Thứ sáu, 19/04/2024 05:21 (GMT+7)
Thứ tư, 26/08/2020 06:45 (GMT+7)

Ði lên từ những nghị quyết đời thường

Theo dõi KTMT trên

Ở từng địa phương, việc vận dụng, xây dựng và triển khai các nghị quyết chuyên đề có những cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế.

Ði lên từ những nghị quyết đời thường - Ảnh 1
Thị trấn biển Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân.

Tại Phú Tân - một huyện ven biển của tỉnh Cà Mau, các nghị quyết ra đời tuy rất đời thường nhưng đã được đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhân dân tin tưởng làm theo. Nhờ thực hiện tốt các nghị quyết ấy mà hiện tại, Phú Tân chỉ còn dưới 1,98% số hộ là hộ nghèo, diện mạo nông thôn chuyển mình tích cực…

Chung tay vá đường, làm kè

Chúng tôi trở lại Việt Thắng trong ngày mưa dầm tháng 8. Ðây là một trong 6 xã nông thôn mới của huyện Phú Tân. Ðường về xã tuy nhỏ nhưng xe không vấp phải ổ voi, ổ gà. Dọc các trục đường quê, người dân trồng nhiều loại hoa đẹp mắt…

Cùng chúng tôi đi một vòng hình chữ U bao quanh gần 50% số ấp của địa phương mình, Bí thư Ðảng ủy xã Việt Thắng Hồ Thanh Phương khoe: "Các trục đường liên ấp lâu ngày xuống cấp nhưng nhân dân ý thức tu sửa ngay từ những vết hư hỏng nhỏ đầu tiên. Người dân còn chung tay với chính quyền làm bờ kè ven kênh, rạch… để bảo vệ đường trước tình trạng sạt lở".

Giống như nhiều vùng nông thôn khác của miệt sông nước Cà Mau, con đường nông thôn về ấp So Ðũa (xã Việt Thắng) nằm dọc tuyến kênh Dân Quân ngoằn ngoèo, quanh co. Tại những khúc cua gấp, người dân cơi nới lề hai bên rộng ra để xe cộ qua lại thuận tiện. Còn những đoạn nước xoáy ăn sâu vào mé lộ, bà con trong vùng chủ động gia cố bằng cây gỗ, lấp đất vào bên trong để trồng cây mắm, cây đước… nhằm hạn chế sạt lở, bảo vệ thân lộ.

Ông Lê Văn Hậu, có bờ kè bằng cây mắm hơn 60 m dọc tuyến đường So Ðũa, nói: "Dọc tuyến này nhà nào cũng làm bờ kè, trồng cây để bảo vệ đường làng lâu hư hỏng. Tùy vào khả năng tài chính, có nhà làm kè bằng bê-tông, có nhà thì dùng cây tạp xịa xuống mé, sau đó lấp đất để trồng cây".

Cùng có bờ kè bằng cây mắm hơn 4 năm tuổi, hàng xóm ông Hậu là Phùng Văn Lập, chia sẻ: "Không chỉ làm bờ kè mà người dân địa phương còn tham gia sửa đường. Ðường hư, đường bể ngang, đất nhà ai thì hộ đó khắc phục, khó quá mới nhờ tới lực lượng của xã xuống tiếp sức".

Tại xã Việt Thắng hiện có 37 tuyến đường nông thôn, tổng chiều dài hơn 79 km, tăng hơn 20 km so với thời điểm mới đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2015. Trong đó, khoảng 20 km đường dọc tuyến sông, rạch… bị sạt lở và nguy cơ sạt lở cao. Thực hiện Chỉ thị 08, nay là Nghị quyết 09 của Huyện ủy Phú Tân, đến nay, đã có khoảng 14,6 km chiều dài đường nông thôn sạt lở được người dân khắc phục bằng các loại kè kiên cố và bán kiên cố.

Người dân địa phương còn bỏ tiền, bỏ công sửa chữa, khắc phục được gần 17 km đường nông thôn hư hỏng. "Nhờ khắc phục ngay từ đầu những hư hỏng nhỏ và có kè bảo vệ bên ngoài mà hầu hết các tuyến đường trong ấp không còn tình trạng ổ gà, ổ voi, người dân đi lại hiếm khi bị trầy xước, té ngã trong những lúc tối trời" - Chủ tịch UBND xã Việt Thắng Huỳnh Phương Nhanh chia sẻ.

Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong khoảng 10 năm gần đây, trên địa bàn huyện Phú Tân xây dựng mới được hơn 807 km đường giao thông và 592 cầu nông thôn các loại. Trong đó, gần 39 km đường liên huyện, đường đô thị, hơn 68 km đường liên xã và hơn 700 km đường giao thông nông thôn liên ấp.

Riêng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn huyện Phú Tân đầu tư xây dựng 398 công trình, với tổng mức đầu tư 1.124 tỉ đồng. Trong đó, đã xây dựng mới được hơn 340 km đường bê-tông cùng 198 cầu nông thôn. Nhiều công trình quan trọng khác cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: Hệ thống thủy lợi tiểu vùng năm và mười Nam Cà Mau, khu neo đậu Cái Ðôi Vàm... Tuy nhiên, qua thời gian dài sử dụng, nhiều công trình cầu, đường giao thông nông thôn bị xuống cấp, hư hỏng và bị sạt lở, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, năm 2011, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Tân ban hành Chỉ thị số 08, nay là Nghị quyết số 09 về bảo vệ, duy tu, sửa chữa và kè chống sạt lở các công trình giao thông đường bộ. Mục đích là huy động thêm nguồn lực bảo vệ tốt hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, nâng cao tuổi thọ công trình, bảo đảm phục vụ tốt cho lưu thông, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, gây lãng phí, tốn kém ngân sách nhà nước và tài sản của nhân dân.

Qua gần 10 năm, bằng nhiều cách thức, các địa phương tại Phú Tân đã vận động lực lượng vũ trang và nhân dân duy tu, sửa chữa được hơn 89,6 km đường giao thông các loại; kè chống sạt lở hơn 602 km và sửa chữa được 62 cầu giao thông nông thôn hư hỏng. "Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, toàn huyện đã duy tu, sửa chữa gần 3 km đường bê-tông bị xuống cấp và kè chống sạt lở gần 30 km tại những vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao nằm dọc các tuyến lộ" - đồng chí Võ Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân cho biết.

Sức dân nâng tầm nghị quyết

Cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị… từ Trung ương và của tỉnh Cà Mau, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Tân ban hành khá nhiều nghị quyết, chương trình hành động… để cấp ủy, chính quyền các cấp của địa phương mình thực hiện, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị theo hướng tích cực.

Từng có một thời gian dài công tác ở xã, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Tân Nguyễn Văn Thắng khẳng định: "Ðể quần chúng, nhân dân đồng thuận cao làm theo nghị quyết không phải chuyện một sớm, một chiều".

Ðồng chí Thắng kể: Hồi trước, có hiện tượng một số người dân không hứng thú mỗi khi nghe cán bộ ấp, xã triển khai nghị quyết, chỉ thị, công văn… Thế nhưng, sau quá trình thực hiện, bà con nhận thấy hóa ra nghị quyết là giúp mình hết nghèo, giúp mình siêng năng hơn, giúp mình có nếp ăn, cách ở, cách sinh hoạt… khoa học, văn minh hơn nên họ làm theo. Bởi vậy mà hiện tại, các nghị quyết đã được người dân địa phương nằm lòng và nhớ vanh vách.

"Chẳng hạn như: Nhìn hàng rào cây kiểng (các tiêu chí nông thôn mới) thì bà con nhớ đến Nghị quyết số 04; nhìn hộ nghèo thoát nghèo thì thấy Nghị quyết số 02; nhìn thấy rau màu, cây trái phủ xanh bờ hoang, liếp trống thì biết liền Nghị quyết số 03; còn nhìn bờ kè ven sông, lộ làng tươm tất… thì nhớ ngay đến Chỉ thị 08, Nghị quyết số 09…" - đồng chí Thắng dẫn chứng.

Gần đây nhất là Công văn số 755 của Huyện ủy Phú Tân về việc vận động quỹ xây dựng nhà cho đảng viên gặp khó khăn về nhà ở. Ðây cũng là một trong những nội dung đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hành tiết kiệm.

Còn nhớ hơn 2 năm về trước, đồng chí Dương Hoài Nam được phân công từ Sở Giao thông vận tải về đảm nhận nhiệm vụ là người đứng đầu cấp ủy huyện Phú Tân. Sau nhiều chuyến đi công tác ở cơ sở, qua một số lần dự chỉ đạo hội nghị, nhận thấy một bộ phận cán bộ, đảng viên… chưa "cai" được thuốc lá, Bí thư Huyện ủy Phú Tân lóe lên ý tưởng mỗi cán bộ, đảng viên… giảm hút một điếu thuốc/ngày (tương đương 1.000 đồng) để ủng hộ tiền xây nhà cho đảng viên còn khó khăn. Không lâu sau đó, Công văn số 755 của Huyện ủy ra đời.

Qua gần hai năm kể từ khi Công văn số 755 ban hành, các cấp ủy trên địa bàn huyện Phú Tân đã vận động quỹ xây dựng nhà cho đảng viên gặp khó khăn về nhà ở được gần 1 tỉ 340 triệu đồng. Nhờ số tiền này, đã có 21 căn nhà của đảng viên được hỗ trợ (50 triệu đồng/căn) xây mới; 8 căn khác được hỗ trợ (30 triệu đồng/căn) sửa chữa.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Tân Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: "Không riêng gì việc xây nhà cho đảng viên mà trước đó, các nghị quyết mà Huyện ủy ban hành, triển khai đã nhanh chóng trở thành phong trào thi đua rộng khắp ở các vùng nông thôn. Nhờ đó, 50% số xã của Phú Tân đã về đích xây dựng nông thôn mới và kế hoạch cuối năm nay toàn huyện sẽ có sáu trong số tám xã nông thôn mới".

Việc vận dụng, xây dựng và triển khai các nghị quyết chuyên đề của cấp ủy Phú Tân cơ bản khắc phục tốt tình trạng trừu tượng, lý thuyết, hô hào chung chung. Ở đó, các chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng được nghị quyết cụ thể hóa thành những vấn đề chi tiết, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, tạo chuyển biến đột phá trong công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh... Như lời tâm tình của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Tân: "Các nghị quyết của huyện đã về tới ngõ, ngách từng nhà, từng thành viên trong gia đình và hiện diện trong từng nếp nghĩ, cách làm của người dân địa phương".

Các nghị quyết ban hành từ Huyện ủy luôn gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết TƯ 4 khóa XII. Tùy vào điều kiện của địa phương, Huyện ủy linh hoạt chọn những nội dung đột phá để chỉ đạo thực hiện nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Bí thư Huyện ủy Phú Tân Dương Hoài Nam đúc kết và chia sẻ: Mỗi nghị quyết được ban hành từ cấp ủy của Phú Tân xuất phát từ trăn trở của địa phương, bám sát đời sống người dân. Nhờ đó, nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân hưởng ứng, thực hiện.

Không cầu kỳ, phô trương, lý thuyết, chính những nghị quyết rất đời thường, hợp lòng dân, vừa sức với dân, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng vào thực tế… đã giúp các chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Ðảng ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của nhân dân trên địa bàn miền biển Phú Tân, qua đó tạo phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Những kết quả mang lại đã và đang tạo thêm thế và lực mới cho Ðảng bộ huyện Phú Tân, củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Ðảng và hệ thống chính quyền, để chung tay, góp sức vào tiến trình xây dựng quê hương đổi mới.

Một số chỉ tiêu chủ yếu của Ðảng bộ huyện Phú Tân nhiệm kỳ 2020 - 2025: Tổng sản lượng thủy sản đạt 350.000 tấn (có 180.000 tấn tôm); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.100 tỉ đồng; lao động đang làm việc khu vực ngư - nông - lâm nghiệp còn 55,5%; lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 45%; hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 1%; hộ dân ở nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; rác thải sinh hoạt trung tâm các xã, thị trấn được thu gom, xử lý đạt 95% trở lên; bảo vệ, duy tu, sửa chữa và kè chống sạt lở các công trình giao thông hằng năm đạt từ 70% trở lên.

Ðể thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 08, nay là Nghị quyết 09, Huyện ủy chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo đến tận cơ sở, song hành việc củng cố, kiện toàn Tổ quản lý công trình tại các địa phương. Qua tuyên truyền, phát động…, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, lực lượng vũ trang và nhân dân đồng thuận ký cam kết bảo vệ, duy tu sửa chữa, kè chống sạt lở công trình giao thông nằm trên phạm vi phần đất của mình quản lý. Việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở được người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện liên tục, thường xuyên và kết quả được xem là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức và cá nhân liên quan.

-Ðồng chí Dương Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy Phú Tân-

Hữu Tùng

Bạn đang đọc bài viết Ði lên từ những nghị quyết đời thường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới