Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII: Cần tính toán giá điện hiệu quả, hợp lý
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cần nghiên cứu tính toán giá điện hiệu quả, hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam và theo cơ chế thị trường có sự điều phối hợp lý của Nhà nước khi điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Liên quan đến Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), kết luận của Thường trực Chính phủ cho biết, đến nay, Bộ Công Thương đã tiếp thu, giải trình được một số chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Thủ tướng.
Cụ thể, về tỷ trọng sản lượng điện từ nguồn điện nền dự kiến đạt trên 60% trong giai đoạn 2030 – 2035. Điều này đòi hỏi việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phải chú trọng nghiên cứu và bổ sung các dự án điện gió ngoài khơi có tiềm năng xuất khẩu, đặc biệt sang Malaysia và một số quốc gia ASEAN khác.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã bổ sung nguồn điện hạt nhân cùng với việc cập nhật danh mục các dự án điện gió ngoài khơi. Dự kiến đến năm 2030, nếu điều kiện cho phép, sẽ hình thành các trung tâm công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại những khu vực có tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Về mặt phát triển hạ tầng, dự thảo đặt mục tiêu thúc đẩy các cụm nhà máy điện LNG và xây dựng hệ thống lưới truyền tải ven bờ biển được tính toán hợp lý nhằm giải tỏa công suất của các nhà máy điện gió ngoài khơi, đồng thời đảm bảo khả năng xuất khẩu điện.
Đặc biệt, dự thảo đã tiếp thu đề xuất của TP.Hải Phòng về việc bổ sung dự án điện khí LNG với công suất 1.600 MW cho giai đoạn vận hành từ 2031 đến 2035; giải trình các giải pháp, phải đảm bảo không để thiếu điện trong mọi tình huống...
Theo kết luận, các kiến nghị từ địa phương liên quan đến LNG (sau năm 2030), điện rác, điện sinh khối, thủy điện và điện gió… đã được Bộ Công Thương tính toán và bổ sung vào nội dung điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Tuy nhiên, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ lưỡng và tiếp thu tối đa các đề xuất về nguồn điện từ địa phương. Các giải pháp này cần phải đảm bảo sự cân đối giữa nguồn điện và phụ tải, cải thiện hiệu quả hệ thống truyền tải, nhằm ngăn ngừa lãng phí, mất cân đối và các chi phí đầu tư cao phát sinh.
Song song với đó, việc tính giá điện cũng phải được tiến hành một cách hợp lý, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam, theo cơ chế thị trường dưới sự điều phối hợp lý của Nhà nước.
Bên cạnh đó, quy hoạch cũng đề ra hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng, điển hình như các trung tâm nhiệt điện tại Ô Môn, Cà Mau, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ninh, Hải Phòng,… với nguyên tắc khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có, đặc biệt hỗ trợ các tỉnh nghèo không có điều kiện phát triển các ngành nghề khác.
Thêm vào đó, dự thảo quy hoạch xây dựng các trung tâm điện gió tập trung tại các đại phương đặt ở vị trí trọng tâm như Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Định và các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu. Điều này nhắm đến việc tận dụng cơ sở hạ tầng chung, giảm thiểu chi phí đầu tư, sản xuất và truyền tải điện.
Về quản lý và triển khai dự án, Bộ Công thương được giao nhiệm vụ cập nhật tiến độ cụ thể của các dự án điện quan trọng trong giai đoạn 2026 – 2028 theo từng năm. Đồng thời, Bộ sẽ rà soát, tính toán và xây dựng các kịch bản điều hành nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện hàng năm. Trong trường hợp xảy ra thiếu hụt điện do quản lý và điều hành, Bộ Công thương sẽ chịu trách nhiệm liên quan.
Trong ngắn hạn, đến năm 2028, Bộ Công thương cần rà soát và tính toán các chỉ số tăng trưởng phụ tải ở miền Bắc, tổng công suất nguồn cung điện và hệ thống lưới truyền tải theo đó điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Việc này nhằm đánh giá khả năng đảm bảo cung cấp điện đầy đủ cho miền Bắc trong giai đoạn 2026 – 2028, không để thiếu điện trong mọi tình huống…
H.A