Thứ sáu, 29/03/2024 08:27 (GMT+7)
Thứ tư, 21/07/2021 07:04 (GMT+7)

Mỗi năm thế giới mất khoảng 87.000 km2 diện tích băng tuyết

Theo dõi KTMT trên

Theo các nhà khoa học, những thay đổi về kích thước hoặc vị trí của băng và tuyết có thể làm thay đổi nhiệt độ không khí, thay đổi mực nước biển, thậm chí ảnh hưởng đến các dòng hải lưu trên toàn thế giới.

Nghiên cứu mới nhất của Đại học tổng hợp Lan Châu (Trung Quốc) đã được công bố trên tạp chí Earth’s Future cho thấy, khu vực băng tuyết toàn cầu thu hẹp trung bình khoảng 87.000 km2/năm trong giai đoạn 1979 - 2016 do hiện tượng ấm lên toàn cầu.

GS Zhang Tingjun tại Đại học Khoa học Trái Đất và Môi trường (Đại học tổng hợp Lan Châu) cho biết, nghiên cứu trên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá toàn bộ khu vực băng tuyết toàn cầu và đưa ra cách thức ước tính định lượng những thay đổi tổng thể của nó.

Mức độ bao phủ của vùng đất bị đóng băng cũng quan trọng như khối lượng của nó vì bề mặt trắng sáng phản chiếu ánh sáng mặt trời rất hiệu quả, làm mát hành tinh. Những thay đổi về kích thước hoặc vị trí của băng và tuyết có thể làm thay đổi nhiệt độ không khí, thay đổi mực nước biển và thậm chí ảnh hưởng đến các dòng hải lưu trên toàn thế giới.

Mỗi năm thế giới mất khoảng 87.000 km2 diện tích băng tuyết - Ảnh 1
Khu vực băng tuyết toàn cầu thu hẹp trung bình khoảng 87.000 km2/năm do Trái Đất nóng lên. (Ảnh: Internet)

Tác giả Xiaoqing Peng, nhà địa lý vật lý tại Đại học Lan Châu nhấn mạnh: “Đây là một trong những chỉ số khí hậu nhạy cảm nhất và là chỉ số đầu tiên chứng minh một thế giới đang thay đổi. Sự thay đổi về quy mô của nó thể hiện một sự thay đổi toàn cầu lớn, chứ không phải chỉ là một vấn đề khu vực hoặc địa phương”.

Cũng theo nhà địa lý vật lý Xiaoqing Peng, công trình nghiên cứu này là bước đi tiên phong trên thế giới trong việc đánh giá toàn bộ khu vực băng tuyết toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống khí hậu của Trái Đất.

Trong khi phạm vi của băng quyển phát triển và thu hẹp theo mùa, các nhà nghiên cứu từ Đại học tổng hợp Lan Châu phát hiện ra rằng, diện tích trung bình được bao phủ bởi băng quyển của Trái Đất đã thu hẹp đáng kể từ năm 1979, tương quan với nhiệt độ không khí tăng lên. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu ước tính rằng, tổng thể và định lượng những thay đổi đối với khu vực băng tuyết phía Đông bán cầu và toàn cầu là do biến đổi khí hậu. Họ đã tổng hợp băng biển, tuyết phủ và phạm vi mặt đất đóng băng thành một tập dữ liệu về mức độ đông lạnh toàn cầu.

Từ đó, bộ dữ liệu sẽ giúp nghiên cứu sâu hơn về tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực băng tuyết toàn cầu, thậm chí đối với các hệ sinh thái, hoạt động trao đổi CO2 và các chu kỳ sống.

Lượng băng tan kỷ lục mỗi năm

Theo các nhà khoa học, ước tính có đến 28.000 tỉ tấn băng trên thế giới đã tan chảy kể từ 3 thập kỷ trước, với tốc độ tan băng mỗi năm hiện nay nhanh hơn khoảng 57% so với thời điểm đó. Nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi khí hậu thúc đẩy nhiệt độ toàn cầu lên cao.

Lượng nước do băng tan tại Nam Cực, Greenland và các sông băng trên núi trong 3 thập kỷ qua đã khiến mực nước biển trung bình trên toàn cầu dâng thêm 3,5 cm. Lượng băng tan từ các sông băng trên núi chiếm 22% tổng khối lượng băng thất thoát hằng năm. 

Tại Bắc Cực, băng biển (vùng nước biển bị đóng băng) cũng tiếp tục sụt giảm. Khi băng biển biến mất sẽ dẫn đến tình trạng các vùng nước hấp thụ bức xạ mặt trời, còn gọi là hiện tượng khuếch đại Bắc Cực, qua đó khiến nhiệt độ khu vực tăng cao.

Dựa trên dữ liệu vệ tinh giai đoạn 1994 - 2017, các phương pháp đo và mô phỏng máy tính, giới khoa học Anh tính toán rằng thế giới đang mất trung bình 0,8 nghìn tỉ tấn băng mỗi năm trong những năm 1990. Tuy nhiên, con số này đã tăng thành khoảng 1,2 nghìn tỉ tấn mỗi năm trong những năm gần đây.

Trên khắp Bắc Cực, diện tích băng biển trong mùa Hè cũng bị thu hẹp xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Năm 2020 chứng kiến lượng băng phục hồi trên biển của khu vực này đạt mức thấp thứ hai trong 40 năm qua kể từ khi các số liệu bắt đầu được theo dõi bằng vệ tinh.

Nhiệt độ khí quyển trên Trái Đất đã tăng 1,1 độ C kể từ thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, tại Bắc Cực, tốc độ ấm lên đã tăng gấp hơn hai lần so với tốc độ trung bình trên toàn cầu trong 30 năm qua.

Băng tan trên toàn cầu làm nước biển dâng, tăng nguy cơ lũ lụt cho các cộng đồng ven biển và đe dọa xóa sổ các môi trường sống tự nhiên của động vật hoang dã. Ngoài ra, bang tan làm các sông băng trên núi co lại, trong khi các sông băng là nguồn cung cấp nước đầu nguồn quan trọng cho nhiều dòng sông lớn trên Trái Đất.

Băng trên mặt biển phản xạ ánh nắng mặt trời trở lại bầu khí quyển. Khi diện tích băng trên biển giảm đi, các đại dương hấp thụ nhiều hơn nhiệt lượng từ mặt trời làm nhiệt độ nước biển tăng lên. Điều này lại làm băng tiếp tục tan nhanh hơn. Đây chính là tình hình đang diễn ra tại Bắc Cực, nơi ấm lên nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh.

Trước đó, báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cũng đã đưa ra cảnh báo và nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc cần hành động khẩn cấp để giảm thiểu tác động của sự nóng lên toàn cầu. IPCC cũng cảnh báo các sông băng nhỏ ở châu Âu, miền Đông châu Phi, vùng nhiệt đới Andes và Indonesia có thể mất hơn 80% khối lượng vào năm 2100. Điều này có thể gây ra những hiện tượng như lở đất, tuyết lở, đá lở và lũ lụt, ảnh hưởng nặng nề đến người nông dân và các nhà máy sản xuất thủy điện ở hạ lưu.

Bên cạnh đó, tốc độ băng tan ở Bắc Cực hiện nay là rất cao, cứ mỗi giây trôi qua là mất đi 10.000 tấn băng. Báo cáo cũng lưu ý băng từ 4 năm tuổi trở lên hiện chỉ còn chiếm khoảng 1,2% tổng diện tích phủ băng của Bắc Cực. Theo dự báo, đến năm 2035, Bắc Cực sẽ không còn băng vào mùa hè.

Thế giới đang ở mức nóng nhất trong ít nhất 12.000 năm qua

Các nhà khoa học cho biết, kết quả phân tích nhiệt độ trên bề mặt đại dương cho thấy, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến nhiệt độ của Trái Đất đã đạt mức nóng nhất trong 125.000 năm qua. Các mô hình khí hậu đã chỉ ra sự ấm lên liên tục kể từ khi kỷ băng hà cuối cùng kết thúc cách đây 12.000 năm và Kỷ nguyên Holocen (Kỷ nguyên loài người) bắt đầu.

Ước tính nhiệt độ từ vỏ hóa thạch trước đây cho thấy, đỉnh điểm của tình trạng Trái Đất nóng lên diễn ra cách đây 6.000 năm và sau đó nguội đi, cho đến khi cuộc cách mạng công nghiệp khiến lượng khí thải carbon tăng vọt. 

Bà Samantha Bova, nhà khoa học tại Đại học Rutgers - New Brunswick ở Mỹ cho biết: “Chúng tôi đã chứng minh được rằng, nhiệt độ trung bình hàng năm trên toàn cầu đã tăng trong 12.000 năm qua, trái ngược với các kết quả trước đó".

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Mỗi năm thế giới mất khoảng 87.000 km2 diện tích băng tuyết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.