Gặp mặt nhân chứng lịch sử trong cuốn sách Phi công Mỹ ở Việt Nam
Sáng nay (12/7), tại Hà Nội, đã diễn ra buổi Gặp mặt nhân chứng lịch sử và giới thiệu cuốn sách "Phi công Mỹ ở Việt Nam” - phiên bản tiếng Anh.
Nhân kỷ niệm 24 năm Ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ và Kỷ niệm 75 năm lịch sử quan hệ Việt - Mỹ do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng; nhằm tri ân và tôn vinh những người lính đã ngã xuống, bị thương tật suốt đời, hoặc hy sinh cả tuổi thanh xuân ngoài chiến trường ở cả hai phía, trong những cuộc chiến kéo dài 20 năm của thế kỷ trước, sáng 12/7/2019 tại Hà Nội, Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Quỹ Mãi mãi tuổi 20, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Nhà xuất bản Thế Giới và Nhóm CCB “Trái tim Người lính” tổ chức buổi gặp mặt nhân chứng lịch sử “American pilots in Vietnam” (“Phi công Mỹ ở Việt Nam” - phiên bản tiếng Anh).
Toàn cảnh cuộc gặp mặt. |
Chủ trì buổi gặp mặt có Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ - Tổng biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam; bà Trần Hồng Dung - Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Mãi mãi tuổi 20; bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia III; Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm - Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới; đại diện Nhóm CCB “Trái tim Người lính” và Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng - Tác giả cuốn sách.
Chương trình có sự tham dự của các nhân chứng tiêu biểu trong cuộc chiến tranh Mỹ - Việt Nam. |
Mẹ Doãn Ngọc Trâm - Thân mẫu Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. |
Tham dự chương trình còn có các nhân chứng tiêu biểu như một số Tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang đã trực tiếp chiến đấu với lính bộ binh Mỹ trên chiến trường, cựu Trại trưởng, cựu Quản giáo Tù binh Mỹ tại Hỏa Lò, một số cựu Phi công MIG 21 đã trực tiếp không chiến với Phi công Mỹ trên bầu trời miền Bắc; một số cựu cán bộ Ngoại giao…
Đại tá Trần Trọng Duyệt - Cựu Trưởng trại tù binh Phi công Mỹ tại Hỏa Lò Hà Nội trước khi trao trả năm 1973. |
Gặp mặt nhân chứng lịch sử - "American pilots in Vietnam"
Vào đúng ngày này cách đây 24 năm, ngày 12/7/1995 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã trang trọng tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ…
Nhưng sự thật thì lịch sử quan hệ Việt - Mỹ đã có từ 75 năm trước, do Lãnh tụ Hồ Chí Minh khởi xướng từ năm 1944, khi "Tổ chức Việt Minh cứu hộ Trung úy William Shaw - Phi công Mỹ lái chiếc B-25 bị quân Nhật bắn rơi tại Cao Bằng. Lãnh tụ Hồ Chí Minh trực tiếp đưa Trung úy William Shaw vượt qua hàng ngàn cây số, từ Pắc Bó (Việt Nam) tới Côn Minh (Trung Quốc) trong sự kiểm soát gắt gao của các lực lượng thù địch.
Chuyến đi này chẳng những đã trao trả thành công viên phi công nói trên cho phía Mỹ, mà với tư cách là đại điện của tổ chức Việt Minh, Lãnh tụ Hồ Chí Minh còn gặp gỡ, hội đàm với Tướng không quân Mỹ là Claire Lee Chennault (1893 - 1958) - Tư lệnh Không đoàn 14, đơn vị có biệt danh “Hổ Bay”, đại diện cao nhất của quân Đồng minh tại khu vực, thuyết phục họ công nhận Việt Minh là một tổ chức chống Phát xít.
Sau cuộc gặp gỡ này, hai bên đã thoả thuận: Phía Việt Nam sẽ tăng cường lực lượng du kích và mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng này; cung cấp những thông tin tình báo và khí tượng cho Không quân Mỹ hoạt động trên chiến trường chống Nhật ở miền Bắc Đông Dương... Ngược lại, phía quân Đồng Minh có trách nhiệm đưa các chuyên gia sang giúp đỡ Việt Nam huấn luyện quân sự, đồng thời trang bị vũ khí, điện đài và các thiết bị khác. Tướng Chennault đã tặng Lãnh tụ Hồ Chí Minh tấm ảnh chân dung của mình với dòng chữ ghi đằng sau: "Bạn chân thành của tôi". Sau này, tấm ảnh đó có giá trị như một “tín vật” giúp Lãnh tụ Hồ Chí Minh kết nối các lực lượng, hỗ trợ cho Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.
Theo thỏa thuận giữa Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Tướng Mỹ Chennault, ngày 16 tháng 7 tháng 1945, một đơn vị tình báo đặc nhiệm mang bí danh “Con Nai” (The Deer Team) thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược OSS (The Office of Strategic Services, tiền thân của CIA Mỹ), đại diện cho quân Đồng Minh đã nhảy dù xuống Tân Trào, để huấn luyện giúp Việt Minh cách sử dụng một số trang bị vũ khí và bàn cách phối hợp chống phát xít Nhật. Nhóm “Con Nai” đã tích cực tham gia huấn luyện quân sự cho lực lượng của Việt Minh, tổ chức tiếp tế một số vũ khí hạng nhẹ, hàng quân sự cho Việt Minh. Để làm việc này, họ đã cố vấn cho ta xây dựng một sân bay dã chiến ở Lũng Cò, cách Tân Trào khoảng 8 km về hướng Tây Bắc, để tiếp nhận một số vũ khí viện trợ.
Tiếp đó, nhóm đặc nhiệm “Con Nai” đã cùng các chiến sĩ Việt Minh thành lập “Đại đội Việt - Mỹ” khoảng 200 người, do đồng chí Đàm Quang Trung (sau này là Thượng tướng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu Một, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước…) chỉ huy, Thiếu tá A.K.Thomas làm cố vấn, nhằm chung mục tiêu chống phát xít Nhật. Chính đơn vị này đã tham dự lễ xuất quân từ cây đa Tân Trào sau Quốc dân Đại hội và Quân lệnh số 1 phát động khởi nghĩa. Họ đã cùng chúng ta hành quân qua Thái Nguyên, về tận Hà Nội. Cho dù, sau đó những người lính Mỹ này đã được lệnh cấp trên "án binh bất động"… thì đó vẫn là lực lượng nước ngoài duy nhất đứng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trước khi trở về nước, những thành viên của nhóm “Con Nai” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm một sứ mệnh đặc biệt: Chuyển giúp thư của Người đến Chính phủ Mỹ, đề nghị Tổng thống Harry S. Truman công nhận độc lập và giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Nhưng tiếc là lịch sử đã đi theo hướng khác: Hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đã trở thành “đối thủ” trong một cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm…".
(Trích chương đầu tiên của cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam”: Lãnh tụ Hồ Chí Minh và những Phi công Mỹ đầu tiên có mặt tại Việt Nam - Đặng Vương Hưng).
Theo tinh thần của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, năm 1973, Mỹ đã rút các binh sĩ của mình tại miền Nam Việt Nam. Hai năm sau đó, miền Nam Việt Nam đã hoàn toàn được giải phóng. Nhưng khoảng 3 triệu người Việt Nam và 58.000 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh này. Chỉ riêng lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ đã có hàng ngàn máy bay bị bắn rơi và hàng trăm phi công bị bắt làm tù binh. Cũng trong năm 1973, Việt Nam đã trao trả cho phía Hoa Kỳ toàn bộ số tù binh phi công nói trên.
Tiến sĩ, Luật sư Đồng Xuân Thụ - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phát biểu tại chương trình. |
Một tư liệu thống kê từ phía Mỹ cho biết, trong số 591 tù binh chiến tranh được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao trả cho Chính phủ Hoa Kỳ từ miền Bắc Việt Nam năm 1973, về thành phần, thì có 325 người thuộc lực lượng Không quân, 138 người thuộc lực lượng Hải quân, 26 người trong lực lượng Thủy quân lục chiến và 77 người thuộc các lực lượng khác của quân đội Mỹ.
Ngoài ra, còn có 25 người là nhân viên dân sự của các cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ bị bắt trong chiến tranh Việt Nam. Xét về địa điểm trao trả, ngoài sân bay Gia Lâm - Hà Nội là chính, cùng thời gian trên, còn có 81 tù binh Mỹ được trao trả từ các địa chỉ khác: 69 người được Chính phủ Cách mạng lâm thời tổ chức trao trả tại miền Nam Việt Nam, họ đã lên máy bay từ Lộc Ninh.
Ban tổ chức chia sẻ quá trình chuẩn bị thực hiện chương trình. |
Ngoài ra, còn có 9 tù binh đã được trao trả từ Lào và 3 tù binh nữa được trao trả từ Trung Quốc... Nhiều người trong số các tù binh được Việt Nam trao trả đó đã tiếp tục phục vụ trong Quân đội Mỹ, được thăng tới hàm Tướng. Một số ít người đã tham gia hoạt động chính trị và trở thành yếu nhân, thậm chí còn là ứng cử viên tranh cử Tống thống Mỹ…
Sau ngày 30/4/1975, cùng với việc xây dựng đất nước trong hoà bình, với truyền thống nhân đạo, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã tích cực hợp tác với phía Hoa Kỳ để tổ chức các cuộc tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.
Khách mời và Ban tổ chức chương trình chụp ảnh lưu niệm. |
Kể từ năm 1985 tới nay, Văn phòng Tìm kiếm Người mất tích Việt Nam cùng Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DPAA) đã tìm được 727 bộ hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam. Thông tin trên được Đại sứ quán Hoa Kỳ đưa ra trong một thông báo vào sáng 25/6/2019. Chính phủ Mỹ và một số tổ chức nhân đạo cũng đã tích cực hỗ trợ Việt Nam xử lý vấn đề ô nhiễm bom mìn và chất độc hóa học…
Theo Môi trường và Đô thị