Thứ hai, 25/11/2024 23:05 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/07/2022 11:55 (GMT+7)

Đốt rơm rạ gần đường giao thông, khu dân cư sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng

Theo dõi KTMT trên

Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính sẽ bị phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Mức phạt lên đến 3 triệu đồng

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó quy định cụ thể mức xử phạt đối với vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.

Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, kiểm kê, báo cáo và quản lý thông tin về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y theo quy định; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định và gây ô nhiễm môi trường.

Đốt rơm rạ gần đường giao thông, khu dân cư sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng - Ảnh 1
Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính sẽ bị phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng. (Ảnh minh hoạ)

Đối với hành vi không thực hiện việc đánh giá và kiểm soát hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.

Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép và gây ô nhiễm môi trường.

Đối với hành vi nhập khẩu hóa chất, vật liệu chứa hóa chất nguy hại không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng.

Thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước bị phạt đến 50 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định mức phạt đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường kéo dài. Cụ thể, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước trái quy định về bảo vệ môi trường.

Đối với hành vi thải các nguồn gây dịch bệnh vào môi trường bị áp dụng hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước (nước ngầm, nước mặt bên trong và ngoài khuôn viên của cơ sở) hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đất, nước, không khí xung quanh bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 50-80 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 3 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc dưới 5 lần đối với thông số môi trường thông thường;

Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 3 lần đến dưới 5 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 5 lần đến dưới 10 lần đối với thông số môi trường thông thường;

Phạt tiền từ 100-150 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 05 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 10 lần trở lên đối với thông số môi trường thông thường.

Lượng bụi mịn PM2.5 phát sinh từ việc đốt rơm rạ rất lớn

Theo kết quả “Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng” của Sở TN&MT Hà Nội cho biết, tổng diện tích canh tác lúa trên địa bàn TP.Hà Nội là 67.493 ha, chiếm khoảng 20% diện tích canh tác lúa (được phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô). Tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn.

Trong đó, tỉ lệ rơm rạ bị đốt ngoài đồng ruộng trung bình là 20%, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ phát sinh lượng bụi mịn PM2.5 rất lớn. Đây là vấn đề đáng quan ngại khi PM2.5 được coi là sát thủ trong không khí, nguyên nhân của hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch. Các quận, huyện có tỉ lệ đốt rơm rạ cao từ 35-60% là: Gia Lâm, Hoàng Mai, Thường Tín, Thạch Thất và Chương Mỹ.

Đáng chú ý, các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt rơm rạ có thể lan trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người không sống gần nơi đốt rơm rạ, làm tăng ô nhiễm môi trường không khí, làm tăng nguy cơ bệnh tật cho cộng đồng, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, tình trạng đốt rơm rạ không kiểm soát và đốt không cháy hoàn toàn nên dễ phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí như bụi PM 2.5, PM 10... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính những người dân tại đó và cả những người dân sống ở những khu vực không có hiện tượng đốt rơm rạ.

"Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO, đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Không những vậy, với lượng khói dày đặc, mù mịt sẽ làm giảm tầm nhìn, khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông", ông Đăng nhấn mạnh.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Đốt rơm rạ gần đường giao thông, khu dân cư sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới