Thứ bảy, 07/09/2024 20:26 (GMT+7)
Thứ ba, 06/09/2022 10:50 (GMT+7)

Hà Nội: Hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường

Theo dõi KTMT trên

Triển khai đồng bộ các giải pháp, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc nhằm tiến tới xây dựng Thủ đô có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 235/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ “Về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND, về việc thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ “Về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025” trên địa bàn TP.Hà Nội.

Theo đó, kế hoạch nhằm huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông tiến tới xây dựng Thủ đô có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện với môi trường…

UBND TP.Hà Nội đặt chỉ tiêu phấn đấu hằng năm giảm từ 5%-10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020.

Vận tải hành khách công cộng đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả; phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30%-35% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Hà Nội lần thứ XVII.

Hà Nội: Hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường - Ảnh 1
Mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông Thủ đô an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Hằng năm xử lý từ 7 đến 10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông.

Để triển khai kế hoạch trên, UBND TP.Hà Nội đặt ra 10 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Một trong số đó là đầu tư kết nối, khép kín các tuyến đường vành đai (trong đó tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3.5 và Vành đai 4); các trục hướng tâm, các trục chính đô thị chủ yếu, các tuyến có tính liên vùng; hệ thống các cầu qua sông; các nút giao thông trọng điểm, nút giao khác mức; các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch; các công trình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông và bảo đảm an toàn giao thông…

Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn; lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào các quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trái phép gây cản trở giao thông, nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trên thực tế, khí thải từ các phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong là một phần nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe người dân. Đặc biệt là tại các đô thị lớn, có mật độ xe cộ đông đúc như TP.Hà Nội, việc kiểm soát nguồn phát thải này càng trở nên cấp bách.

Đáng chú ý, xe cũ đang là một trong những nguồn phát thải khí độc hại ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm không khí đòi hỏi ngành chức năng cần sớm thu hồi, không cho tham gia giao thông.

Theo các chuyên gia về môi trường, tình trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM và Hà Nội do các phương tiện giao thông gây ra còn nhiều hơn cả ô nhiễm từ các KCN. Điều đáng quan tâm hiện nay là lượng khí thải từ hàng triệu phương tiện mỗi ngày xả trực tiếp ra môi trường có những chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, hoạt động của phương tiện giao thông cũng tạo ra những bụi bay lơ lửng trong không khí khá cao.

Theo thống kê của Ban ATGT Hà Nội, tính đến đầu năm 2022, tổng số phương tiện đang được quản lý trên địa bàn TP là hơn 7,5 triệu. Trong đó, mô tô, xe gắn máy là gần 6,4 triệu phương tiện, gấp 6 lần so với xe ô tô. Đây là nguồn phát thải rất lớn nhưng vẫn bị thả nổi trong công tác kiểm soát, đo lường độc hại đối với môi trường, không khí.

Với số lượng lớn phương tiện tham gia giao thông nên lượng khí thải xả ra môi trường cũng rất lớn. Trên các tuyến phố (Tây Sơn, Trường Chinh, Giải Phóng, Nguyễn Xiển… luôn trong tình trạng khói bụi. Nhất là vào những khung giờ cao điểm, tại các ngã tư, mật độ người tham gia giao thông lớn không những gây ùn tắc giao thông mà khí thải của các phương tiện xả ra khi dừng chờ đèn đỏ gây ngột ngạt, khó chịu cho những người tham gia giao thông. 

Vừa qua, chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn TP.Hà Nội đã được thực hiện làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí và xây dựng giải pháp giao thông bền vững. Trong đó gồm 5 hoạt động chính: Đo kiểm khí thải và hỗ trợ bảo dưỡng đối với mô tô, xe máy; thí điểm tiếp nhận xe máy cũ thải bỏ và hỗ trợ chuyển đổi xe mới; tham vấn ý kiến người dân và chuyên gia, các cơ quan ban, ngành liên quan về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy; đánh giá tác động kinh tế - xã hội và môi trường của việc kiểm soát khí thải xe máy; đề xuất các giải pháp kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Trao đổi về vấn đề này, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) TS Hoàng Dương Tùng nhận định: "Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách, lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường. Việc kiểm soát khí thải đối với xe máy đã được đề ra nhiều năm nhưng đến nay chưa thực hiện được. Đã đến lúc cần kiểm soát khí thải đối với xe máy để hạn chế nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí tại các đô thị, bảo vệ môi trường”.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.