thấp (khoảng 40%). Vấn đề quản lý, đầu tư cho công nghệ xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải nguy hại nói riêng chưa có nhiều cải thiện so với giai đoạn trước.

Những áp lực đối với tài nguyên và bảo vệ môi trường - Ảnh 4
Hình 3: Sản lượng giấy của Việt Nam từ năm 1995 đến năm 2015. (Nguồn: Niên giám thống kê, 2017)

Một số ngành được coi là có khả năng tái chế cao như ngành giấy, trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế ở chính khía cạnh này. Hình 3 cho thấy sản lượng giấy của Việt Nam tăng lên không ngừng theo thời gian, đặc biệt là giai đoạn sau năm 2007 – khi Việt Nam bắt đầu gia nhập tổ chức Thương mại thế giới.

Tuy nhiên, báo cáo ngành giấy Việt Nam 2016 cho thấy, tỉ lệ giấy đã sử dụng thu hồi được so với tổng lượng giấy tiêu dùng chỉ ở mức khoảng 25%, rất thấp so với các nước trong khu vực. Các cơ sở sản xuất quy mô lớn có tâm lý chuộng mua giấy thu hồi nhập khẩu vì nhắm tới hiệu quả cao hơn về thời gian và chi phí vì có hóa đơn giá trị gia tăng khi nhập hàng.

Trong khi đó, cách hợp thức hóa trong chi phí sản xuất đối với việc mua giấy loại thu gom trong nước phức tạp khiến công tác thu hồi giấy trong nước không có tiến triển. Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, gần 70% sản lượng giấy hiện nay được sản xuất từ nguyên liệu tái chế. Điều đó đồng nghĩa, ngành giấy của Việt Nam đang hoạt động như một ngành tái chế quy mô lớn. Đáng lưu ý, ngành giấy Việt Nam đang rơi vào tình trạng nhập khẩu giấy phế liệu từ nước ngoài với tỉ lệ bình quân từ 30-45% tổng khối lượng giấy phế liệu dùng để sản xuất bột giấy trong nhiều năm qua. Mặt khác, nguồn giấy này ở trong nước chưa được thu hồi hết và phải tốn nhiều chi phí xử lý rác thải hằng năm.

Theo Tạp chí Công nghiệp Giấy, từ năm 2000 đến nay, tỉ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng của Việt Nam dưới 30%. Trong khi đó, tỉ lệ này rất cao ở nhiều nước khác như Mỹ đạt tỉ lệ 87%, Nhật 74%, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia đều có tỉ lệ thu hồi trên 60%. Thực tế trên cho thấy thị trường giấy phế liệu nội địa còn rất nhiều tiềm năng nhưng lại chưa được khai thác hợp lý. Nếu tỉ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng của Việt Nam có thể tăng lên gấp đôi thì không những không cần nhập khẩu giấy phế liệu, mà còn có thể thay thế một phần các nguồn nguyên liệu khác như gỗ, đay...

Những áp lực đối với tài nguyên và bảo vệ môi trường - Ảnh 5
Hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động thu gom vật liệu tái chế chậm phát triển và chưa có chính sách khuyến khích hoạt động thu gom và tái chế. (Ảnh minh họa)

Lý do chính cho việc các doanh nghiệp Việt Nam ít thu gom giấy phế liệu trong nước có thể đến từ việc chưa có quy định và tiêu chuẩn cho công nghiệp tái chế ở Việt Nam, hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động thu gom vật liệu tái chế chậm phát triển và chưa có chính sách khuyến khích hoạt động thu gom và tái chế. Đơn cử, chính sách liên quan đến việc mua trong nước hay ngoài nước còn chưa hợp lý.

Cụ thể, nếu nhập khẩu giấy phế liệu thì thuế suất của hàng hóa nhập khẩu là 0%, được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào vì có hóa đơn mua hàng. Trong khi đó, doanh nghiệp thu gom giấy phế liệu trong nước chỉ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào nếu có hóa đơn. Và rất dễ hiểu, hóa đơn cho nguồn giấy phế liệu vốn được thu gom từ những người mua ve chai đơn lẻ là gần như không thể. Chính vì vậy mà nhiều doanh nghiệp chọn hình thức nhập khẩu. Hơn nữa, giấy phế liệu nhập từ nước ngoài đã được phân loại và đóng kiện sẵn, doanh nghiệp chỉ cần nhập về rồi đưa vào sản xuất mà không phải phân loại.

Ô nhiễm môi trường gây thiệt hại nghiêm trọng: Theo World Bank, chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP của năm 2013. Ô nhiễm nước cũng có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP vào năm 2035. Đó là còn chưa kể đến ô nhiễm đất, và suy thoái đất đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, vốn là nghề truyền thống bao năm qua của phần lớn người dân Việt Nam. Đặc biệt, các sự cố môi trường từ việc xả thải của các nhà máy, như các vụ việc của nhà máy Vedan, công ty Formosa Vũng Áng, công ty cổ phần mía đường Hòa Bình,… gây thiệt hại lớn tới toàn hệ sinh thái.

PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh, TS.Nguyễn Hoàng Nam - Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

(Còn nữa)

Bài tiếp: Giải pháp cho vấn đề khan hiếm tài nguyên và bảo vệ môi trường

Bạn đang đọc bài viết Những áp lực đối với tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới