Thứ bảy, 27/04/2024 04:51 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/10/2020 06:30 (GMT+7)

Bảo vệ tầng Ozone hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Trước sự gia tăng mức độ suy thoái tầng Ozone ảnh hưởng đến đời sống của con người, từ năm 1985 các quốc gia trên thế giới đã ký kết công ước viên bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal nhằm hạn chế các chất làm suy giảm tầng Ozone. 

Như chúng ta đã biết, khí ozone gồm 3 nguyên tử oxy (O3). Hàm lượng khí ozone trong không khí rất thấp, chiếm một phần triệu, chỉ ở độ cao 25 - 30 km trong tầng bình lưu, khí ozone mới đậm đặc (chiếm tỉ lệ 1/100.000 trong khí quyển) hình thành một lớp không khí giàu khí ozone, thường được gọi là tầng ozone.

Ozone có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Trái đất, với môi trường sống và con người. Nhiệm vụ của tầng ozone là hấp thụ các tia cực tím từ bức xạ của mặt trời, không cho chúng chiếu xuống Trái đất, giúp bảo vệ sự sống, ngăn cản được những tác động xấu đến đa dạng sinh học và sự cân bằng sinh thái trên Trái đất.

Vậy điều gì sẽ xẩy ra nếu tầng Ozone bị thủng?

Trong những năm gần đây, do sự phát triển của khoa học công nghệ, sự gia tăng dân số làm gia tăng các áp lực đối với môi trường sống dẫn đến mất cân bằng giữa môi trường và dân số. Thêm vào đó, dịch bệnh ngày càng gia tăng trong mùa nắng nóng, đặc biệt là các bệnh về da, đục thuỷ tinh thể và là mối đe doạ đối với hệ sinh thái và sự sống của con người. Một trong những nguyên nhân gây ra sự thay đó là do sự suy giảm tầng ozone. 

Bảo vệ tầng Ozone hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững - Ảnh 1
Thủng tầng ozone còn gây ra các hiện tượng cháy rừng, các đám cháy không chỉ giết chết các loài động vật mà còn đẩy chúng vào nguy cơ chết đói, mất nước... vì môi trường sống bị phá hủy. (Ảnh: The Guardian)

Và khi tầng ozone bị thủng, hiện tượng tia cực tím chiếu vào Trái Đất tăng sẽ gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, nền nhiệt Trái Đất ngày một nóng lên, bão lũ diễn ra thường xuyên với cường độ ngày càng mạnh.

Bên cạnh đó làm suy giảm sức khỏe con người, phá hủy hệ thống miễn dịch của cơ thể cũng như động vật, gây bệnh về da, ung thư da và các dịch bệnh khác.

Với lỗ thủng tầng ozone gây mất cân bằng hệ sinh thái môi trường, hủy hoại các sinh vật nhỏ, đặc biệt ảnh hưởng tới sinh vật biển. Suy giảm tầng ozone còn khiến tăng lượng bức xạ tia tử ngoại UV đến mặt đất và làm tăng các phản ứng hóa học, khói mù và mưa axit sẽ tăng lên, gây hại đến thực vật và giảm năng suất cây trồng.

Chẳng những thế hậu quả của việc thủng tầng ozone còn gây ra các hiện tượng như cháy rừng, băng tan ở 2 cực, mực nước biển dâng cao, tăng diện tích đất ngập mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái ven biển.

Và thực tế cho thấy tháng 10/1985, các nhà khoa học Anh phát hiện thấy tầng khí ozone trên không trung Nam Cực xuất hiện một lỗ thủng lớn bằng diện tích nước Mỹ. Năm 1987, các nhà khoa học Đức lại phát hiện tầng khí ozone ở vùng trời Bắc Cực có hiện tượng mỏng dần.

Đến năm 2019, tầng ozone tiếp tục bị thủng ở Nam Cực với diện tích nhỏ nhất trong ba thập kỷ qua và đang có sự thu hẹp dần. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Song với tốc độ phát triển của sản xuất công nghiệp, hiện tượng suy giảm tầng ozone sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Những nỗ lực của Việt Nam

Nhận thức rõ nguy cơ nêu trên và quyết tâm chung tay cùng cộng đồng quốc tế hành động để bảo vệ tầng ozone, Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giam tầng ozone từ 1/1994.

Từ đó đến nay, Việt Nam luôn được đánh giá là nước thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal. Đặc biệt là không sản xuất các chất làm suy giảm tầng ozone nhưng có nhập khẩu các chất ODS để phục vụ nhu cầu sản xuất, dịch vụ, chủ yếu trong các lĩnh vực điện lạnh, điều hòa không khí...

Cụ thể, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 1/1/2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl Bromide cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu từ 1/1/2015.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II (2018-2023) nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC thông qua hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, triển khai các hoạt động phối hợp nhằm tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, loại trừ các chất HCFC, nâng cao nhận thức của các ngành, người dân và các bên liên quan về loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam.

Ngày 4/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone. Việc phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, tích cực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước, cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát và loại trừ các chất HFC.

Triển khai thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali loại trừ các chất HFC ở Việt Nam sẽ giúp loại trừ hàng triệu tấn CO2 tương đương, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Theo báo cáo đánh giá năm 2018, cứ mỗi thập kỷ trôi qua tính từ năm 2000, tỷ lệ phục hồi của tầng ozone là 1-3%. Với tỷ lệ phục hồi như vậy, tầng Ozone ở Bắc Bán Cầu sẽ được phục hồi hoàn toàn vào năm 2030. Đến năm 2050, tầng Ozone tại Nam Bán cầu và đến năm 2060 tại những vùng cực Nam bán cầu sẽ được khôi phục hoàn toàn.

Lê Bình

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ tầng Ozone hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới