Thứ sáu, 03/05/2024 13:09 (GMT+7)
Thứ ba, 12/07/2022 15:00 (GMT+7)

Ùn tắc giao thông đang khiến TP.HCM mất đi hơn 138.000 tỷ mỗi năm

Theo dõi KTMT trên

Qua tính toán của Sở GTVT TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển, với tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay, TP.HCM ước tính thiệt hại khoảng 6 tỷ USD/năm (hơn 138.000 tỷ đồng).

Sáng 12/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có buổi làm việc với UBND TP.HCM để đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 53 năm 2005 và Kết luận số 27 năm 2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Thông tin tại hội nghị, ông Phan Công Bằng - Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM  cho biết, qua tính toán của Sở và Viện Nghiên cứu phát triển, với tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay, TP.HCM ước tính thiệt hại khoảng 6 tỷ USD/năm (hơn 138.000 tỷ đồng).

Tình trạng kẹt xe tại TP.HCM và khu vực Đông Nam bộ được lãnh đạo Sở GTVT lý giải do quy hoạch giao thông mới đầu tư giai đoạn 1, liên kết còn thiếu và gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Khu vực này chưa có hệ thống vành đai hoàn chỉnh, các tuyến quốc lộ, nút giao quan trọng cũng chưa được đầu tư, mở rộng.

Ùn tắc giao thông đang khiến TP.HCM mất đi hơn 138.000 tỷ mỗi năm - Ảnh 1
Mỗi năm TP.HCM mất hơn 138.000 tỷ vì nạn kẹt xe.

Ngoài ra, các loại hình vận tải như đường sắt, đường thủy cũng chưa được quan tâm đúng mức, luồng tuyến giao thông thủy không đồng cấp, nhất là về độ sâu.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết thêm, qua rà soát trong 400 thành phố ùn tắc lớn trên thế giới thì không có TP.HCM và Hà Nội. Hạ tầng giao thông tuy phát triển không theo mong muốn, quy hoạch nhưng các giải pháp của TP đã cơ bản giải quyết được tình trạng ùn tắc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, ách tắc giao thông hiện không chỉ là riêng vấn đề của giao thông mà còn liên quan tới không gian, quy hoạch, phân bố sự phát triển. Đặc biệt, câu chuyện xe máy từ thói quen của người dân cần được tính toán kỹ lưỡng. TP.HCM có giải pháp gì để sớm giảm dần hoặc loại bỏ xe máy hay không? Còn nếu cứ nói hoài, nói mãi mà lượng xe máy vẫn lưu thông như hiện tại thì không thể giải quyết được ách tắc, từ đó làm cản trở sự phát triển của địa phương.

Về giải pháp kéo giảm ùn tắc, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho hay, Sở GTVT đã nghiên cứu thực hiện một số đề án nhằm giảm phương tiện cá nhân, phát triển phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, các dự án đường vành đai 2, 3, 4 đã và đang được triển khai. Khi hoàn thành, các phương tiện đi vào khu vực trung tâm TP sẽ được giảm đi, tình trạng ùn tắc sẽ cải thiện.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận kẹt xe đang có những tác động lớn tới sự phát triển của địa phương. Để giải quyết bài toán này, TP đã triển khai đề án tổ chức lại giao thông công cộng, trong đó có nghiên cứu cả hành vi, thói quen, văn hóa giao thông. Như các tuyến metro, nếu chỉ làm từng tuyến rời rạc thì đến năm 2045, hệ thống metro trên địa bàn cũng chưa xong mà xong thì cũng không thể phát huy hiệu quả.

Để phát triển giao thông cho vùng Đông Nam bộ, ông Mãi cho rằng cần tập trung đầu tư đồng bộ mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt, trong đó cần ưu tiên phát triển giao thông công cộng.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, TP.HCM dù là đô thị lớn nhất Việt Nam nhưng tất cả các cửa ngõ tại đây đều ách tắc. Một, không có đột phá hình thành những đường cao tốc kết nối trung tâm thành phố với các địa phương. Hai, bản thân nội đô thành phố cũng ùn tắc nghiêm trọng, thiếu các đường Bắc – Nam, Đông – Tây mang tính chất đường trục chính để đáp ứng nhu cầu vận tải.

“Tình hình này nếu không cải thiện được thì TP.HCM sẽ trở thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam và có thể là trong khu vực Đông Nam Á”, ông Thể nói.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Ùn tắc giao thông đang khiến TP.HCM mất đi hơn 138.000 tỷ mỗi năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ngày 2/5: QUỐC HỘI HỌP BẤT THƯỜNG XEM XÉT CÔNG TÁC NHÂN SỰ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Kỳ họp sẽ diễn ra trong buổi chiều 2/5/2024 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Ngày vui thống nhất non sông
Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!

Tin mới