Thứ bảy, 20/04/2024 03:55 (GMT+7)
Thứ tư, 28/10/2020 10:56 (GMT+7)

Giải pháp cho đất nhiễm phèn, mặn

Theo dõi KTMT trên

Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (UDTB KH&CN) TP.Cần Thơ đã nghiên cứu và cho ra đời thiết bị tạo nước ion nông nghiệp giúp cải tạo nước tưới nông nghiệp nhằm tăng khả năng hấp thụ của cây trồng.

Biến đổi khí hậu đã khiến xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến chất lượng nước trong canh tác và sinh hoạt bị suy giảm. Trong đó, quá trình nhiễm mặn ngày càng gia tăng làm cho diện tích đất trồng bị thu hẹp. Vì vậy việc cải tạo nước tưới nông nghiệp nhằm tăng khả năng hấp thụ của cây trồng là vấn đề cấp bách hiện nay.

Trong bối cảnh nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn ngày càng sâu hơn vào nội đồng thì công nghệ nước ion nông nghiệp (còn gọi là nước từ tính) được xem là một giải pháp góp phần khắc phục vấn đề này.

Giải pháp cho đất nhiễm phèn, mặn - Ảnh 1
Kỹ sư Hồ Quốc Hùng (trái) trao đổi với nông dân trồng quýt ở huyện Cờ Đỏ về sử dụng thiết bị tạo nước ion nông nghiệp. (Ảnh: Trung tâm cung cấp)

Kỹ sư Hồ Quốc Hùng, Phó Trưởng Phòng Thí nghiệm - cơ khí - tự động hóa - vật liệu mới, Trung tâm UDTB KH&CN TP.Cần Thơ, tác giả của giải pháp, cho biết: Nước ion nông nghiệp nhằm tạo ra nước từ tính để cải thiện nguồn nước đang bị nhiễm mặn hiện nay. Nước từ tính là nước được xử lý bằng cách cho nước bình thường chạy qua trường điện từ (hệ thống gồm nam châm vĩnh cửu hoặc nam châm điện, kết hợp với bể điện phân và va đập phân tử) để làm thay đổi bản chất của nước.

Công nghệ từ trường thực hiện chức năng làm tơi mới, tăng sức căng bề mặt và giảm độ nhớt của nước. Ðặc biệt, từ trường giúp ion hóa nguồn nước và chuyển đổi cấu trúc phân tử của nước thành các cụm nhỏ hơn, giúp cây dễ hấp thụ chất dinh dưỡng có trong nước và đất, đồng thời, tránh dư lượng phân bón trong đất quá cao dẫn đến bạc màu và chai đất. Qua đó, giúp cây trồng lớn nhanh, tăng năng suất và chất lượng; cải tạo đất, cân bằng hệ sinh thái trong đất.

Trung tâm UDTB KH&CN TP.Cần Thơ đã phối hợp với Bộ môn Khoa học đất, Khoa Nông nghiệp, Trường Ðại học Cần Thơ và Trại thực nghiệm của Trung tâm tiến hành các khảo nghiệm thực tế: trồng cải xanh trên đất nhiễm mặn và trồng cải mầm trên các giá thể (hỗn hợp hoặc vật liệu tạo môi trường cho sự phát triển của cây trồng) khác nhau. Kết quả cho thấy, thời gian xử lý nước tương đối ngắn nhưng hiệu quả mang lại cao. Cây trồng được tưới nước xử lý từ trường hấp thụ dưỡng chất trong đất và phân bón tốt hơn. Cụ thể, cây phát triển tốt hơn gấp gấp 1,47 lần so với nghiệm thức sử dụng nước chưa xử lý và gấp 1,29 lần so với nghiệm thức sử dụng nước máy. Chất lượng của các loại cây đều tốt, sinh trưởng khỏe và không có sâu bệnh hại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Ðông, giảng viên Khoa Nông nghiệp, Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết: “Nước được xử lý từ trường sẽ làm gia tăng độ hòa tan của muối trong đất, giúp rửa mặn dễ dàng. Ðây là phương pháp hiệu quả để cải tạo đất nhiễm mặn hiện nay”. Nước tưới ion nông nghiệp có thể áp dụng để xử lý với nước máy, nước giếng, nước sông, ao hồ nhiễm phèn và nước mặn dưới 3‰. Tùy theo từng loại nước khác nhau mà gắn những thiết bị thích hợp. Người dân muốn lắp thiết bị này cần có nơi chứa nước, có thể là bồn, ao, hoặc kênh nước trong vườn cây ăn trái. Ðiều tiện lợi là có thể lắp được những nơi có nguồn điện yếu. Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu để hệ thống có thể sử dụng bình ắc quy hoặc pin năng lượng mặt trời.

Công nghệ nước tưới này đã được áp dụng thử nghiệm tại Hợp tác xã Rau an toàn Hòa Phát ở quận Ô Môn và cho hiệu quả tốt về năng suất, chất lượng. Ngoài áp dụng cho rau màu ngắn ngày, các nhà khoa học còn tiến hành nghiên cứu áp dụng nước tưới ion nông nghiệp trên cây dược liệu và cây ăn trái; đồng thời nghiên cứu trong việc xử lý nước ao nuôi thủy sản. Ðối với cây dược liệu cho thấy, cây lớn nhanh hơn, dược tính cao hơn.

Còn với cây ăn trái, công nghệ này đã được thực nghiệm tại vùng trồng quýt ở huyện Cờ Ðỏ. Vùng này không nhiễm mặn, nhưng nước bị nhiễm phèn khá cao, đồng thời cũng bị nhiễm bẩn nên bộ xử lý nước từ tính được lắp đặt đầy đủ hơn, tích hợp nhiều kỹ thuật, nhằm xử lý nguồn nước đạt chuẩn cho cây trồng.

Với hiệu quả đã được kiểm định, thân thiện môi trường và chi phí vận hành thấp, thiết bị tạo nước ion nông nghiệp của Trung tâm UDTB KH&CN TP.Cần Thơ đang được các đơn vị, người dân có nhu cầu quan tâm, đặt hàng.

Lệ Thu

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp cho đất nhiễm phèn, mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới