Thứ bảy, 20/04/2024 17:57 (GMT+7)
Thứ bảy, 19/09/2020 11:39 (GMT+7)

Bảo vệ tầng ozone để Trái đất thêm xanh

Theo dõi KTMT trên

Ánh sáng và nhiệt do Mặt trời mang lại là cần thiết đối với sự sống trên Trái đất, nhưng chúng mang theo những tia tử ngoại gây nhiều tác hại. Do đó, bảo vệ tầng ozone chính là bảo vệ sự sống và con người khỏi tác hại của những tia tử ngoại này.

Ozone có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Trái đất, với môi trường sống và con người. Nhiệm vụ của tầng ozone là hấp thụ các tia cực tím từ bức xạ của mặt trời, không cho chúng chiếu xuống Trái đất, giúp bảo vệ sự sống, ngăn cản được những tác động xấu đến đa dạng sinh học và sự cân bằng sinh thái trên Trái đất.

Tầng ozone là một phần của bầu khí quyển che chắn hành tinh khỏi bức xạ cực tím. Nếu tầng ozone bị thủng, một lượng lớn tia tử ngoại sẽ chiếu thẳng xuống Trái đất. Con người có nguy cơ mắc bệnh ung thư da, thực vật không chịu nổi nhiều tia tử ngoại chiếu vào sẽ bị mất dần khả năng miễn dịch, các sinh vật dưới biển bị tổn thương và chết dần. Bởi vậy, các nước trên thế giới đều rất lo sợ trước hiện tượng thủng tầng ozone.

Tầng ozone được ví như là chiếc “áo giáp” mỏng manh của Trái đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện tầng ozone đang bị thủng và có chỗ mỏng hẳn đi, đe doạ sự sống của con người.

Bảo vệ tầng ozone để Trái đất thêm xanh - Ảnh 1
Tầng ozone bị thủng chính là do các chất khí thuộc dạng freon gây ra, các hóa chất đó không tự có trong thiên nhiên mà do con người tạo ra. (Ảnh minh họa)

Theo nghị định thư Montreal năm 1987, việc phát thải hóa chất làm suy giảm tầng ozone đã giảm đáng kể, nhưng một số nguồn phát thải vẫn lén lút hoạt động. Năm 2018, việc phát thải trái phép đã được phát hiện ở phía Đông Trung Quốc.

Hồi đầu năm 2020, Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus thuộc Trung tâm Dự báo thời tiết châu Âu đã phát hiện một lỗ thủng hiếm gặp ở tầng ozone phía trên Bắc Cực.

Nhiệt độ thấp ở các vùng cực Bắc đã dẫn đến một cơn xoáy cực bất thường, cùng với sự hiện diện của các hóa chất phá hủy tầng ozone như clo và brom trong khí quyển - từ các hoạt động của con người - đã tạo ra lỗ thủng.

Mặc dù lỗ thủng trên Bắc Cực là một sự kiện hiếm gặp, nhưng lỗ thủng lớn hơn nhiều trong tầng ozone ở Nam Cực đang là nguyên nhân chính gây lo ngại trong hơn 4 thập kỷ qua.

Vào tháng 11/2019, kích thước lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực được cho là nhỏ nhất trong 35 năm trở lại đây. Điều này cho thấy sự thành công của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực cắt giảm việc phát thải các chất ô nhiễm có hại.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, tầng ozone có thể phục hồi hoàn toàn. Theo đó, một lỗ hổng tầng ozone phía trên Nam Cực đang lành lại và tạo ra những thay đổi tích cực với luồng gió (dòng tia - jet stream) trên bán cầu Nam, theo nghiên cứu từ Đại học Colorado Boulder.

Nhóm nghiên cứu cho biết điều này một phần là do lệnh cấm các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS) được đưa ra trong những năm 1980.

Trong những thập niên cuối thế kỷ 20, các luồng gió ở bán cầu Nam dần bị dịch chuyển về cực Nam do tầng ozone suy giảm. Điều này khiến mô hình lượng mưa thay đổi và làm các quốc gia như Australia chịu hạn hán nghiêm trọng.

Sự dịch chuyển này dừng lại kể từ năm 2000 và còn có dấu hiệu đảo ngược, cùng thời điểm khi tầng ozone bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, Antara Banerjee, tác giả chính của nghiên cứu cho biết đây khả năng chỉ là sự thay đổi tạm thời vì lượng carbon dioxide đang gia tăng và nhiều ODS đến từ Trung Quốc.

Trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao của quốc gia trong các hoạt động bảo vệ tầng ozone và góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Bảo vệ tầng ozone để Trái đất thêm xanh - Ảnh 2
Việt Nam chú trọng phát triển năng lượng tái tạo để góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone. (Ảnh minh họa)

Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone vào năm 1994. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn được đánh giá là nước thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal. Đặc biệt là không sản xuất các chất làm suy giảm tầng ozone, nhưng có nhập khẩu các chất ODS để phục vụ nhu cầu sản xuất, dịch vụ, chủ yếu trong các lĩnh vực điện lạnh, điều hòa không khí...

Trong đó, Việt Nam hướng phát triển carbon thấp - một xu thế tất yếu trên thế giới - trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống có thể khai thác dựa vào nguồn nhiên liệu hoá thạch sẽ ngày một cạn kiệt. Theo đó, thông qua đầu tư mạnh cho năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, cải thiện hiệu quả sử dụng/tiêu thụ năng lượng không chỉ góp phần giảm lượng thải nhà kính mà sẽ tạo ra nguồn thu nhập, việc làm mới cho nền kinh tế.

Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ tầng ozone thực hiện Công ước Vienna, Nghị định thư Montreal và đạt được nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Cụ thể, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 1/1/2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl Bromide cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu từ ngày 1/1/2015.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ tầng ozone để Trái đất thêm xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới