Nỗ lực cắt giảm khí nhà kính của các quốc gia trên thế giới
Các phân tích của Ủy ban chuyển đổi năng lượng (ETC) cho thấy, để xây dựng một nền kinh tế không carbon vào năm 2050 với chi phí chưa đến 0,5% GDP toàn cầu xét về mặt "kinh tế và kỹ thuật" là hoàn toàn có thể.
Dữ liệu mới nhất cho thấy, nồng độ CO2 trong khí quyển toàn cầu đã tăng lên 30% kể từ khi con người bắt đầu đo đạc, ghi chép dữ liệu về CO2 kể từ năm 1958. Phép đo đầu tiên ghi nhận nồng độ CO2 vào năm 1958 là 315 ppm. Nồng độ CO2 vượt quá 400 ppm lần đầu tiên năm 2013. Trước năm 1800, nồng độ CO2 trung bình trong khí quyển khoảng 280 ppm. Điều này thể hiện ảnh hưởng của khí thải nhân tạo kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.
Theo TTXVN, ngày 16/9, các doanh nghiệp và tổ chức thân thiện môi trường đã công bố kế hoạch cho biết toàn bộ tăng trưởng nguồn cung điện mới trên thế giới có thể từ nguồn năng lượng không carbon.
Cụ thể, biểu đồ của bản kế hoạch đưa thế giới hướng tới nguồn cung năng lượng không carbon vào năm 2050, một trong đề xuất toàn diện nhất cho đến nay vẫn là làm thế nào để kinh tế toàn cầu có thể giảm được lượng khí thải carbon phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, gần 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đề ra mục tiêu giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ Trái Đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết, hiện nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) đang thải ra tới 80% khí gây hiệu ứng nhà kính. Trong đó, Trung Quốc đang là nước phát thải nhiều nhất khí gây hiệu ứng nhà kính, tiếp theo sau là Mỹ, Ấn Độ và các nước châu Âu.
Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí giảm 30% lượng khí thải CO2 từ xe tải và xe buýt mới trước hạn chót năm 2030. (Ảnh minh họa) |
Nhiều nước phấn đấu mục tiêu đưa lượng khí thải CO2 về 0 vào năm 2050
Trong bối cảnh loài người đang xả một lượng khí gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, ngày 23/9/2019, Liên hợp quốc thông báo 66 quốc gia đã cam kết giảm lượng khí thải carbon về bằng 0 vào năm 2050, một mục tiêu then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu trong dài hạn.
Cụ thể, trong một tuyên bố, Văn phòng Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antoniuo Guterres cho biết 66 chính phủ, cùng với 10 khu vực, 102 thành phố, 93 doanh nghiệp và 12 nhà đầu tư đã cam kết giảm lượng khí thải CO2 về bằng 0 vào năm 2050.
Tại Hàn Quốc, hồi tháng 7 vừa qua, Thị trưởng thành phố Seoul Park Won-soon công bố kế hoạch nhằm đưa mức khí thải carbon tại thủ đô của nước này về 0 vào năm 2050, với các biện pháp như cấm xe chạy bằng động cơ đốt trong và giới hạn khí thải tại các tòa nhà lớn.
Kế hoạch này là một phần trong các nỗ lực của thủ đô Seoul để thành phố trở nên xanh hơn. Seoul đặt mục tiêu cắt giảm khí nhà kính 40% vào năm 2030, giảm 70% vào năm 2040 và đến năm 2050 khí phát thải bằng 0.
Theo đó, thành phố Seoul đề xuất Chính phủ chỉ cho phép đăng ký các xe ô tô chạy bằng điện và hydro và bắt đầu cấm các loại xe khác chạy trong "các vùng giao thông xanh" của thành phố vào năm 2035. Thành phố dự định mở rộng kế hoạch này tới tất cả các khu vực của thủ đô vào năm 2050.
Seoul (Hàn Quốc) đặt mục tiêu cắt giảm khí nhà kính 40% vào năm 2030, giảm 70% vào năm 2040 và đến năm 2050 khí phát thải bằng 0. (Ảnh minh họa) |
Tại Anh, quốc gia này cho biết sẽ đưa ra các mục tiêu ràng buộc pháp lý về chất lượng không khí, giảm thiểu chất thải, đa dạng sinh học và nước sạch. Động thái này nhằm chống biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường và tái thiết nền kinh tế.
Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh ngày 19/8 cho biết, Anh đặt mục tiêu cho 4 lĩnh vực: không khí, chất thải, đa dạng sinh học và nước. Tiến độ thực hiện mục tiêu này sẽ được cơ quan giám sát môi trường mới báo cáo hàng năm. Cơ quan này cũng giám sát việc nước Anh tiến tới mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050.
Năm 2019, báo cáo chính phủ Anh cho biết nước này sẽ cần đầu tư hàng tỉ bảng Anh mỗi năm để loại bỏ lượng khí nhà kính đủ đáp ứng mục tiêu nền kinh tế không thải khí carbon vào năm 2050. Cụ thể, Anh cần chi 20 tỉ bảng (khoảng hơn 24 tỉ USD) mỗi năm để loại bỏ tới 130 triệu tấn carbon dioxide trong không khí, theo Guardian. |
Theo Reuters, Anh là nước G7 đầu tiên cam kết thực hiện mục tiêu không phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào tháng 11/2021 sau khi bị trì hoãn trong năm nay do đại dịch Covid-19.
Mới đây nhất, ngày 16/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khối này nên cam kết cắt giảm lượng khí thải nhiều hơn trong thập kỷ tới và cam kết sử dụng trái phiếu xanh để tài trợ cho các mục tiêu khí hậu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu tại Brussels, Bỉ vào ngày 16/9/2020. (Ảnh: Reuters) |
Von der Leyen cho biết EU nên đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, so với mức năm 1990. Mục tiêu phát thải năm 2030 hiện tại của EU là cắt giảm 40% lượng khí thải.
Theo bà Von der Leyen, việc đặt mục tiêu cao hơn sẽ đưa EU “đi đúng hướng” đối với kế hoạch đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và phân tích của Ủy ban châu Âu đã xác nhận việc cắt giảm 55% lượng khí thải là khả thi về mặt kinh tế.
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính
Quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ đã khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng phát khí thải nhà kính nhanh nhất. Lượng CO2 phát thải trên đầu người của Việt Nam cao hơn các nước Đông Nam Á khác và thấp hơn Trung Quốc, Nhật Bản.
Đầu năm 2020, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cam kết hỗ trợ Việt Nam hướng tới đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030 với mức giảm 8% dựa vào nỗ lực của chính Việt Nam và giảm 25% khi có hỗ trợ quốc tế.
Nhiều nước đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo thay thế cho điện than nhằm giảm thiểu khí thải CO2, trong đó có Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Ngày 24/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua nội dung NDC cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại văn bản số 1982/VPCP-QHQT.
NDC cập nhật đã xác định những đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu do Việt Nam cam kết, phù hợp hơn với hiện trạng, dự báo phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đến 2030.
Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris.
Mới đây, Bộ Xây dựng vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2030, trong đó đề ra 4 nhóm nhiệm vụ quan trọng để phát triển các hoạt động của ngành xây dựng theo hướng giảm phát thải khí nhà kính. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, mục tiêu của kế hoạch là thực hiện giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đối với các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển các công trình xây dựng, đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với quốc tế. |
Nguyễn Luận