Khí ozone có thể khử khuẩn bề mặt có virus SARS-CoV-2
Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Tel Aviv (Israel) đã phát hiện khí ozone có thể khử khuẩn bề mặt có virus SARS-CoV-2.
Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Environmental Chemistry Letters, các nhà nghiên cứu nhận thấy hiệu quả sử dụng khí ozone để diệt virus SARS-CoV-2 đạt tới 90% và khí ozone ưu việt hơn các dung dịch khử khuẩn do nó có thể tiếp cận các vị trí khuất hoặc các không gian có nhiều thiết bị.
Việc sử dụng khí ozone cũng được đánh giá là kinh tế hơn, tiết kiệm thời gian, công nghệ sẵn có, theo đó, có thể ứng dụng rộng rãi tại các bệnh viện, trường học, khách sạn, thậm chí trên máy bay.
Lâu nay, khí ozone vẫn được sử dụng để diệt khuẩn và virus trong xử lý nước. Các nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể bám trên các bề mặt hàng giờ, thậm chí hàng ngày, tùy vào điều kiện bề mặt và môi trường. Do đó, khử trùng bề mặt vẫn được coi là một trong các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.
Trước đó, theo RT, một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng đột biến D614G trong protein của virus SARS-CoV-2, hiện diện trong các biến thể từ Anh, Nam Phi, Brazil, có thể đã làm tăng khả năng lây nhiễm của virus lên 8 lần so với chủng ban đầu.
Nghiên cứu mới do Đại học New York (NYU), Trung tâm Gene New York và Bệnh viện Mount Sinai thực hiện. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra sự gia tăng tới 8 lần khả năng lây truyền của chủng mới vì protein đột biến làm cho virus có khả năng phục hồi tốt hơn khi bị phân tách bởi các protein khác trong hệ thống miễn dịch của con người.
Theo nhóm nghiên cứu, rất may là đột biến trong protein không dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, hoặc gia tăng tỉ lệ nhập viện.
Tuy nhiên, nghiên cứu này đặt ra một vấn đề khác về vaccine vì vaccine hiện tại được phát triển dựa trên cấu trúc protein của chủng virus ban đầu ở Vũ Hán.
H. Phương