Thứ bảy, 23/11/2024 08:41 (GMT+7)
Thứ tư, 23/09/2020 10:03 (GMT+7)

Hơn 15.000 cây xanh gãy đổ ở Huế sau bão số 5, có bất thường?

Theo dõi KTMT trên

Bão số 5 đổ bộ vào Huế hôm 18/9 để lại cho “thành phố xanh” những đống ngổn ngang, hoang tàn với hơn 15.000 cây xanh, trong đó phần nhiều là cây cổ thụ, bật gốc chỏng chơ.

Phần lớn những cây có tuổi đời lâu năm

Không chỉ tại các tuyến phố như Nguyễn Huệ, Lý Thường Kiệt, Đống Đa... Tại một số công viên dọc bờ sông Hương như Thương Bạc, Phú Xuân, Bến Me, Kim Long..., nhiều cây cổ thụ nằm ngổn ngang trên mặt đất.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế, cho biết trong tổng số 15.000 cây bị bật gốc, phần lớn là những cây có tuổi đời lâu năm. Ông Chinh nhìn nhận nhiều cây mới được trung tâm trồng cũng không chịu nổi sức gió mà bật gốc.

Ông Chinh nói trung tâm đã cử người chăm sóc, cắt tỉa cây trên toàn TP thường xuyên trước mùa mưa bão. Tuy nhiên do cơn bão số 5 vừa qua đổ bộ trực tiếp vào TP.Huế với sức gió cấp 9, cấp 10 nên cây xanh "chịu không nổi gió ngang, xoáy thốc lên nên bật gốc, gãy đổ".

Theo ông Chinh, để dọn dẹp hết số cây đổ ngã trên toàn TP lúc này phải mất hơn 1 tháng nữa. Còn để trồng cây lại, trả lại bóng xanh cho TP như trước bão là một câu chuyện dài. "Chúng tôi sẽ tiếp tục cho cắt mé, tỉa cành hệ thống cây xanh trên toàn TP trước mùa mưa bão tháng 10, tháng 11" - ông Chinh nói.

Ông Võ Quý - Giám đốc Công ty kiến trúc cảnh quan sân vườn LAA cho biết, cây xanh đổ ngã sau bão số 5 là bất khả kháng do gió mạnh của bão. Tuy nhiên do nhiều năm Huế không có bão đổ bộ trực tiếp như vậy nên công tác phòng chống bão lần này chưa được tốt.

Lý giải cây đổ hàng loạt, ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và phòng chống thiên tai tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng bão Noul đổ bộ với sức gió 75-90 km/h, cấp 8-9, giật cấp 11, là cơn bão mạnh thứ hai sau bão Cecil ngày 15/10/1985.

Khoảng 8h30 sáng 18/9, ven biển Thừa Thiên Huế bắt đầu đón gió, song ít bị ảnh hưởng so với Huế vì có rừng phòng hộ, đồi cát cao che chắn. "Khi đến TP.Huế, gió giật lớn nhất, cấp 11 (29 m/s) nên việc cây xanh gãy đổ là chuyện thường, đặc biệt là cây rễ chùm bám cạn, dễ gãy như phượng, lim xẹt", ông Hùng nói.

Hơn 15.000 cây xanh gãy đổ ở Huế sau bão số 5, có bất thường? - Ảnh 1
Bão số 5 đi qua khiến hơn 15.000 cây xanh tại Huế bị gãy, đổ. (Ảnh: Internet)

Xem xét lại quy hoạch cây xanh

Trao đổi với Zing, Th.s Phạm Cường, Giám đốc Trung tâm Thực hành và nghiên cứu lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm Huế, dùng từ "bất thường" để nói về hiện tượng cây xanh tại Thừa Thiên Huế gãy đổ hàng loạt sau bão số 5.

"Huế là địa phương miền Trung thường xuyên hứng chịu mưa bão, nhưng việc cây gãy đổ nhiều như trận bão này rất hiếm gặp", ông Cường nhận định.

