Chủ nhật, 28/04/2024 22:20 (GMT+7)
Thứ tư, 27/09/2023 13:57 (GMT+7)

Dùng cả thanh xuân “đội nắng, dầm mình" dưới dòng nước đen ngòm dọn rác cho Hà Nội thêm xanh

Theo dõi KTMT trên

Chàng trai trẻ Nguyễn Tiến Huy quê ở Hải Dương nhưng lại có một tình yêu vô bờ bến với Thủ đô Hà Nội. Huy đã sẵn sàng từ bỏ công việc của mình rồi cùng 3 người bạn thành lập nhóm Hà Nội Xanh để bảo vệ môi trường.

Anh Nguyễn Tiến Huy (SN 1995 - người sáng lập và điều hành nhóm Hà Nội Xanh) có thể ghi nhớ hết tên các con sông bị ô nhiễm trên địa bàn TP. Hà Nội. Có lẽ cũng vì thế mà chàng trai trẻ quê Hải Dương luôn đau đáu, muốn có thêm nhiều hành động đẹp, cống hiến hết mình vì môi trường, giúp Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.

Dùng cả thanh xuân “đội nắng, dầm mình" dưới dòng nước đen ngòm dọn rác cho Hà Nội thêm xanh - Ảnh 1
Mỗi tuần, nhóm sẽ triển khai từ 2 -3 buổi vào buổi sáng khoảng 20 – 25 thành viên đi dọn dẹp các con sông bị ô nhiễm. (Ảnh: Báo TN&MT)

Huy làm việc ở Hà Nội đến nay cũng được hơn 7 năm, anh thấy các sông, kênh mương của Thủ đô đang phải gánh sức nặng ô nhiễm từ nhiều nguồn thải gây ùn ứ rác và bốc mùi hôi rất khủng khiếp, với tình yêu môi trường và Hà Nội anh đã sẵn sàng từ bỏ công việc của mình để cùng 3 người bạn thành lập nhóm Hà Nội Xanh.

Anh Huy cho biết, cuối năm 2022, anh đã thành lập nhóm thanh niên tình nguyện “Hà Nội Xanh”, ban đầu chỉ có một vài thành viên, quyết tâm “hồi sinh” những con sông ô nhiễm tại Hà Nội với mục tiêu hàng tuần đi dọn sạch rác trên các con kênh, sông, mương. Sau 3-4 buổi dọn rác nhóm anh mới bắt đầu quay video đăng tải lên TikTok với mục đích tuyên truyền cho mọi người bảo vệ môi trường và mở rộng dự án.

Với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” của nhóm Hà Nội Xanh đã truyền cảm hứng cho cộng đồng, để ngày càng nhiều người tham gia dự án vớt rác khắp các con sông, kênh, mương ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội. 

Dùng cả thanh xuân “đội nắng, dầm mình" dưới dòng nước đen ngòm dọn rác cho Hà Nội thêm xanh - Ảnh 2
Để đảm bảo sự an toàn cho các thành viên, trưởng nhóm yêu cầu các tình nguyện viên bắt buộc phải tiêm phòng uốn ván trước khi tham gia. (Ảnh: KTĐT)

Lau những giọt mồ hôi lấm tấm lăn trên khuôn mặt bầu bĩnh, chàng trai Quang Huy (quê Thạch Thất) chia sẻ, sau 2 tiếng dầm mình dưới sông, chúng em đã góp phần giảm bớt ách tắc của dòng sông Pheo, đồng thời loại bớt phần rác lên trên. Em thấm mệt nhưng cảm giác thật vui vì mình đã giúp ích được cho xã hội.

Lan tỏa tinh thần "thép" hồi sinh những dòng sông chết

Em Bùi Bích Phương (SN 1998), thành viên nhóm được giao nhiệm vụ đặc biệt là “livestream” (phát trực tiếp) lên mạng xã hội về hoạt động dọn rác của nhóm để lan tỏa những điều tích cực trong xã hội, lan tỏa những hành động đẹp tới cộng đồng để người dân không vứt rác bừa bãi.

Phương cho hay, mỗi buổi livestream, có đến hàng nghìn người xem, mọi người xem rất ủng hộ và không ngớt dành lời khen ngợi cho nhóm.

Chỉ mới hơn 6 tháng đi vào hoạt động, đến nay, nhóm đã có gần 400 thành viên, xử lý dọn sạch, làm sạch những con kênh, mương, sông bị ô nhiễm ở gần 60 điểm như dọc sông Tô Lịch, kênh La Khê, Linh Đàm, Thanh Oai, Cầu Chùa Ngòi, Tây Tựu, sông Nhuệ, sông Pheo… với hàng trăm tấn rác.

Trước mỗi buổi dọn rác, anh Nguyễn Tiến Huy sẽ cùng phó nhóm Lê Minh Hiếu (quê Hà Nam) trực tiếp lội xuống nước khảo sát địa hình, số lượng rác rồi lên kế hoạch, phân chia khu vực. Công việc của một buổi kéo dài 4-5 tiếng, khá vất vả. Khi bắt đầu dọn, ngoài những dụng cụ cơ bản như rổ lớn, bịch nilon, cào, dây, gậy, các thành viên trong nhóm phải đeo 2 lớp găng tay cao su, mặc đồ bảo hộ không thấm nước. Để đảm bảo sự an toàn cho các thành viên, trưởng nhóm còn yêu cầu các tình nguyện viên bắt buộc phải tiêm phòng uốn ván trước khi tham gia.

