Hoàn thiện quy hoạch các lưu vực sông để quản lý tài nguyên nước bền vững
Để phát triển bền vững an ninh nguồn nước, hài hòa lợi ích giữa các đối tượng sử dụng nước, việc quy hoạch tài nguyên nước là rất cần thiết.
Hoàn thiện Quy hoạch lưu vực sông Hồng - Thái Bình
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa tổ chức họp báo cáo về Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì.
Thông tin tại cuộc họp cho biết, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình được Bộ TN&MT giao Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia triển khai để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2022.
Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành công tác thu thập số liệu, tài liệu về chất lượng nước, đa dạng sinh học và hệ sinh thái thủy sinh, các giải pháp bảo vệ, phục hồi môi trường nước các nguồn nước mặt ô nhiễm nghiêm trọng; rà soát, bổ sung thông tin số liệu từ nhóm dự án đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước các lưu vực sông Hồng – Thái Bình để phù hợp với yêu cầu quy hoạch.
Theo ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, hiện nay, Trung tâm đã hoàn thành công tác xây dựng các mô tính toán tài nguyên nước tính toán 5 tiểu lưu vực sông gồm Đà, Thao, Lô – Gâm, Cầu – Thương và vùng ĐB sông Hồng và 93 vùng tính toán theo các tần suất 50%, 85%, 95%; đánh giá hiện trạng chất lượng nước trên các sông chính, sông quan trọng, sông có nhiều hoạt động khai thác, sử dụng nước và tiếp nhận nước thải; đánh giá biến động nguồn nước trong kỳ quy hoạch theo Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020.
Để phát triển bền vững an ninh nguồn nước, hài hòa lợi ích giữa các đối tượng sử dụng nước, việc quy hoạch tài nguyên nước là rất cần thiết và cần được thực hiện ngay cho lưu vực sông Hồng – Thái Bình, một trong những lưu vực sông lớn và có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của nước ta.
Thực hiện nhiệm vụ trên, Trung tâm đã trao đổi và cung cấp các tài liệu, số liệu của quy hoạch tổng hợp 2 lưu vực sông để Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện xây dựng báo cáo ĐMC; tiếp tục phối hợp triển khai trong quá trình thực hiện đảm bảo quy định về trình tự, thủ tục nêu tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, đơn vị đã tổ chức Hội thảo kỹ thuật để lấy ý kiến góp ý cho các kết quả tính toán tài nguyên nước, công tác xây dựng mô hình, các nội dung chính dự kiến sẽ thể hiện trong hồ sơ, sản phẩm quy hoạch …
Kết quả đạt được đó là hoàn thành đánh giá trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước trên toàn lưu vực, hiện trạng chất lượng các tầng chứa nước, diễn biến và xu thế biến động mực nước các tầng chứa chính nước bằng phương pháp mô hình dòng chảy; thống kê, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước mặt theo các ngành kinh tế - xã hội như sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, thủy điện, giao thông thủy; xác định các chỉ tiêu, tiêu chuẩn sử dụng nước, chỉ tiêu phát triển của các ngành kinh tế - xã hội.
Đồng thời, Trung tâm đã hoàn thành việc xây dựng kịch bản tính toán phục vụ lập quy hoạch theo giai đoạn hiện trạng và trong kỳ quy hoạch (2025, 2030, 2050) với các yếu tố tác động như nguồn nước thượng lưu, biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, hiện trạng khai thác, sử dụng nước.
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức Hội thảo “Định hướng quản lý, khai thác, sử dụng phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình” dự kiến ngày 29/6/2022; phối hợp với các đơn vị triển khai công tác đánh tác động môi trường chiến lược, xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ, sản phẩm chính của Quy hoạch như báo Báo cáo tổng hợp, Bản đồ quy hoạch…dự thảo Tờ trình, Quyết định phê duyệt quy hoạch;...
Cấp thiết quy hoạch các lưu vực sông
Tài nguyên nước là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Bên cạnh đó, phát triển kinh tế nhanh chóng cũng là nguyên nhân tạo ra những áp lực lên tài nguyên nước.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), thời gian qua, chất lượng nguồn nước các lưu vực sông chính đã và đang dần được kiểm soát về mức độ gia tăng ô nhiễm, đặc biệt là các đoạn sông ô nhiễm nghiêm trọng như sông Cầu (Thái Nguyên), sông Thị Vải (Đồng Nai), sông Đồng Nai (Đồng Nai, Bình Dương).
Trong bối cảnh đó, Quy hoạch tài nguyên nước là “chìa khóa” để giải quyết những yêu cầu của thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước về nguồn tài nguyên này. Đồng thời, góp phần khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, hiện nay, Bộ TN&MT đang gấp rút xây dựng Luật tài nguyên nước sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội vào đầu năm 2023.
Quy hoạch dự báo, nhận định xu thế diễn biến tài nguyên nước mặt theo lưu vực sông cho các thời kỳ, giai đoạn 2025, 2030, 2050 và có xét đến các yếu tố biến đổi khí hậu, nhận định, dự báo xu thế diễn biến mực nước dưới đất trên các lưu vực sông. Đặc biệt, Quy hoạch đã tính toán, phân tích, nhận định, đánh giá khả năng đáp ứng của nguồn nước cho các nhu cầu nước của tất cả các lĩnh vực và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông theo các tần suất nước các giai đoạn của quy hoạch. Kết quả này là cơ sở quan trọng để xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch.
Đặc biệt, Quy hoạch đã xác định thứ tự ưu tiên, xác định các vấn đề chính của các lưu vực sông cần phải giải quyết khi thực hiện xây dựng quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Quy hoạch là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương lấy làm căn cứ xây dựng, điều chỉnh chương trình, mục tiêu phát triển, cũng như các quy hoạch có hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, khai thác hiệu quả tài nguyên nước, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hội nhập khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, để khắc phục, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước cho các dòng sông, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên trên phạm vi cả nước; rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; lập danh mục các nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt để có giải pháp cải thiện, phục hồi.
Bên cạnh đó, thanh kiểm tra, việc xử lý nghiêm đối với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, gây ô nhiễm nguồn nước và công bố công khai các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin, truyền thông để tạo áp lực xã hội là những biện pháp răn đe có hiệu quả.
Thông tư số 04/2020/TT-BTNMT ngày 3/6/2020 quy định kỹ thuật quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, gồm 4 Chương, 36 Điều với mục tiêu: (1) bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Tài nguyên nước đối với quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; (2) là cơ sở xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, quản lý chất lượng, tổ chức thực hiện việc lập và điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; (3) góp phần quản lý, khắc phục tồn tại, thách thức ở tình huống cấp bách và lâu dài về tài nguyên nước đồng thời tạo công cụ quản lý, điều chỉnh được các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trong kỳ quy hoạch.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Khuyến, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành để cụ thể hóa quy hoạch tài nguyên nước quốc gia. Bộ TN&MT có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật cho các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành trong đó có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh. Do đó, việc ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BTNMT đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch được quy định tại Luật Quy hoạch.
Lan Anh