Cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP29
Các tổ chức quốc tế thể hiện cam kết để ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP 29, đang diễn ra tại Baku, Azerbaijain.
Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP29) diễn ra tại Baku, Azerbaijain được xem là cơ hội hiếm hoi để thế giới cùng nhau thống nhất về cách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương thích nghi với biến đổi khí hậu và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo đó, các tổ chức quốc tế cũng thể hiện cam kết của mình để ứng phó với biến đổi khí hậu.
"Cảnh báo đỏ"
Ngay trong phiên khai mạc COP29, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã công bố Bản cập nhật tình hình khí hậu năm 2024 kèm theo “cảnh báo đỏ” về tốc độ nhanh chóng của biến đổi khí hậu do lượng khí nhà kính tăng cao. Theo đó, giai đoạn 2015-2024 đánh dấu thập niên nóng nhất trong lịch sử; trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2024, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu đã cao hơn 1,54 độ C so mức trung bình trước thời kỳ công nghiệp.
Báo cáo Ngân sách carbon toàn cầu do 80 tổ chức phối hợp thực hiện cũng cho hay, lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới lên mức cao kỷ lục mới. Trong đó, khí thải từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch chiếm phần lớn. Với thực tế này, thế giới có thể bỏ lỡ mục tiêu của Thỏa thuận Paris về kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5 độ C.
Về định hướng hành động mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh tính cấp thiết hàng đầu của vấn đề tài trợ, khẳng định việc đặt ra mục tiêu tài chính khí hậu mới có ý nghĩa quan trọng với mọi quốc gia, gồm cả những nước giàu, nước lớn. Ông Guterres kêu gọi tất cả các nước thực hiện cam kết và các nước phát triển tăng gấp đôi mức tài trợ cho hành động thích ứng biến đổi khí hậu từ năm 2025.
Năm 2009, các nước phát triển đưa ra cam kết tài trợ 100 tỷ USD/năm và hết hạn vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, số tiền này không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Các nước đang phát triển thậm chí kêu gọi nâng mức tài trợ lên 1.000 tỷ USD và chủ yếu dưới dạng viện trợ không hoàn lại, thay vì các khoản cho vay.
Theo lãnh đạo Liên hợp quốc, cam kết về tài chính khí hậu không phải là hoạt động từ thiện, mà là khoản đầu tư; hành động khí hậu không phải là sự lựa chọn, mà là mệnh lệnh. Vì thế, COP29 phải phá bỏ “bức tường tài chính khí hậu” đang cản trở những mục tiêu và cam kết mới.
Vòng đàm phán khí hậu tại Baku đã có kết quả tích cực đầu tiên khi đạt được thỏa thuận kỹ thuật, tạo nền tảng quan trọng để khởi động thị trường carbon toàn cầu do Liên hợp quốc hậu thuẫn, nhằm tài trợ hàng tỷ USD cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên tại COP29, gần 200 quốc gia đã thông qua tiêu chuẩn mới về “tín dụng carbon”, mở đường cho một thị trường carbon toàn cầu hoàn chỉnh được hiện thực hóa trong tương lai gần.Ca ngợi đây là “bước đột phá quan trọng”, song Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev cho rằng vẫn cần thêm nỗ lực. Các quy tắc cơ bản đưa thị trường vào hoạt động đã được thông qua, nhưng một số vấn đề quan trọng khác còn cần được tiếp tục đàm phán, trong đó có vấn đề quản trị và biện pháp bảo vệ.
Được Liên hợp quốc thúc đẩy xây dựng trong nhiều năm qua, hệ thống “tín dụng carbon” cho phép các quốc gia, doanh nghiệp chi trả cho các dự án giảm hoặc loại bỏ CO2 và để bù đắp cho lượng khí thải của quốc gia, doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng carbon tự nguyện gặp khó khăn do không có tiêu chuẩn chung để đánh giá mức giảm khí thải.
Với thỏa thuận về quy tắc, tiêu chuẩn của tín dụng carbon vừa đạt được tại COP29, thị trường carbon được kỳ vọng đi vào hoạt động trong năm 2025. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động về khí hậu vẫn nhắc nhở rằng, điều quan trọng và cấp thiết là giảm lượng khí thải trên thực tế.
Tài trợ ứng phó biến đổi khí hậu
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã cùng các đối tác thể hiện cam kết tài trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại sự kiện khởi động Quỹ tài chính sáng tạo cho khí hậu tại châu Á- Thái Bình Dương (IF-CAP).
Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết IF-CAP là một trong những chương trình tài trợ khí hậu sáng tạo nhất trên thế giới và sẽ là công cụ quan trọng để chống biến đổi khí hậu ở Châu Á và Thái Bình Dương. “Chúng tôi biết rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta”, ông Asakawa nói.
“Đây là một thách thức đòi hỏi hành động mang tính chuyển đổi, quyết đoán và sáng tạo—mà IF-CAP sẽ cung cấp. Trong số tất cả các ngân hàng phát triển đa phương, chương trình này đưa ADB lên vị trí tiên phong trong đổi mới tài chính khí hậu. Với hiệu ứng nhân lên là 4,5, chương trình này sẽ giải phóng hàng tỷ đô la đầu tư rất cần thiết để chống biến đổi khí hậu ở châu Á và Thái Bình Dương”.
IF-CAP đang hướng tới mục tiêu tổng số tiền bảo lãnh là 2,5 tỷ USD, sẽ được dùng để trang trải một phần danh mục cho vay hiện có của ADB. Điều đó sẽ cho phép ADB giải phóng khoảng 11,25 tỷ USD trong khoản tài trợ khí hậu dành riêng cho khu vực.
ADB đã hoan nghênh các khoản bảo lãnh trị giá gần 2,2 tỷ USD trong đó: 1 tỷ USD từ Hoa Kỳ, 600 triệu USD từ Nhật Bản (cộng với khoản tài trợ 25 triệu USD), 280 triệu USD từ Vương quốc Anh, 200 triệu USD từ Úc và 100 triệu USD từ Đan Mạch thông qua Quỹ đầu tư cho các nước đang phát triển (IFU).
IF-CAP phản hồi trực tiếp các khuyến nghị của Nhóm hai mươi (G20) rằng các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) tăng cường cho vay thông qua các phương pháp tiếp cận mới như chuyển giao rủi ro.
Theo Báo cáo Khí hậu Châu Á - Thái Bình Dương 2024 của ADB, Châu Á và Thái Bình Dương cần khoảng 102- 431 tỷ USD mỗi năm để thích ứng với tình trạng nóng lên toàn cầu. Con số này vượt xa 34 tỷ USD tài chính thích ứng đã được theo dõi trong khu vực vào năm 2021–2022.
Để giúp giải quyết nhu cầu đầu tư vào khí hậu của khu vực, ADB đặt mục tiêu tài chính khí hậu đạt 50% tổng khối lượng tài chính cam kết hàng năm vào năm 2030. Ngân hàng cam kết đạt hơn 100 tỷ đô la tài chính khí hậu tích lũy, cho cả giảm thiểu và thích ứng, từ năm 2019 đến năm 2030.
Kế hoạch hợp tác giảm phát thải methane
Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ra mắt Kế hoạch hợp tác giảm phát thải methane.
Kế hoạch Hợp tác được xây dựng dựa trên nền tảng của Cam kết toàn cầu về methane, một sáng kiến do EU và Mỹ khởi xướng, đã nhận được sự tham gia của hơn 150 quốc gia. Theo cam kết này, các quốc gia thành viên đặt mục tiêu giảm ít nhất 30% lượng phát thải methane toàn cầu vào năm 2030 so với mức năm 2020.
Kế hoạch này nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, tập trung vào việc cải thiện hệ thống giám sát, báo cáo và xác minh để giảm thiểu lượng khí methane thoát ra từ quá trình sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Đây được xem là một trong những giải pháp hiệu quả và nhanh chóng để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Kế hoạch mới của EU đưa ra các hành động cụ thể như xây dựng hệ thống giám sát, báo cáo và xác minh chặt chẽ, cũng như đầu tư vào các dự án giảm phát thải từ các cơ sở hiện có. Điều này sẽ giúp các quốc gia thành viên có thể theo dõi chặt chẽ lượng khí methane thải ra, đánh giá hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu và đưa ra những điều chỉnh cần thiết.
Việc ra mắt Kế hoạch hợp tác tại COP29 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Các ví dụ cụ thể về việc thực hiện kế hoạch này sẽ được giới thiệu tại COP30 diễn ra tại Brazil.
Ông Wopke Hoekstra, Ủy viên châu Âu về hành động khí hậu, nhấn mạnh giảm phát thải methane từ ngành năng lượng không chỉ là một giải pháp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế. Việc cắt giảm khí methane giúp tăng cường an ninh năng lượng, đồng thời góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.
"Kế hoạch hợp tác mới này sẽ mở ra một chương mới trong việc hợp tác quốc tế, đặc biệt là giữa các quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu năng lượng," ông cho biết. "Để giải quyết hiệu quả vấn đề phát thải methane, "tất cả các quốc gia cần cùng nhau hợp tác trên toàn cầu".
Minh Thành