Băng tan nhanh, loài chim cánh cụt Hoàng đế có thể tuyệt chủng
Với tốc độ gia tăng khí thải carbon ngày càng cao và biến đổi khí hậu hiện nay làm băng trên biển tan nhanh hơn, khiến 98% số chim cánh cụt Hoàng đế có nguy cơ biến mất vào năm 2100.
Biến đổi khí hậu và tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến băng tan với tốc độ chóng mặt. Ước tính 28.000 tỉ tấn băng trên thế giới đã tan chảy kể từ 3 thập kỷ trước, tốc độ tan băng mỗi năm hiện nay nhanh hơn khoảng 57% so với thời điểm đó.
Nghiên cứu mới đây được công bố trên Global Change Biology cho thấy, 98% số chim cánh cụt Hoàng đế có thể biến mất vào năm 2100 với tốc độ gia tăng khí thải carbon và biến đổi khí hậu hiện nay làm băng trên biển tan nhanh hơn. Bởi theo nhà sinh thái học Stephanie Jenouvrier tại viện Hải dương học Woods Hole, vòng đời của chim cánh cụt Hoàng đế gắn liền với băng trên biển.
Theo đó, nghiên cứu đã xem xét xu hướng nóng lên toàn cầu và khả năng các biến động thời tiết khắc nghiệt ngày càng tăng.
Được biết, chim cánh cụt Hoàng đế chỉ sinh sản ở Nam Cực trong mùa đông. Chúng có thể chịu đựng nhiệt độ âm 40 độ C và vận tốc gió lên tới 144 km/giờ bằng cách tụ tập thành từng đàn hàng nghìn con. Nhưng loài chim này sẽ không thể tồn tại nếu không có đủ băng biển.
Năm 2016, một đàn chim cánh cụt Hoàng đế ở vịnh Halley, Nam Cực, đã sinh sản thất bại do có quá ít băng trong khu vực. Băng ở đây bị vỡ trước khi đàn chim cánh cụt con có đủ thời gian phát triển, khiến khoảng 10.000 con chim con bị chết đuối.
“Loài chim cánh cụt này đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng khí hậu, và chính phủ Mỹ cuối cùng cũng nhận ra mối đe dọa đó”, bà Sarah Uhlemann, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học phi lợi nhuận tại Mỹ nhận định.
Chính phủ Mỹ cũng từng liệt kê một số loài vật khác sống bên ngoài đất nước vào danh sách bị đe dọa. Trong số đó có gấu Bắc Cực, loài vật cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và hiện tượng tan băng.
Chim cánh cụt Hoàng đế là loài chim cánh cụt lớn nhất thế giới, hiện có khoảng 270.000 - 280.000 cặp chim trong thời kỳ sinh sản, hay 625.000 - 650.000 cá thể. Danh sách được đề xuất sẽ được công bố trong Sổ đăng ký Liên bang để mở ra thời gian bình luận công khai 60 ngày.
Do đó, việc liệt kê loài chim này vào danh sách động vật bị đe dọa sẽ giúp thúc đẩy các biện pháp bảo vệ chúng như cấm nhập khẩu chim cánh cụt vì mục đích thương mại.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cho rằng, nhiệt độ khí quyển tăng là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm băng ở biển Bắc Cực và các sông băng trên núi, trong khi nhiệt độ đại dương tăng đã làm tăng sự tan chảy của băng ở Nam Cực. Đối với băng tại Greenland và thềm băng ở Nam Cực, nguyên nhân mất băng là sự kết hợp của cả hai yếu tố nêu trên.
Băng tan trên toàn cầu làm nước biển dâng, tăng nguy cơ lũ lụt cho các cộng đồng ven biển và đe dọa xóa sổ các môi trường sống tự nhiên của động vật hoang dã. Ngoài ra, bang tan làm các sông băng trên núi co lại, trong khi các sông băng là nguồn cung cấp nước đầu nguồn quan trọng cho nhiều dòng sông lớn trên Trái Đất.
Thế giới đang ở mức nóng nhất trong ít nhất 12.000 năm qua
Các nhà khoa học cho biết, kết quả phân tích nhiệt độ trên bề mặt đại dương cho thấy, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến nhiệt độ của Trái Đất đã đạt mức nóng nhất trong 125.000 năm qua. Các mô hình khí hậu đã chỉ ra sự ấm lên liên tục kể từ khi kỷ băng hà cuối cùng kết thúc cách đây 12.000 năm và Kỷ nguyên Holocen (Kỷ nguyên loài người) bắt đầu.
Ước tính nhiệt độ từ vỏ hóa thạch trước đây cho thấy, đỉnh điểm của tình trạng Trái Đất nóng lên diễn ra cách đây 6.000 năm và sau đó nguội đi, cho đến khi cuộc cách mạng công nghiệp khiến lượng khí thải carbon tăng vọt.
Bà Samantha Bova, nhà khoa học tại Đại học Rutgers - New Brunswick ở Mỹ cho biết: “Chúng tôi đã chứng minh được rằng, nhiệt độ trung bình hàng năm trên toàn cầu đã tăng trong 12.000 năm qua, trái ngược với các kết quả trước đó".
Lan Anh