Thứ bảy, 14/12/2024 12:51 (GMT+7)
Thứ sáu, 15/11/2024 11:00 (GMT+7)

Hải Dương: Đưa trồng trọt trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại

Theo dõi KTMT trên

UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh này sẽ chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu phát triển sản xuất trồng trọt tập trung hàng hóa theo chuỗi giá trị, theo định hướng thị trường trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các đối tác, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Tỉnh này phấn đấu đến năm 2050 sẽ đưa trồng trọt trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại. Sản xuất trồng trọt theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị.

Theo đó, Hải Dương sẽ tập trung phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng an toàn (VietGAP, GlobalGAP), hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị, phát thải thấp, phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững...

Hải Dương: Đưa trồng trọt trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại - Ảnh 1
Hải Dương sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất trồng trọt. Ảnh: Báo Hải Dương

Với cây lúa, sẽ phát triển sản xuất ở vùng quy hoạch tập trung được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Giữ ổn định 46.444 ha đất chuyên trồng lúa đến 2030, sản lượng đạt trên 545.000 tấn thóc, bảo đảm an ninh lương thực. Chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Đến năm 2030, tỉnh này duy trì diện tích cây rau màu 41.500ha/năm, tổng sản lượng rau đạt trên 900.000 tấn/năm. Nâng giá trị sản xuất cây vụ đông. Tiếp tục duy trì và mở rộng các vùng sản xuất tập trung cây rau màu truyền thống, có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao như hành tỏi, cà rốt, cải bắp, su hào, súp lơ, dưa hấu, cà rốt.

Xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hàng hóa tập trung, đầu tư hạ tầng giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiết kiệm, nhà màng, nhà lưới, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP, GlobalGAP... nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, phục vụ xuất khẩu.

Phát triển mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Tăng cường bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch để nâng cao giá trị gia tăng. Tăng tỷ lệ rau được bảo quản chế biến đạt trên 30% để nâng cao giá trị gia tăng.

Đến năm 2030, Hải Dương tăng diện tích cây ăn quả lên 22.300 ha/năm, sản lượng đạt 290.000 tấn/năm. Đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để rải vụ thu hoạch cây ăn quả. Nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng diện tích sản xuất sản phẩm an toàn, sản xuất theo quy trình GAP (VietGAP, GlobalGAP) nhất là những sản phẩm có trị trường xuất khẩu ổn định, sản xuất hữu cơ.

Địa phương này sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất trồng trọt. Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Hải Dương: Đưa trồng trọt trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới