Thứ năm, 26/12/2024 19:45 (GMT+7)
Thứ tư, 12/01/2022 09:04 (GMT+7)

Khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất thế giới

Theo dõi KTMT trên

Ngày 11/1, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố trong "Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2022" rằng cuộc khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất của thế giới trong dài hạn và đại dịch Covid-19 là rủi ro lớn nhất trong trung hạn.

WEF đã tiến hành đánh giá những mối đe dọa lớn nhất ở phạm vi quốc tế về khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của các tác động.

Trong thời gian ngắn hạn (trong vòng 24 tháng tới), báo cáo đã nhận định thời tiết cực đoan là rủi ro lớn nhất trên toàn cầu, tiếp theo là cuộc khủng hoảng sinh kế do COVID-19 và những rủi ro do không hành động về khí hậu.

Báo cáo gần đây của tổ chức từ thiện Christian Aid (Anh) cũng kết luận rằng tổn thất về tài chính do thời tiết cực đoan trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ lên mức kỷ lục, khi lũ lụt tại châu Âu đã gây thiệt hại lên tới 43 tỷ USD, trong khi bão Ida tại Bắc Mỹ và các cơn bão tại châu Á đã lần lượt gây tổn thất ở mức 65 tỷ USD và 24 tỷ USD.

Trong giai đoạn trung hạn (từ năm 2024-2027), WEF đã đưa rủi ro do không hành động về khí hậu lên vị trí đầu tiên, tiếp đó là thời tiết cực đoan và tình trạng suy yếu gắn kết xã hội.

Kết quả khảo sát các nhà phân tích và chuyên gia toàn cầu của WEF cho thấy chỉ có 10% những người được hỏi tin rằng phục hồi toàn cầu sau COVID-19 sẽ tăng tốc trong ngắn hạn và trung hạn.

Mối quan ngại lớn nhất là việc điều chỉnh chính sách không đồng đều nhằm đạt các mục tiêu khí hậu, tình trạng bất bình đẳng trong các biện pháp tiếp cận tài chính và y tế công trong đại dịch.

Các dự báo ngắn hạn và trung hạn trong năm 2022 đều xem trọng các mối đe dọa về môi trường hơn so với báo cáo về rủi ro toàn cầu năm 2021 của WEF.
Nguyên nhân một phần là do việc triển khai thành công công tác tiêm phòng COVID-19 và cơ chế xét nghiệm tại một số quốc gia, qua đó giảm bớt quan ngại về khía cạnh y tế công của đại dịch.

Về dài hạn (từ năm 2027-2032), ngoài rủi ro về khí hậu, WEF cũng nêu bật mối đe dọa về đa dạng sinh học.

Khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất thế giới - Ảnh 1
Thảm họa khí hậu khắp nơi trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Các nhà khoa học đều nhất trí rằng Trái Đất đang có nguy cơ đối mặt với sự kiện sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 nếu thiếu các nỗ lực giúp chấm dứt và đảo ngược các tổn hại về hệ sinh thái.

Trong khi đó, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP 15) hiện đã đi được nửa chặng đường, với việc các quốc gia đã nhất trí về một hiệp định tự nhiên tương tự như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Giám đốc phụ trách vấn đề rủi ro của tập đoàn bảo hiểm Zurich, Peter Giger nhận định cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn là mối đe dọa lớn nhất trong dài hạn mà nhân loại đang đối mặt.

Việc thất bại trong hành động về khí hậu sẽ có nguy cơ khiến Tổng sản phẩm toàn cầu (GDP) giảm 16,7%, trong khi những cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) là vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở ngưỡng 1,5 độ C.

Theo ông, chính phủ và các doanh nghiệp vẫn còn thời gian để hành động để ngăn chặn rủi ro, tiến hành chuyển đổi một cách quyết tâm, toàn diện và sáng tạo để bảo vệ người dân và các nền kinh tế.

Tham gia nghiên cứu trên của WEF có Đại học Oxford, Đại học quốc gia Singapore, Đại học Pennsylvania, Tập đoàn bảo hiểm Zurich, SK Group và Marsh McLennan.

Báo cáo trên được công bố một tuần trước khi WEF chủ trì hội nghị thường niên tại Davos (Thụy Sĩ).

Tuy nhiên, cuối năm ngoái, WEF thông báo hoãn hội nghị thường niên dự kiến diễn ra vào tháng này sang mùa Hè do diễn biến khó lường của dịch COVID-19 liên quan đến biến thể Omicron.

Một vài ví dụ minh họa cho khẳng định này:

Tháng 6 năm 2019: Đợt nắng nóng tháng 6 lớn nhất trong lịch sử châu Âu với nhiệt độ tăng vọt trên 45°C (113°F) đã làm hư hại đường xá, đường sắt gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.

Tháng 7 năm 2018 – tháng 6 năm 2019: Khoảng thời gian 12 tháng ẩm ướt nhất trong lịch sử Mỹ với mọi tiểu bang đều có lượng mưa trên mức trung bình. Điều này đã làm nhiều loại cây trồng tăng trưởng chậm lại đáng kể trong giai đoạn này, làm ảnh hưởng đến năng xuất và giá cả nông sản bị đảo lộn.
Tháng 6 đến tháng 9 năm 2019: Đợt gió mùa ẩm ướt nhất trong 25 năm qua của Ấn Độ, giết chết hơn 1600 người. Những mùa gió mùa khắc nghiệt hơn này cũng đang gây ra sự suy giảm kinh tế của lục địa.

Tháng 8 năm 2019: Cơn bão mạnh thứ hai được ghi nhận đã tàn phá Bahamas, khiến quốc gia này thiệt hại 3,4 tỷ USD.

Tháng 10 năm 2019: Bão Hagibis đổ bộ vào bờ biển Nhật Bản, giết chết 98 người và gây thiệt hại cho nền kinh tế 15 tỷ USD, khiến nó trở thành cơn bão đắt đỏ nhất trong lịch sử. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra đã góp phần vào sự kiện này.

Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2021 là ấn bản thứ 16 thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Báo cáo năm nay là cơ hội để nhìn lại một năm thế giới bị tàn phá bởi đại dịch, suy thoái kinh tế, bất ổn chính trị và cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ. Báo cáo cũng cho biết cách các quốc gia và doanh nghiệp có thể hành động khi đối mặt với những rủi ro này.
Báo cáo rủi ro năm 2021 dựa trên dữ liệu và thông tin chi tiết từ Khảo sát Nhận thức Rủi ro Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Tham gia cuộc khảo sát là hơn 650 thành viên của các cộng đồng lãnh đạo đa dạng của Diễn đàn.
Một trong những cộng đồng đó là Global Shapers – mạng lưới gồm những người trẻ thúc đẩy đối thoại, hành động và thay đổi. Đối với họ, rủi ro liên quan đến khí hậu được coi là “rủi ro dài hạn có khả năng xảy ra nhất và tác động mạnh nhất”. 

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.