Thứ bảy, 07/12/2024 16:30 (GMT+7)
Thứ năm, 14/11/2024 10:40 (GMT+7)

Thực trạng khai thác tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập

Theo dõi KTMT trên

Việc khai thác tài sản công có hiệu quả sẽ góp phần nâng cao tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

LỜI TÒA SOẠN

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã tạo lập cơ sở pháp lý để thực hiện đổi mới một cách cơ bản, toàn diện cơ chế quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập. Việc khai thác tài sản công có hiệu quả sẽ góp phần nâng cao tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Quản lý tài sản công (TSC) tại các đơn vị sự nghiệp công lập tuân thủ các nguyên tắc sau: TSC được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng; được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, thống kê đầy đủ về hiện vật và giá trị; TSC phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công phải được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ theo quy định của pháp luật; việc khai thác nguồn lực tài chính từ TSC phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật…

Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tiếp đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã tạo lập cơ sở pháp lý để thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập ở tất cả các lĩnh vực.

Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp; ngoài các quyền, nghĩa vụ như cơ quan nhà nước, đơn vị được phép sử dụng tài sản Nhà nước giao vào mục đích sản xuất – kinh doanh, dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết đơn vị được trích khấu hao tài sản cố định để hình thành quỹ khấu hao dùng cho việc tái tạo tài sản. Việc sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh dịch vụ phải bảo đảm các yêu cầu: không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; không làm mất quyền sở hữu về TSC; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao; sử dụng tài sản đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản; tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật. Nhà nước không cấp kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa đối với TSC chỉ được sử dụng vào mục đích kinh  doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; thực hiện theo cơ chế thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Thực trạng khai thác tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập - Ảnh 1
Khu nhà công vụ Hoàng Cầu. Ảnh minh họa

Tình hình khai thác tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập

Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước quyết định thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của Luật Kế toán để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công.

Đơn vị sự nghiệp muốn sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, trước hết phải tiến hành lập đề án sử dụng TSC, lấy ý kiến thẩm định của cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý TSC. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định, đơn vị có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện đề án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Căn cứ đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh đã được phê duyệt, đơn vị hạch toán chi tiết các loại TSC theo nguồn hình thành được sử dụng vào mục đích kinh doanh, bao gồm: tài sản được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất; tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt động kinh doanh mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp quyết định cụ thể việc cho thuê TSC theo các hình thức đấu giá áp dụng đối với gói cho thuê tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp, hoặc cho thuê trực tiếp đối với tài sản là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị, từng hạng mục thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp  trong thời gian dưới 15 ngày hoặc từ 15 ngày trở lên nhưng không liên tục. Giá cho thuê tài sản được xác định là giá trúng đấu giá trong trường hợp cho thuê theo hình thức đấu giá hoặc giá cho thuê được niêm yết, thông báo công khai trong trường hợp cho thuê trực tiếp phù hợp với giá cho thuê phổ biến tại thị trường địa phương của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ.

Yêu cầu đối tác tham gia liên doanh, liên kết phải có đủ năng lực, kinh nghiệm, bảo đảm được phương án tài chính trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết. Hai bên bàn bạc để tiến hành lựa chọn hình thức sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết cho phù hợp. Việc quản lý, khai thác TSC liên doanh, liên kết được thực hiện theo hợp đồng liên doanh, liên kết. Trong trường hợp thành lập pháp nhân mới thì tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng để góp vốn liên doanh, liên kết do pháp nhân mới quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình liên doanh, liên kết, đơn vị phải tiến hành hạch toán đầy đủ các khoản thu – chi hợp lý, như: doanh thu từ hoạt động liên doanh, liên kết; chi phí hợp lý, như khấu hao tài sản cố định, chi phí định giá, thẩm định giá, đấu giá tài sản, chi phí quản lý, vận hành tài sản trong thời gian liên doanh, liên kết và các chi phí hợp lý khác có liên quan. Chênh lệch thu – chi sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, phần còn lại được quản lý, sử dụng theo quy định.

Kết thúc quá trình liên doanh, liên kết đối với hình thức ký kết theo hợp đồng liên doanh, liên kết thì các tài sản tham gia liên doanh, liên kết phải phân chia theo nguyên tắc xác định tương ứng với giá trị tài sản hoặc vốn góp khi đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết. Đối với các tài sản được hình thành thông qua hoạt động liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới thì sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết, các tài sản này được chia cho các bên tham gia theo tỷ lệ đóng góp của mỗi bên, trường hợp không chia được bằng hiện vật thì thực hiện bán cho các bên còn lại theo giá thị trường; nếu các bên liên doanh không mua thì thực hiện bán theo hình thức đấu giá.

Trong thời gian qua, việc giao quyền trong quản lý, sử dụng tài sản cho đơn vị quản lý theo cơ chế vốn doanh nghiệp đã tạo ra cơ chế mở giúp cho công tác tự chủ của đơn vị ngày càng thuận lợi. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, công tác quản lý, sử dụng TSC đã đạt được những kết quả quan trọng như: các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC được ban hành tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý để đổi mới công tác quản lý TSC tại đơn vị; cùng với  việc phân định chế độ quản lý, sử dụng TSC, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Hiện nay, đã có rất nhiều đơn vị sự nghiệp Công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp. Nhiều đơn vị sau khi được Nhà nước giao tài sản theo cơ chế giao vốn doanh nghiệp đã phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu nhập cho người lao động, làm tăng khả năng tự chủ về mặt tài chính và đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện cũng còn một số tồn tại sau:

Thứ nhất, công tác khai thác TSC ở các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ dừng ở hình thức là tận dụng cơ sở vật chất như cho thuê phòng học, phòng thí nghiệm, hội trường, sân bãi tập thể thao, đặt máy ATM, máy bán hàng tự động, trông giữ xe, cung cấp dịch vụ căng tin… Về cơ bản là chưa thực sự tiến hành sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết nên chưa hiệu quả.

Thứ hai, cách phân loại đơn vị sự nghiệp công lập theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập chưa có sự trùng khớp, dẫn tới quá trình tổ chức thực hiện còn có cách hiểu và cách áp dụng pháp luật khác nhau. Để được sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ, đơn vị phải thực hiện nhiều thủ tục, trong đó có những thủ tục không cần thiết. Đối tượng được phép sử dụng tài sản vào mục đích có tính chất kinh doanh dịch vụ còn hẹp, chủ yếu tập trung vào nhóm đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên. Hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC còn mang tính hành chính, được thực hiện theo quy định chung, hạn chế tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị.

Thứ ba, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lựa chọn đối tác tham gia liên doanh, liên kết với đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, đơn vị sự nghiệp nói riêng để cung cấp dịch vụ công. Về nguyên tắc, việc lựa chọn đối tác phải thực hiện theo phương thức đấu thầu, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định đối với trường hợp này.

Thứ tư, việc giao tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp để đơn vị được phép sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ còn chậm.  Số lượng các đơn vị được phép sử dụng tài sản vào mục đích có tính chất kinh doanh dịch vụ đạt thấp.

Một số giải pháp nhằm nâng cao khai thác hiệu quả tài sản công ở các đơn vị  sự nghiệp công lập

Một là, cần hoàn thiện chế độ quản lý, khai thác TSC trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị trong việc đầu tư xây dựng, mua sắm, khai thác, xử lý tài sản, gắn với tăng cường công khai, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Mở rộng đối tượng được sử dụng tài sản Nhà nước giao vào mục đích sản xuất – kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết. Đưa thương hiệu chính thức vào danh mục tài sản, làm cơ sở cho việc định giá, sử dụng giá trị thương hiệu trong các hoạt động của đơn vị, đặc biệt là các hoạt động liên doanh, liên kết.

Hai là, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức tài sản chuyên dùng để có cơ sở xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các đơn vị sự nghiêp công lập. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quyết định định mức tài sản sử dụng vào mục đích có tính chất kinh doanh dịch vụ. Kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản ngay từ khâu lập, phê duyệt kế hoạch xây dựng mới, mua sắm, nâng cấp, cải tạo công trình sự nghiệp và các tài sản khác.

Ba là, thực hiện cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu về TSC trong cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC tại các đơn vị sự nghiệp công lập để bảo đảm hệ thống dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý. Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tại đơn vị và tình hình sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Bốn là, các đơn vị sự nghiệp công lập cần xây dựng danh mục cụ thể TSC thuộc phạm vi quản lý được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật, tránh sử dụng sai mục đích. Ban hành quy chế quản lý, sử dụng TSC phải phù hợp, khoa học, chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc phân quyền, quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, bộ phận tham gia quy trình quản lý, sử dụng, khai thác tài sản.

Năm là, các đơn vị sự nghiệp công lập cần nghiên cứu, tổ chức các cuộc hội thảo, lấy ý kiến về các mô hình cho thuê, liên doanh, liên kết, đồng thời, rà soát lại việc sử dụng TSC để rút kinh nghiệm, có phương án quản lý TSC.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Thực hiện công tác công khai tình hình quản lý, sử dụng, khai thác TSC tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

TS Nguyễn Phi Hùng
Ban QTTB&ĐTXD – Học viện Tài chính

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.
  2. Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
  3. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
  4. Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
  5. Nguyễn Tân Thịnh. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công trong các cơ sở giáo dục đại học.Tạp chí Tài chính, số tháng 5/2017.
  6. Đinh Thị Hiếu. Khai thác hiệu quả tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục – đào tạo công lập. Tạp chí Quản lý nhà nước.
Bạn đang đọc bài viết Thực trạng khai thác tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Taxi Mai Linh chuyển đổi xanh
Tập đoàn Mai Linh đã ký kết hợp tác với Xanh SM, đầu tư gần 4.000 xe điện VinFast từ nay đến cuối năm 2025 để chuyển đổi từ xe xăng truyền thống sang năng lượng sạch.