Theo chuyên gia lâm nghiệp, hàng nghìn cây xanh không đổ một cách ngẫu nhiên mà có quy luật rõ ràng. Không cần tới chuyên gia, người dân bình thường cũng nhận thấy những gốc cây bị đánh bật khỏi vỉa hè có quá ít rễ cọc, trong khi phía trên là cành tán xum xuê.

Vị chuyên gia lâm nghiệp nhận định những cây bị gãy thân hoặc cành là do chiều cao, kích thước tán quá lớn. Sau nhiều năm không phải đón bão lớn, cây xanh ở Huế đã phát triển rất tốt, ngọn cây vươn cao hơn 10 m. Tuy nhiên, việc cắt tỉa bớt chiều cao, chiều rộng cành lá lại chưa được làm kịp thời.

Với những cây bị bật gốc, ông Cường và các sinh viên đã khảo sát, đo đạc kích thước bộ rễ của cây. "Đặc điểm chung của những cây này là đường kính gốc cây nhỏ, bộ rễ không phát triển thêm nhiều so với khi được trồng", ông Cường nhận định.

Hơn 15.000 cây xanh gãy đổ ở Huế sau bão số 5, có bất thường? - Ảnh 2
Theo một số chuyên gia, hàng nghìn cây xanh không đổ một cách ngẫu nhiên mà có quy luật rõ ràng. (Ảnh: Internet)

Theo vị giảng viên Đại học Nông Lâm Huế, nhiều cây cổ thụ gãy đổ do bị mối mọt. Những cây bị bệnh này cần phải đốn bỏ nhưng cơ quan chức năng chưa có kinh phí hoặc tâm lý sợ áp lực dư luận nên vẫn để lại.

"Cây xanh ở Huế chỉ cần đủ cao để che bóng cho người đi đường. Những cây cao trên 10 m phải được hạ độ cao trước mùa mưa bão. Cơ quan chức năng cũng phải khảo sát những cây bị nghiêng, mối mọt, thối rễ, mạnh dạn đốn hạ để tránh nguy cơ gãy đổ", ông Cường chia sẻ.

Còn chuyên gia sinh vật cảnh Nguyễn Hữu Vấn, chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Thừa Thiên Huế, cho rằng không chỉ Thừa Thiên Huế mà các tỉnh thành miền Trung - khu vực mỗi năm đón cả chục cơn bão lớn nhỏ - cần phải xem xét lại việc quy hoạch trồng cây xanh cảnh quan đô thị.

Ông Vấn nói rằng cây được chọn trong đô thị phải là loại cây thấp (đặc biệt chiều cao phải dưới đường dây điện), có bộ rễ cọc cắm sâu xuống lòng đất, hàng cây phải được cắt tỉa cao bằng nhau. Những cây phù hợp với đô thị, theo ông Vấn, là cây me tây, cây long não, cây muồng...

Ông Vấn cho rằng đô thị ở các tỉnh miền Trung khác với các địa phương ở hai đầu đất nước như TP.HCM, Hà Nội - nơi ít có bão lớn nên không thể trồng nhiều cây cổ thụ. "Nếu có thì cần phải làm kèo chống bằng trụ sắt, làm sao vừa giữ được cây chắc chắn vừa đảm bảo mỹ quan đô thị" - ông Vấn nói.

Bão Noul đổ bộ vào Thừa Thiên Huế sáng 18/9 đã làm 4 người chết, 92 người bị thương. Hơn 21.280 căn nhà sập và tốc mái, hơn 10.000 cây xanh đường phố ở Huế bị gãy đổ. 20 trường học bị tốc mái; 1.130 hecta rừng, 860 hecta cao su bị gãy đổ; 38 hecta nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại... Tổng thiệt hại ước tính 505 tỉ đồng, trong đó riêng cây xanh đường phố, công viên khoảng 50 tỉ đồng.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Hơn 15.000 cây xanh gãy đổ ở Huế sau bão số 5, có bất thường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới