Thứ ba, 19/03/2024 09:14 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/10/2020 07:00 (GMT+7)

Không ai làm được một mình

Theo dõi KTMT trên

Những so sánh bắt đầu nảy ra, và như mọi so sánh trên đời vốn luôn khập khiễng, một số “fan cuồng” và những kẻ muốn mượn gió bẻ măng đã đặt hoạt động thiện nguyện của ekip Thuỷ Tiên làm đối trọng để so sánh với những hoạt động cứu trợ khác.

Số tiền mọi người chuyển vào tài khoản của ca sĩ Thuỷ Tiên để ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lụt đã lên đến hơn 100 tỷ đồng. Nếu trung bình mỗi người góp 500.000 đồng, thì đã có tới 200.000 người chung tay quyên tiền gửi ca sĩ Thuỷ Tiên. Số người phải sơ tán vì lũ lụt là hơn 206.000. Như vậy, có thể hình ảnh hoá một cách ấm áp rằng, mỗi nạn dân có thể đã được làm ấm lòng bởi một đồng bào của mình bởi 1 phần quà thiết thực.

Không ai làm được một mình - Ảnh 1
Ca sĩ Thuỷ Tiên đích thân ngồi xuồng tới trao quà cho bà con đang bị bao vây trong rốn lũ Quảng Bình.

Có hàng trăm, hàng nghìn người đã và đang tình nguyện đứng ra quyên góp và chuyển tiền, hàng cứu trợ tới nhân dân miền Trung, mà ca sĩ Thuỷ Tiên là điển hình nổi bật nhất của mùa mưa bão 2020 này. Không phải tự nhiên mà Thuỷ Tiên có được sự tin yêu ấy, thực tế là cô và chồng (cựu danh thủ Nguyễn Công Vinh) đã nhiều lần tham gia các hoạt động thiện nguyện như hỗ trợ hàng trăm công nhân bị chủ nhà máy quỵt lương hoặc mua nước ngọt cho người dân vùng bị hạn mặn ở Tây Nam Bộ. Bởi thế, dù tự phát và có cách chi tiền khá… hồn nhiên, Thuỷ Tiên gần như có được niềm tin tưởng tuyệt đối từ những người uỷ thác. “Thuỷ Tiên cố lên, làm tốt lắm, ủng hộ chị” - họ nói với cô. Và ekip Thuỷ Tiên xắn quần lội vào vùng lũ, mang tiền và hàng cứu trợ chuyển tới tận tay (xin nhấn mạnh là tận tay) từng hộ dân, từng hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ.

Không ai làm được một mình - Ảnh 2
Người dân rất xúc động khi được chân tình an ủi khi vây quanh 4 bề là nước.

Chuyện sẽ rất đẹp, nếu chỉ dừng ở đó.

Nhưng những so sánh bắt đầu nảy ra, và như mọi so sánh trên đời vốn luôn khập khiễng, một số “fan cuồng” và những kẻ muốn mượn gió bẻ măng đã đặt hoạt động thiện nguyện của ekip Thuỷ Tiên làm đối trọng để so sánh với những hoạt động cứu trợ khác.

Một hoa hậu quyên góp 50 triệu đồng và vào tận Quảng Bình để chuyển hàng cứu trợ, nhưng nhiều người so sánh số tiền này với con số… 100 tỷ của Thuỷ Tiên, và xúc phạm rằng “Hoa hậu gì mà keo kiệt”. Cô bật khóc và phân trần: "Với bạn thì ít nhưng với một người nuôi cả gia đình thì nhiều. Đôi lúc thấy chẳng sắm sửa gì cho gia đình mà mẹ cứ muốn mình chia sẻ với cộng đồng nhiều hơn, cứ bảo giúp gia đình từ từ. Không phải dư dả là mới cho mà cho khi mình không có nhiều. Thật sự mình cũng chỉ là con người, các bạn làm mình tổn thương thì mình khóc chứ không cấm các bạn được. Nhưng các bạn làm thế chỉ khiến mình cảm thấy muốn làm gì cũng sợ dư luận. Vậy mình còn làm gì được nữa đây? Đừng ngăn đường tốt mà hãy chặn nếu là xấu thì mới đúng chứ. Mình rất buồn”.

Không ai làm được một mình - Ảnh 3

Tương tự, một ca sĩ nổi tiếng khác khi trao quà cho người dân nhưng không thể có tiền giúp họ sửa lại nhà, cũng bị cư dân mạng chế diễu rằng “giúp đỡ nửa vời, không như chị Thuỷ Tiên”.

Khó hiểu hơn cả, là luồng dư luận so sánh nỗ lực cứu trợ của ekip ca sĩ Thuỷ Tiên với các hoạt động cứu trợ của Chỉnh phủ, các bộ ban ngành và chính quyền địa phương. Họ đặt ra những câu hỏi như: “Vai trò của chính quyền ở đâu?”, “Ủa các ông lãnh đạo đâu rồi?”. Thậm chí họ phủ định sạch trơn “Chả bao giờ thấy các ông chính quyền xuất hiện đúng lúc dân cần” hay “May mà có Thuỷ Tiên không thì dân không biết trông vào đâu”, “Chỉ tin Thuỷ Tiên được thôi”…

Không ai làm được một mình - Ảnh 4

Một số ý kiến ủng hộ ca sĩ Thuỷ Tiên nhưng lại phủ định vai trò của Mặt trận Tổ quốc, cơ quan chức năng nhà nước và không tin vào nguồn trợ cấp Chính phủ?

Chính phủ đã làm gì?

Thủ tướng Chính phủ kịp thời có Quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 5.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 1.000 tấn để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đích thân tới tận vùng rốn lũ Quảng Bình thăm hỏi nhân dân, chỉ đạo Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai rà soát các trang thiết bị, phương tiện để kiểm tra, cứu hộ cứu nạn, tiếp tế lương thực, thực phẩm như thuyền, canô... nếu cần thiết huy động cả trực thăng.

Không ai làm được một mình - Ảnh 5
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi và trao hàng cứu trợ cho nhân dân Quảng Bình.

Các bộ ngành đã làm gì?

Tất cả các bộ và gần như tất cả các tỉnh đã phát động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung.

Quân đội – trong gian khó lại vẫn luôn là những người lính - từ những ngày nước dâng gió giật đầu tiên đã lăn xả vì dân. Chỉ riêng lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành điều động 1.867 lượt cán bộ, chiến sĩ thường trực; 10.794 lượt dân quân cơ động; 264 lượt phương tiện ô tô; 139 lượt tàu xuồng, 9 lượt xe thiết giáp để kịp thời giúp nhân dân di dời đến các địa điểm an toàn và vận chuyển lương thực cứu trợ cho bà con bị ngập lụt trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Thủy sản, tính đến 16 giờ ngày 22-10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 tàu với 289.299 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão số 8.

Không ai làm được một mình - Ảnh 6
 Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968, Quân khu 4 khắc phục hậu quả lũ lụt.

Các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đã làm gì?

Tất cả các hãng hàng không cho đến thời điểm này đều chở hàng miễn phí về các sân bay miền Trung.

Các ngân hàng, tập đoàn bất động sản, chế biến thực phẩm, dệt may, y tế… đều đóng góp tiền, hàng hoá, và cả nhân công của chính họ. Ngay khi viết những dòng này, tôi được biết 1 tập đoàn bất động sản ủng hộ hơn 330 tỷ đồng cho nạn dân miền Trung.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam ngay lập tức phân bổ 100.000 USD để cứu trợ khẩn cấp cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền Trung.

Những con số khổng lồ đó, cá nhân nào làm được?

Khi phủ định sạch trơn bằng một vài câu nói vô cảm, những người này có nghĩ rằng họ đã tàn nhẫn với những người đang xả thân vì đồng bào. Những cán bộ địa phương bỏ lại sau lưng nếp nhà với người thân của mình cũng đang hứng chịu bão lũ, để thực hiện trách nhiệm của công bộc. Những chiến sĩ dầm mình trong nước lạnh, gặm lương khô để người dân an toàn, ấm áp. Và rất nhiều người tình nguyện khác, bằng mọi nỗ lực, đang chung tay kết nối chia sẻ với miền Trung.

Bão lũ sẽ qua đi, sự khó khăn trước mắt còn lớn hơn gấp bội phần, khi hàng trăm nghìn người mất trắng và không thể cứ ăn mỳ gói cứu trợ mà sống đến mùa lũ sang năm. Đồng bào trước mắt cần nước sạch, thuốc men, vật liệu xây dựng, và sau đó là cây con giống, vật tư nông nghiệp. Điện - đường - trường - trạm cần được khôi phục, trẻ em cần có sách vở giấy bút, cần được tiếp tục đến trường. Những bộn bề đó chỉ có thể giải quyết với tất cả nguồn lực của chúng ta, nguồn lực của ngân sách mà tất cả nhân dân đã đóng góp bằng tiền thuế, và cả nguồn lực của sự đoàn kết sẻ chia lá lành đùm lá rách mà cha ông đã truyền lại từ nghìn đời.

Vì thế, hãy trao đi, và hãy tin tưởng. Một bức tranh muốn thấy cả gam màu tươi sáng, thì phải nhìn rộng hơn là một mảng sẫm màu.

Phạm Gia Hiền

Bạn đang đọc bài viết Không ai làm được một mình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới