Thứ sáu, 26/04/2024 14:45 (GMT+7)
Chủ nhật, 20/06/2021 08:48 (GMT+7)

Kinh tế đạo đức cần được quan tâm đặc biệt

Theo dõi KTMT trên

Theo tinh thần Đức Phật từ xưa đã nói “bắt một con lớn, nuôi hoặc thả hai con bé. Chặt một cây lớn trồng hai cây bé”, có thế mới đảm bảo ổn định và phát triển bền vững môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Xưa nay khi nói về kinh tế, thường nói tới “kinh tế tri thức” theo nghĩa làm kinh tế muốn hiệu quả phải gắn với tri thức. Tri thức ở đây muốn chỉ tới trình độ trong hiểu biết vấn đề và vận dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình kinh tế. Kiến thức càng cao, quản lý tốt, kỹ thuật càng phát triển, hiệu quả kinh tế càng lớn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi khoa học và công nghệ phát triển với tốc độ ngày càng nhanh, quy mô ngày càng rộng thì tri thức khoa học là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Mặt khác, trong nhu cầu phát triển của khoa học, công nghệ..., tri thức trở thành hàng hóa đặc biệt có giá trị trong nền kinh tế thị trường.

Kinh tế đạo đức cần được quan tâm đặc biệt - Ảnh 1
Tiến sĩ Bùi Hữu Dược - Kinh tế đạo đức cần được quan tâm đặc biệt trong xã hội thị trường với toàn cầu hóa hiện nay.

Một nghịch lý, khi chú trọng phát triển tri thức để nâng cao hiệu quả kinh tế, nhưng không quan tâm phát triển đạo đức xã hội tương xứng thì rất nhiều bất cập diễn ra cho cuộc sống con người. Từ thời Đức Phật tại thế đã nhận thức rõ đạo đức có vai trò quan trọng trong đời sống con người và xây dựng xã hội. Đức Phật đã chỉ ra nguyên nhân của nỗi khổ chính là do sự băng hoại đạo đức. Nguồn gốc làm băng hoại đạo đức, làm cho nhân tính của con người bị tha hóa là do tham, sân, si. Lòng tham, sự nóng giận và ngu dốt là nguyên nhân để dẫn tới băng hoại đạo đức, cái căn bản của giá trị làm người. Đức Phật đã chỉ ra để thực sự làm người đúng nghĩa và thoát khỏi khổ đau con người phải biết đoạn tuyệt đi đến xóa bỏ tham, sân, si.

Từ xa xưa, trộm cắp, cướp bóc, chiến tranh để làm giàu trên mạng sống và hạnh phúc của người khác do lòng tham và do vô minh. Kẻ tạo ác không hiểu được nhân quả rất rõ ràng “hại nhân thì nhân hại”. Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển nhưng tri thức đạo đức xã hội phát triển không tương xứng, không hiểu đạo lý “nhân nào quả ấy”, lòng tham của con người dường như trỗi dậy càng lúc mạnh mẽ hơn. Trong tất cả mọi lĩnh vực đạo đức dường như đều có vấn đề, đối với người nông dân vốn thật thà chất phác mà giờ cũng đã “rau hai luống, lợn hai chuồng”, đồ sạch mình ăn, đồ dùng hóa chất không an toàn bán cho người. Lòng ham muốn làm giàu, nhưng thiếu đạo đức, vô minh, họ như không biết “hại nhân, nhân hại”. Ai cũng có lòng tham vậy biết thứ nào sạch, bẩn. Bởi thế, mua quả rất ngon, rất đẹp về chỉ để thắp hương “lừa thần linh và ông bà” mà không dám ăn vì sợ hóa chất. Rồi thịt lợn biến thịt bò, măng ngâm tẩm chất vàng ô... làm ra bán cho người, ai không biết ăn vào sinh bệnh, vừa hại cho sức khỏe vừa tốn kém chi phí cho cá nhân và xã hội. Người biết sản phẩm bẩn không dùng đem bỏ đi, thật mất công, mất của làm ra, mất tiền mua mà phải vứt, thật lãng phí. Nơi khác, vì lòng tham con người khai thác tài nguyên môi trường bừa bãi, cạn kiệt nhằm làm giàu cho mình, không biết tới hại người, ngờ đâu rừng bị phá, sa mạc hóa, nắng thiếu nước khát cháy, mưa bão lũ lụt cuốn trôi hết nhà cửa, mạng có khi không giữ được, hỏi còn đâu của cải. Cả môi trường sống bẩn làm gì có sạch cho riêng ai tự hưởng.

Vậy làm kinh tế, hoạch định kinh tế không chỉ dựa vào phát triển khoa học kỹ thuật để giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, tạo hiệu quả cao, mà còn chú trọng nâng cao giá trị đạo đức, phát triển xã hội ổn định, bền vững, an toàn. Theo tinh thần Đức Phật từ xưa đã nói “bắt một con lớn, nuôi hoặc thả hai con bé. Chặt một cây lớn trồng hai cây bé”, có thế mới đảm bảo ổn định và phát triển bền vững môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Chống lãng phí bằng tiết kiệm và tôn trọng sự sống. Đạo đức ấy rất cần được khuyến khích để phát triển mọi mặt xã hội. Phát triển đạo đức tham gia vào quá trình phát triển kinh tế bền vững, góp phần phát triển xã hội ổn định tốt đẹp chính là một loại kinh tế, “kinh tế đạo đức”.

Trong phát triển xã hội và kinh tế thì đạo đức trở thành một bộ phận quan trọng trong kinh tế, “kinh tế đạo đức” để phát triển xã hội và kinh tế hiệu quả, bền vững, ổn định. Kinh tế đạo đức cần được quan tâm đặc biệt trong xã hội thị trường với toàn cầu hóa hiện nay. Đối với kinh tế đạo đức, các tôn giáo từ xưa cho tới nay đã và đang tham gia rất tích cực thông qua giáo dục lối sống: Trung thực tiết kiệm và tôn trọng bảo tồn môi trường sinh thái tự nhiên, tôn trọng sự sống của con người và sự sống muôn loài.

Alfred Marshall (1842-1924) là một nhà kinh tế vĩ đại, tác giả cuốn sách trở thành kinh điển: “Những nguyên lý của kinh tế học” (Principles of Economics, xuất bản lần đầu năm 1890). Ông là người triển khai và xây dựng nền tảng lý luận cơ bản cho kinh tế thị trường. Ông cũng nhấn mạnh mặt đạo đức, mặt nhân văn cần có của kinh tế thị trường. Ông cho rằng mỗi cá nhân qua hoạt động kinh tế của mình phải đem lại ân huệ, lợi ích cho nhiều người. Đó là tính vị tha, là tính khoan dung, là tinh thần vì cộng đồng. Thị trường có chất lượng cao là nơi có nhiều người có năng lực làm ra của cải nhưng đồng thời có tấm lòng vị tha. Đó là điều kiện để cố hiệu suất và công bằng trong kinh tế thị trường. Câu nói nổi tiếng của Marshall được người đời truyền tụng là: “(Con người lý tưởng) phải có cái đầu mát lạnh và trái tim nồng ấm (a cool head and a warm heart). Cái đầu mát lạnh để khách quan, khoa học, tăng hiệu suất; nhưng đồng thời phải có trái tim nồng ấm để cảm thông với khó khăn của người khác, luôn có tinh thần vì cộng đồng, vì người khác".

TS. Bùi Hữu Dược

(Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ)

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế đạo đức cần được quan tâm đặc biệt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới