Thứ sáu, 22/11/2024 08:51 (GMT+7)
Thứ hai, 09/03/2020 16:00 (GMT+7)

Biến chất thải thành tài nguyên, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn

Theo dõi KTMT trên

Lâu nay, chúng ta vẫn tồn tại quan niệm, chất thải là thứ bỏ đi, không còn giá trị sử dụng. Đã đến lúc, Việt Nam cần thay đổi cách ứng xử với chất thải, tận dụng lợi ích của chất thải để giảm gánh nặng xử lý, đồng thời, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường.

“Tài nguyên” chất thải dồi dào

Sự gia tăng dân số nhanh chóng và tăng trưởng các ngành kinh tế công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp và làng nghề, y tế và du lịch đã làm phát sinh chất thải ngày càng lớn với thành phần ngày càng phức tạp.

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh tại khu vực nông thôn là 24.000 tấn/ngày.

Lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh hàng năm khoảng 25 triệu tấn, đặc biệt, tại các khu vực có hoạt động công nghiệp phát triển mạnh như Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương... Chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ các ngành như sản xuất giấy, nhiệt điện than, hóa chất, phân bón.... Đối với chất thải nguy hại, lượng phát sinh trên toàn quốc ước tính khoảng 800.000 tấn/năm.

Tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế vào khoảng 450 tấn/ngày, trong đó, có khoảng 47 tấn/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại.

Lượng chất thải rắn từ hoạt động nông nghiệp phát sinh ước tính khoảng hơn 14.000 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi.

Với lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng gia tăng như vậy, cần có biện pháp quản lý đồng bộ từ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy, trong đó, việc xây dựng chính sách để có biện pháp, chính sách để biến chất thải thành tài nguyên lả rất cần thiết.

Biến chất thải thành tài nguyên, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 61.000 tấn/ngày.

Điểm mới của dự thảo Luật

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã thể hiện nhiều nội dung với mục đích biến chất thải thành tài nguyên.

Đó là đưa ra quy định chất thải phát sinh sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất, được quản lý theo quy định của pháp luật về sản phẩm hàng hóa để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Điều này sẽ thúc đẩy việc tái sử dụng chất thải cho các hoạt động sản xuất khác mà không gặp phải các khó khăn thủ tục trong thời gian qua.

Cùng với đó, dự thảo Luật (sửa đổi) cũng đưa ra yêu cầu chất thải rắn phải được phân loại để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng để tận dụng tài nguyên. Đồng thời, quy định trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu các sản phẩm thải bỏ (như các mặt hàng điện tử, bao bì, …) phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí để thu thu hồi, tái chế các sản phẩm do mình đưa ra thị trường.

Quy định này một mặt sẽ góp phần thu gom, tái chế đúng quy định của pháp luật các sản phẩm thải bỏ, mặt khác, thúc đẩy các nhà sản xuất nghiên cứu để sử dụng các công nghệ, vật liệu mới để đảm bảo chất thải dễ tái chế, giảm thiểu chi phí phải bỏ ra. Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng quy định rõ cơ chế tài chính để thực hiện việc này, trong khi Luật Bảo vệ môi trường 2014 không có quy định rõ nên khó thực hiện.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật mới cũng làm rõ phí bảo vệ môi trường đối với chất thải là tính vào lượng và thông số ô nhiễm thải ra môi trường, qua đó, thúc đẩy các nhà sản xuất giảm thiểu và tái sử dụng chất thải.

Dự thảo Luật hiện đã đưa ra các quy định phân loại chất thải sinh hoạt của hộ gia đình thành chất thải rắn có khả năng tái chế (như giấy, nhựa, kim loại, cao su, nilon, thủy tinh,...); chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, rau, củ, quả, thực phẩm thừa khác); chất thải cồng kềnh và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác. Riêng đối với chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân (pin, bóng đèn huỳnh quang thải, ắc quy chì thải...) được quản lý như đối với chất thải rắn có khả năng tái chế để thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải.

Tống Minh

Bạn đang đọc bài viết Biến chất thải thành tài nguyên, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Thanh niên 9x khởi nghiệp với hoa cẩm cù
Đỗ Văn Phúc (SN 1991) bất ngờ khám phá niềm yêu thích đặc biệt với hoa cẩm cù. Từ đó, anh đã biến đam mê này thành sự nghiệp, gặt hái thành công và tạo ra nguồn thu nhập ổn định tại Bình Phước.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.