Hoàn thiện chính sách phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình
Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đầu tiên được lập cho hệ thống này, giúp cải tạo, phục hồi nguồn nước, tối ưu sử dụng nước và vận hành liên hồ chứa, nâng cao giá trị sử dụng nước.
Lưu vực sông Hồng - Thái Bình là một lưu vực sông liên quốc gia chảy qua 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào với tổng diện tích tự nhiên vào khoảng 169.000km2, trong đó, phần lưu vực nằm ở Việt Nam là lớn nhất, với hơn 50%. Đây là lưu vực sông lớn nhất cả nước chảy qua 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 30 triệu người dân đang sinh sống.
Mới đây, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo “Định hướng quản lý, khai thác, sử dụng phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình”.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, hệ thống sông Hồng - Thái Bình đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, như: phân bố nguồn nước không đều giữa mùa khô và mùa mưa, ô nhiễm nước dẫn đến chất lượng nước không bảo đảm, ảnh hưởng của các hồ chứa ở thượng lưu tác động đến bồi xói lòng, bờ bãi sông, bồi xói cửa sông và xâm nhập mặn vùng cửa sông, sự cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, đặc biệt là giữa phát điện và sản xuất nông nghiệp…
Với mục tiêu bám sát quan điểm nhất quán của Chính phủ về phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo đó, tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp theo lưu vực sông, thống nhất về số lượng, chất lượng, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch của các ngành có khai thác, sử dụng nước, tôn trọng quy luật tự nhiên, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, nâng cao giá trị của nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu.
TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch, điều tra tài nguyên nước Quốc gia chia sẻ, để có thể đảm bảo các mục tiêu quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình đến năm 2030, một số chỉ tiêu cơ bản cần đạt được bao gồm: 60% vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát tự động, trực tuyến và 40% còn lại được giám sát định kỳ; 100% nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối theo quy định; 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị đa đa dạng sinh học cao được công bố; 70% nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và có cắm mốc.
Do đó, Quy hoạch sẽ đưa ra phân đoạn sông, phân vùng chức năng nguồn nước, mục đích sử dụng nước và mục tiêu chất lượng nước. Trong đó, chỉ rõ lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên từng nguồn nước, dòng chảy tối thiểu trên sông và ngưỡng giới hạn khai thác của các tầng chứa nước; lượng nước phân bổ cho các đối tượng sử dụng theo không gian (vùng/tiểu vùng sông) và theo thời gian.
Quy hoạch cũng chỉ rõ các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng phát triển tài nguyên nước thuộc quy mô cấp phép ở Trung ương và mạng giám sát tài nguyên nước, giám sát quy hoạch. Bên cạnh đó, quy hoạch đưa ra dự báo nhu cầu nước theo lưu vực và phân bổ cụ thể cho các ngành sử dụng.
“Đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đầu tiên được lập cho hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình, cụ thể hóa các quan điểm trong Quy hoạch Tài nguyên nước và dựa trên các quy hoạch có khai thác, sử dụng nước. Chúng tôi kỳ vọng thông qua quy hoạch có thể cải tạo, phục hồi nguồn nước, tối ưu sử dụng nước và vận hành liên hồ chứa, nâng cao giá trị sử dụng nước, ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương, thách thức lớn hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường nước nhiều nơi đang ở mức báo động, đặc biệt là ở hệ thống Bắc Hưng Hải. Để giải quyết vấn đề này rất cần có đề án, chương trình tổng thể cho toàn bộ lưu vực sông. Tỉnh sẽ tiếp thu Quy hoạch lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình để đưa vào quy hoạch chung của tỉnh, dự kiến, sẽ trình Chính phủ trong tháng 12.
Được biết, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình được Bộ TN&MT giao Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia triển khai để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2022.
Theo ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, hiện nay, Trung tâm đã hoàn thành công tác xây dựng các mô tính toán tài nguyên nước tính toán 5 tiểu lưu vực sông gồm Đà, Thao, Lô – Gâm, Cầu – Thương và vùng ĐB sông Hồng và 93 vùng tính toán theo các tần suất 50%, 85%, 95%; đánh giá hiện trạng chất lượng nước trên các sông chính, sông quan trọng, sông có nhiều hoạt động khai thác, sử dụng nước và tiếp nhận nước thải; đánh giá biến động nguồn nước trong kỳ quy hoạch theo Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Chí Công, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia cho biết: Hiện nay các vấn đề tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình ngày càng diễn biến phức tạp, do đó, cần thiết phải lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình.
Cụ thể, các vấn đề tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình đó là: Phụ thuộc và chịu tác động của dòng chảy đến từ Trung Quốc; Cạnh tranh mâu thuẫn sử dụng nước thượng – hạ lưu đã xảy ra ở trên sông Hồng – Thái Bình; Mực nước sông Hồng bị hạ thấp trong những năm gần đây; biến đổi lòng dẫn của hệ thống sông Hồng – Thái Bình; Tình trạng hạn hán thiếu nước về mùa kiệt; Những dự án chuyển nước chưa trong khuôn khổ của quy hoạch tài nguyên nước; Một số đề xuất xây dựng các công trình trên sông Hồng chưa trong khuôn khổ của quy hoạch tài nguyên nước; Ô nhiễm nguồn nước; hệ sinh thái thủy sinh với các loài thủy sản quý hiếm bị đe dọa; Thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô diễn ra phổ biến chủ yếu ở khu vực vùng núi; Khai thác nước dưới đất quá mức và không hợp lý; Xâm nhập mặn các tầng chứa nước...
Lan Anh