Được biết, những thành viên thực hiện công việc lội dưới lòng sông đều là những người gắn bó lâu dài với nhóm và từng có kinh nghiệm lội nước, phải đi lại nhẹ nhàng và cẩn trọng. Họ sẽ được trang bị đồ bảo hộ lao động chống nước đầy đủ để được đảm bảo an toàn nhất có thể. Các tình nguyện viên mới tham gia được phân công nhặt rác trên bờ hoặc đưa phế thải đã được đóng gói đến nơi tập kết.

Dùng cả thanh xuân “đội nắng, dầm mình" dưới dòng nước đen ngòm dọn rác cho Hà Nội thêm xanh - Ảnh 3
Đến nay, Hà Nội Xanh đã xoá được 70 điểm đen rác thải trên địa bàn Thủ đô. (Ảnh: Báo TN&MT)

Anh Tiến Huy cho biết, trung bình mỗi tuần, nhóm sẽ làm 3-4 buổi với 10-15 người. Đặc biệt, cuối tuần có 25-30 người, tùy thuộc vào thời gian của các tình nguyện viên. Trung bình mỗi buổi dọn rác, nhóm thu gom được khoảng 30-40 túi, có nơi nhóm thu gom được tới 70-80 túi. Sau khi thu gom xong, nhóm sẽ nhờ công ty môi trường cùng địa phương hỗ trợ đưa lên xe hoặc thuê xe chuyển về bãi tập kết rác của Thành phố.

Dùng cả thanh xuân “đội nắng, dầm mình" dưới dòng nước đen ngòm dọn rác cho Hà Nội thêm xanh - Ảnh 4
Anh Nguyễn Tiến Huy mặc đồ bảo hộ trước khi lội kênh dọn rác. (Ảnh: Dân Việt)

Với tình yêu lớn lao dành cho môi trường và cho Hà Nội yêu thương, anh Huy đang ấp ủ một dự án nhằm nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, tuyên truyền để người dân biết cách phân loại rác thải. Tại mỗi địa điểm “Hà Nội Xanh” đi qua, nhóm sẽ đặt các thùng rác công cộng để người dân có thể vứt rác vào thùng, giúp cho công việc thu gom dễ dàng hơn. Nhóm sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều dự án về môi trường, vì một Hà Nội xanh và sức khỏe cộng đồng. Mục tiêu sắp tới là nhóm phát triển lên 1.000 người.

Trái tim tình nguyện hướng về Hà Nội Xanh

Anh Đặng Đình Mạnh (Hà Nội) rất ấn tượng và cảm kích trước việc làm vì môi trường của nhóm, anh đã tự bỏ kinh phí, vào bếp nấu những suất ăn ngon, tiếp sức cho những chàng trai, cô gái nhóm Hà Nội Xanh. Có hôm, anh đến điểm dọn rác xuống sông, mương làm cùng các bạn để cảm nhận được việc làm ý nghĩa và động viên các bạn trẻ.

Khi biết tin nhóm làm thông ca, anh Mạnh lại chuẩn bị những cốc cháo cá lăng, suất bún chả, chút hoa quả cho nhóm để dùng trong những buổi trưa nóng nực. Giọng anh Mạnh bỗng lạc hẳn đi, đôi mắt đỏ hoe nhìn xa xăm về phía nhóm Hà Nội Xanh đang dầm mình dưới dòng sông đen ngòm bốc mùi hôi thối và đầy rẫy rác thải.

"Nếu như không có một tình yêu thực sự, không có sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi nghĩ, các bạn trẻ không dấn thân, không cống hiến được như vậy. Đúng là "những dũng sĩ diệt rác”, anh Mạnh cho biết thêm.

Những trái tim thiện nguyện vẫn luôn cháy bỏng tình yêu với môi trường và Thủ đô Hà Nội. Nhóm Hà Nội Xanh mong muốn lan tỏa những thông điệp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường không chỉ trên địa bàn Thủ đô mà còn ở nhiều nơi trên cả nước. Các bạn trẻ vẫn luôn tin rằng từ những hành động nhỏ bé sẽ giúp thay đổi dần nhận thức và hành vi của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Hoàng Hà (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Dùng cả thanh xuân “đội nắng, dầm mình" dưới dòng nước đen ngòm dọn rác cho Hà Nội thêm xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Bình: Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lúa gạo bền vững
UBND tỉnh Thái Bình vừa có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố quan tâm một cách thiết thực, quản lý và sử dụng có hiệu quả cao quỹ đất sản xuất lúa của địa phương không để lãng phí nguồn lực đất đai. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lúa, gạo bền vững.
Khai thác du lịch bền vững Công viên địa chất Lạng Sơn
UBND tỉnh Lạng Sơn đã trình bộ hồ sơ lên UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu, dự kiến cơ bản xong trước tháng 7/2024. Qua đó hướng tới mở cửa cho công chúng tham quan, khai thác phát triển du lịch bền vững.
Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.

Tin mới