Thứ bảy, 27/04/2024 11:57 (GMT+7)
Thứ bảy, 05/03/2022 11:00 (GMT+7)

Giá xăng tăng kỷ lục, doanh nghiệp vận tải cũng rục rịch tăng giá cước

Theo dõi KTMT trên

Từ đầu năm 2022 giá xăng dầu liên tục tăng đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải. Hiện nhiều doanh nghiệp đang gồng mình để tính toán, cắt giảm các chi phí để duy trì hoạt động kinh doanh.

Chưa kịp phục hồi sau dịch, giá xăng dầu tăng liên tiếp trong vòng một tháng qua đã giáng đòn nặng nề khiến hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải vào cảnh khó khăn. Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hoá cho biết đã hết sức chịu đựng và buộc tăng giá cước vận tải mới có thể duy trì hoạt động.

Nếu không tăng cước doanh nghiệp gần như không có lãi

Ông Nguyễn Công Hùng - Giám đốc taxi Mai Linh miền Bắc, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực. Giá xăng dầu tăng càng khiến lái xe mất thêm thu nhập, ngại việc và bỏ việc.

Trong khi đó, xăng dầu chiếm 35-40% giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải. Ông Hùng dự báo, chắc chắn các hãng taxi sẽ phải tăng giá cước nhưng tăng vào thời điểm nào, mức tăng như thế nào thì cần thời gian để nghiên cứu và đánh giá tình hình.

"Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thể khôi phục hoạt động, riêng vận tải hành khách đường bộ chỉ hoạt động 30% công suất. Nếu không tăng giá cước, người lao động không có thu nhập và sẽ nghỉ việc, nhưng khi tăng giá cước lại ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Điều này sẽ khiến khách sụt giảm mạnh hơn", ông Hùng nói.

Giá xăng tăng kỷ lục, doanh nghiệp vận tải cũng rục rịch tăng giá cước - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp vận tải đã tính đến việc tăng cước dịch vụ khi giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng không ngừng.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty Vận tải Cường Thắng cho biết, từ trước Tết, công ty đã phải đàm phán với đối tác về cước vận tải.

Đến nay, giá xăng tăng mạnh, nếu giữ mức cước như cũ thì doanh nghiệp gần như không có lãi. Tăng như thế nào để giữ chân khách hàng cũng là rất khó. Nếu tăng ít sẽ mất công làm các thủ tục để tăng giá cước, còn nếu tăng cao quá sẽ không có khách. Công ty hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng, để ngóng chờ diễn biến giá xăng. Tuy nhiên, dù muốn hay không, doanh nghiệp cũng buộc phải tính tới tăng giá cước.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết chi phí nhiên liệu hiện chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 40-45% trong cơ cấu giá thành vận tải.

Để cân đối thu chi khi giá nguyên liệu tăng mạnh như hiện tại, doanh nghiệp sẽ tính tới tăng giá cước. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến các chỉ số khác, như tiêu dùng, cước vận tải… làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu đi lại người dân.

Xu hướng giá xăng tăng vẫn chưa thể dừng

Nhận định về tình hình giá xăng trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, xu hướng giá xăng dầu chưa dừng lại ở mức như hiện nay mà dự báo sẽ tiếp tục tăng. Xăng dầu tăng có tác động gián tiếp rất lớn tới nhiều lĩnh vực. Các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất của việc tăng giá xăng dầu là vận tải, logistics, đáng bắt cá xa bờ và trong nông nghiệp.

Theo ông Long, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Khi giá xăng dầu thế giới tăng, giá trong nước tăng theo là tất yếu.

"Vấn đề là làm sao để giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá tăng thế giới. Chỉ có thể dùng hai công cụ là thuế và quỹ bình ổn giá xăng dầu. Dư địa quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện không còn nhiều, chỉ còn có thể dùng công cụ thuế; trong đó chỉ có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường," ông Long nói.

Về lâu dài, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), cho hay cần phải cải cách mạnh hơn trong điều hành kinh doanh xăng dầu để thực hiện đúng việc kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhằm xóa bỏ tình trạng “nửa vời” hiện nay.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tình trạng lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường kinh doanh trái pháp luật; xóa bỏ tình trạng bảo hộ bất hợp lý, không bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhằm tạo môi trường doanh nghiệp được tự chủ thực sự trong kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

Mới đây, Bộ Tài chính đã trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu khi giá xăng dầu tăng mạnh. Hiện các khoản thuế xăng dầu gồm thuế nhập khẩu với xăng dầu nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường với tổng các loại thuế, phí khoảng 10.000 đồng/lít.

Trong số đó, riêng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng đang là 3.800 đồng/lít xăng E5 RON92 và 4.000 đồng/lít xăng RON 95; dầu diesel là 2.000 đồng/lít và với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít.

Về phía Bộ Công Thương, bộ này cũng đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường giám sát, quản lý theo địa bàn.

Đồng thời, các đơn vị xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Giá xăng tăng kỷ lục, doanh nghiệp vận tải cũng rục rịch tăng giá cước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới